ClockThứ Sáu, 19/02/2016 05:54

Sẽ nhân văn hơn nhiều

TTH - Hãy thôi nhân danh “nhân văn” để duy trì, cổ súy cho một tập tục không còn phù hợp với đời sống văn minh và gây quá nhiều phiền lụy cho xã hội...

Vàng mã được vô tư rải xuống sông Hương

Những ngày cuối năm, trong lúc nhà nhà hân hoan du xuân sắm tết thì những công nhân của các đơn vị cây xanh, môi trường phải làm việc cật lực cho thành phố tinh tươm, sạch đẹp để đón chào năm mới. Nhìn các anh chị em làm việc dưới trời mưa lạnh, tôi thấy lòng rưng rưng cảm kích và tri ân. Thầm mong trời nhanh nhanh tạnh mưa cho anh em đỡ khổ; lại tự nhắc mình nếu không giúp gì được thì cũng rất nên có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nhắc nhở người nhà không xả rác ra đường, tập kết rác đúng nơi đúng chỗ cho các anh, các chị đỡ vất vả.

Sáng 29 tháng Chạp (tức 30 Tết, do năm rồi tháng thiếu), cả gia đình tôi kéo nhau về nội để cúng cỗ “lên nêu”. Trời hôm ấy bắt đầu tạnh ráo. Đường Điện Biên Phủ quang rạng, tươm tất sẵn sàng cho thời khắc giao thừa. Bỗng một đám ma xuất hiện, rồi tiền vàng tung tóe; lại thêm một đám nữa xuất hiện, lại tiền vàng tung tóe... Ngày cuối năm, các gia đình có người xấu số đều tập trung đưa tang, tránh để đám 2 năm. Và những con đường dẫn về nghĩa trang lãnh đủ. Và công sức của các anh, các chị công nhân môi trường cũng trở nên công cốc. Chia sẻ với nỗi mất mát của những gia đình có người “tử biệt sinh ly”, nhưng quả là không thể thông cảm, không thể kìm được nỗi bất bình trước sự vô cảm của họ đối với lợi ích công cộng!

Xin đừng làm nhọc nhằn thêm công việc của những người vớt rác 

Chưa hết, bắt đầu từ trưa 30, cả con sông An Cựu (mà chắc là còn thêm nhiều con sông, mặt hồ khác nữa, do ngày cuối năm tôi không có thời gian khảo sát hết) tràn ngập “áo binh” được nhiều người cúng xong thả xuống. Tệ nạn này đã xuất hiện vào mỗi dịp “sóc, vọng” hàng tháng, đã gây bức xúc nhiều trong dư luận. Dịp cuối tết nhất lại càng rộ tợn, khiến con sông như trở thành con sông rác. Thật bức bối không thể chịu được!

Đã có nhiều tiếng nói phản đối, đã có những phân tích, kiến nghị tiết giảm, bài trừ vàng mã do sự bất tiện, phí phạm, ô nhiễm, “vô minh” và phản cảm. Một số địa phương đã thấu biết và có giải pháp. Thừa Thiên Huế chúng ta cũng đã có quy định cấm rải vàng mã trên một số tuyến đường...Tuy nhiên, cho thật sòng phẳng mà nói, hiệu quả thu lại vẫn chưa như mong muốn. Nhiều, thậm chí rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng không bị xử lý. Do vậy người ta sinh nhờn, vàng mã vẫn rộng đường “sống”.

Có lẽ đã đến lúc phải làm một cuộc vận động tổng lực để thay đổi nhận thức. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà nghiên cứu văn hóa là lực lượng chủ công. Tiếp nữa, các cơ quan quản lý cần phải có hành động rốt ráo, từ quy định, xử lý cho đến những chính sách “hậu vàng mã” cho đối tượng làm nghề.

Xin hãy thôi nhân danh “nhân văn” để duy trì, cổ súy cho một tập tục không còn phù hợp với đời sống văn minh và gây quá nhiều phiền lụy cho xã hội. Thay vì hóa tro, hãy để dành tiền giúp người nghèo khám chữa bệnh, thêm ngôi nhà nhân ái hay manh áo ấm mùa đông...; Hãy thương lấy những công nhân làm vệ sinh môi trường, hãy thương lấy môi trường sống của chúng ta vốn đã oằn mình chống chịu với vô vàn ô nhiễm. Có lẽ như thế sẽ nhân văn hơn nhiều...

Thượng Bích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển mùa

Đã qua tiết thu phân. Ngọn gió ngoài sông phả về hơi lạnh nghe ra mùi hương đất đai kỳ hoai ủ. Con nhóc giờ này năm xưa rén nhẹ bước chân vo bơ gạo độn khoai, rang thêm mẻ hạt dầu với ruốc. Một phần cho mẹ ra đồng, phần nữa con theo đám các bà dì đi qua chợ huyện rồi đến trường học. Những ngọn đồi mù mịt trong mưa. Đứa trẻ mắt nhắm mắt mở thấy mình mãi vòng quanh không qua hết bìa rừng... Nó ứa nước mắt thèm ngủ vùi trong mùi lá còn vương.

Chuyển mùa
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Mùa trái chín

Sau những cơn dông ngột ngạt hơi nóng của đất và cỏ mục, tiết trời chuyển thu như chỉ sau một đêm về sáng. Nghe trong tiếng vạc kêu khuya kéo theo làn sương mỏng về bên sông. Những khu vườn như vàng lên theo từng gân lá. Bình minh rộng mở. Không gian dìu dịu màu nắng và mùi hương hoa cỏ, trái chín. Mặt nước sông Hương nhuộm sắc trời thiên thanh. Phố quanh quanh, làng tiếp nối cho đến tận đường viền của ngọn núi Phụng mơ hồ một màu tím trong mây nhạt.

Mùa trái chín
Return to top