Du khách đạp xe tham quan Huế. Ảnh: Đức Quang
Nói đúng hơn là ngược với suy nghĩ của một bộ phận khá đông người dân trong xã hội chúng ta hiện nay. Ai cũng xem xe máy (trước đây) và ô tô (bây giờ) là phương tiện thuận lợi và sang trọng, cần phải nỗ lực để có được. Điều đó không sai, nếu đặt trong bối cảnh đô thị, xã hội hiện nay: xe buýt thì sơ sài, xe điện và tàu điện ngầm không có, taxi thì quá đắt, đường phố thì chật chội, môi trường thì bụi bặm, nóng bức, tai nạn giao thông luôn rình rập... với lối suy nghĩ rằng xe đạp chỉ dành cho người nghèo.
Nhưng, nếu bạn xem hình ảnh ông Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thư thái đạp xe đến công sở mỗi ngày, thì tôi tin là bạn sẽ không còn xem xe đạp là phương tiện chỉ dành cho người nghèo. Nếu bạn biết rằng gần 60% dân số Hà Lan sử dụng xe đạp là phương tiện di chuyển hàng ngày và đó là phương tiện giao thông chính của đất nước này, bất kể thời tiết ra sao, thì bạn sẽ thay đổi suy nghĩ của mình.
Cũng tại cuộc tọa đàm xe đạp nói trên, chuyên gia Trần Nhật Nam đến từ Hà Nội cho biết: “Bạn bè tôi cũng đang chuyển dần sang đi xe đạp, không phải vì họ nghèo, mà vì muốn thay đổi cách sống, tiết kiệm được nhiều chi phí không chỉ riêng mình mà cả chi phí xã hội như giảm bớt chi phí xây dựng hạ tầng, hạn chế tai nạn giao thông, giảm tác hại đến môi trường”. “Thay đổi cách sống” mà chuyên gia này nói, đó là cách sống xanh.
Sống xanh là một cách sống ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên và ít gây ra tác động tiêu cực cho môi trường. Sống xanh là cách sống đáp ứng được nhu cầu hiện tại của mình mà không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Sống xanh là bao hàm sống sạch trong đó, không chỉ sạch về vật chất mà sạch cả tinh thần. Khi môi trường sạch thì câymới xanh tươi và tràn trề nhựa sống.
Sống xanh, vì vậy là một cách sống văn minh và rất văn hóa, hiện đại nhưng không thực dụng, tận hưởng cuộc sống chứ không phải là tiêu xài hưởng thụ. Là cách sống thuận theo tự nhiên, hài hòa với xã hội, có trước có sau, có lý có tình. Là một phong cách sống đang trở nên thịnh hành và sẽ là xu hướng sống của tương lai. Sống đẹp đẽ, sang trọng và hạnh phúc như thế, thì lẽ nào không phải là phong cách sống đẳng cấp!
Trở lại với thành phố Huế của chúng ta. Một đô thị với quy mô không lớn, dân số không đông, cự ly di chuyển trong đô thị không xa, không gian vốn đã xanh, nhịp sống vốn chậm rãi… Vì vậy, Huế rất hợp với các phương tiện xanh, với xe điện là phương tiện công cộng, và xe đạp là phương tiện cá nhân. Xóa dần xe máy và kiểm soát ô tô cá nhân với số lượng phù hợp.
Huế đã xác định cho mình mô hình đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Huế cũng đã được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên vinh danh là “Thành phố Xanh quốc gia” của Việt Nam - thành phố đi đầu cả nước trong phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Nếu tiền bạc vẫn còn chật vật thì trước mắt Huế chỉ cần trồng thêm cây xanh, hoa lá - một hạng mục đầu tư không tốn nhiều bạc tiền như các loại công trình hạ tầng khác. Huế chỉ cần giữ cho thật sạch sẽ môi trường. Từ đường phố, công viên cho đến từng ngỏ hẻm, từ công sở cho đến nhà dân, không còn nhìn thấy rác, thì Huế đã lập cho mình một đẳng cấp sống rất cao.
Huế chỉ cần giãn dân trong Thành Nội và khu trung tâm nam sông Hương ra các đô thị mới, giữ nguyên đô thị cổ ở bờ Bắc, đô thị cũ ở bờ Nam sông Hương, không phải mở rộng những con đường dù nhỏ nhắn nhưng xinh xắn, và quan trọng là không phải đốn bỏ những hàng cây cổ thụ với tán lá xanh phải mất hàng chục năm mới có được.
Huế chỉ cần phục hồi phong thái chậm rãi, thư thái, phong cách sống “trọng tinh thần hơn là hưởng thụ vật chất” đã trở thành tính cách Huế, từng hưng thịnh suốt cả mấy trăm năm lịch sử nhưng hiện tại dường như đang phôi phai. Tính cách Huế đó là phong cách sống Xanh - một cách sống sang trọng, đẳng cấp.
Chỉ cần mỗi người Huế biết cúi xuống nhặt một cọng rác dưới chân mình, là Huế sẽ trở thành đô thị sạch - điều mà ít đô thị nào ở Việt Nam hiện nay làm được. Chỉ cần như thế là Huế đã nổi tiếng sẽ trở nên nổi tiếng hơn. Huế mới thật sự thiết lập cho mình một phong cách sống đẳng cấp!
Minh Tự