ClockThứ Tư, 06/11/2024 15:00

Sửa Luật Đầu tư công: Bảo đảm nguyên tắc mở để phát triển nhưng phải quản lý chặt chẽ

Bộ trưởng Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết và rất sát thực tế của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), bảo đảm nguyên tắc linh hoạt, mở để phát triển nhưng phải quản lý được, kiểm soát được.

Quốc hội thảo luận về Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư (sửa đổi)Đẩy mạnh phân cấp nhưng cần cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực

 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sáng 6/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sáng 6/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tư duy xây dựng luật này là vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển để tạo ra các động lực mới, các không gian mới, khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng được các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm. Khi thực hiện phải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được quy định, ai vi phạm người đấy sẽ chịu trách nhiệm và bị xử lý theo pháp luật.

Theo Bộ trưởng, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công lần này đều là những vấn đề cốt lõi, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đã tổng hợp và thực sự quan trọng và cấp bách.

Đi vào giải trình một số nội dung cụ thể đại biểu Quốc hội nêu, về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiêu chí quan trọng quốc gia đã xây dựng từ năm 1997 là 17 nghìn tỷ đồng, đến nay đã qua 27 năm nhưng chưa sửa đổi. Trong khi quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000, tăng 2,5 lần so với năm 2013. Tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng lên 3 lần. Trượt giá bình quân từ năm 2000 đến nay là 3%/năm.

Bộ trưởng nêu rõ, dự kiến đời sống của luật này ít nhất phải giữ được 5-10 năm. Việc nâng quy mô lên 20 nghìn tỷ đồng như một số đại biểu đề xuất có thể phù hợp ở thời điểm hiện nay, nhưng có thể sau một vài năm nữa do tình hình phát triển, yêu cầu phát triển và do trượt giá thì số đó lại không phù hợp.

Để bảo đảm tính ổn định, Chính phủ xin Quốc hội cho giữ mức quy mô dự án quan trọng quốc gia là 30 nghìn tỷ đồng như trong dự thảo. Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn 2026-2030, theo Nghị quyết Đại hội XIV đang chuẩn bị thì chúng ta sẽ có 40 dự án quy mô trên 10.000 tỷ đồng và 30 dự án trên 30 nghìn tỷ đồng. Nếu giảm xuống còn 20 nghìn tỷ đồng thì số này còn tăng lên nữa, Quốc hội sẽ mất rất nhiều công cho các dự án quan trọng quốc gia.

Liên quan việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc này sẽ giúp giảm bớt 5 bước so với 11 bước như hiện nay (6 bước của Chính phủ và 5 bước ở Quốc hội), tương đương giảm trung bình khoảng 4 tháng, tiết kiệm được nhiều thời gian, nhưng quan trọng hơn là bảo đảm tính linh hoạt.

“Bởi vì chuyện điều chỉnh phát sinh hàng ngày, hàng tháng, không phải theo đợt, tỉnh A có thể hôm nay có phát sinh, ngày mai tỉnh B, ngày kia tỉnh C có phát sinh thế, không thể nào Chính phủ lại đi trình với Quốc hội lắt nhắt từng vấn đề, từng tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể nào làm được như thế, mặc dù có thể mấy tuần họp một lần cũng không làm được việc đó”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng, Quốc hội quản lý những vấn đề lớn, còn chi tiết phát sinh, dịch chuyển, điều chỉnh giữa các bộ, ngành của đầu tư công trung hạn thì giao lại cho Chính phủ sẽ linh hoạt hơn, và Quốc hội vẫn bảo đảm kiểm soát được. Việc đấy sẽ tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương, phù hợp với thực tế phát sinh.

Quang cảnh phiên họp sáng 6/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Về đề xuất phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho UBND cùng cấp đối với dự án nhóm B, nhóm C, trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện vấn đề này với nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc bảo đảm yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.

Giải trình, làm rõ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Điều 17 của dự thảo Luật đã cho phép trong trường hợp cần thiết HĐND có thể giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư trong một số lĩnh vực, một số trường hợp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương.

Trên thực tế, có 43 tỉnh đã thực hiện việc phân cấp, phân quyền như trên. Vừa qua, Chính phủ cũng đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến lại của 63 địa phương, cả 63 địa phương đều nhất trí 100%. Tuy nhiên, có thể có địa phương về họp Thường trực của tỉnh để quyết thì có lấy ý kiến cả HĐND nhưng có địa phương không lấy ý kiến của HĐND.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này xem có phân cho UBND không hay vẫn giữ nguyên như hiện nay để lập luận một cách chặt chẽ hơn và thuyết phục hơn, cũng có thể giữ nguyên và có thể điều chỉnh theo phương án khác.

Đối với việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây sẽ là một bước tiến: trước đây chỉ quy định 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bây giờ tách làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng nằm ở khâu chuẩn bị dự án.

“Nếu tách bạch cả 3 chỗ này ra thì chúng ta sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai và như vậy chúng ta sẽ tách giải phóng mặt bằng ra cho làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư. Khi chúng ta làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng. Đây là một cuộc cải cách rất lớn”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu là phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, mở nhưng phải quản lý được, kiểm soát được chứ không phải tràn lan để rồi gây hậu quả, dẫn đến thất thoát, lãng phí. Theo đó, dự thảo Luật đưa ra quy định khi tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập phải phù hợp quy hoạch,kế hoạch và khả năng cân đối vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết và rất sát thực tế của đại biểu Quốc hội, bảo đảm nguyên tắc mở để phát triển nhưng không buông lỏng quản lý.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Sửa Luật Đầu tư công:
Đẩy mạnh phân cấp nhưng cần cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực

Tán thành nhiều đề xuất trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, song đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực.

Đẩy mạnh phân cấp nhưng cần cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực

TIN MỚI

Return to top