ClockThứ Tư, 06/11/2024 14:30
Sửa Luật Đầu tư công:

Đẩy mạnh phân cấp nhưng cần cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực

Tán thành nhiều đề xuất trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, song đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực.

Quốc hội thảo luận về Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư (sửa đổi)

 Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường sáng 6/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 6/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là nhóm chính sách liên quan đến tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Tán thành nhiều đề xuất sửa đổi trong dự thảo liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, song đại biểu đề nghị cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng, cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là cho địa phương để thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều lần là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, thì cũng cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định.

Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề nghị phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp (khoản 7 và 8 Điều 18).

Theo đại biểu Thủy, việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.

“Trước chúng ta đang giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương. Bởi vì sao? Bởi vì HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, là cơ quan thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương và thực hiện quyền giám sát, nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình chúng tôi thấy rất hợp lý. Việc cho rằng đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian cũng chỉ là một cách giải thích và đã có những giải pháp để khắc phục việc này rồi”, đại biểu phân tích.

Mặt khác, khi đưa nội dung này ra xem xét, thảo luận và quyết định tại HĐND thì việc chuẩn bị hồ sơ dự án sẽ phải cẩn trọng hơn, việc công khai, minh bạch về quy trình cũng như nội dung dự án đầu tư cũng được bảo đảm tốt hơn, đây là điều kiện quan trọng để các cơ quan và người dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Dẫn đề xuất trong dự thảo, đại biểu Thủy nhận xét, tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C theo tổng mức đầu tư cũng sẽ có độ giãn rất lớn, từ dưới 90 tỷ đồng đến tận 4.600 tỷ đồng đối với một dự án tùy theo lĩnh vực.

Do đó, đại biểu cho rằng, căn cứ vào lĩnh vực đầu tư, quy mô, tính chất, tổng mức đầu tư của dự án, HĐND hoàn toàn có thể giao UBND quyết định chủ trương đầu tư trong một số lĩnh vực, một số trường hợp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương như quy định tại khoản 7 Điều 17 của Luật hiện hành.

Phân tích của đại biểu Thủy nhận được sự tán thành của một số đại biểu Quốc hội khác.

 Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình), việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá tác động toàn diện.

HĐND là cơ quan quyết định về ngân sách, cơ quan quyền lực nhà nước và thực hiện quyền giám sát, nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định đầu tư là một quy trình rất chặt chẽ, một biện pháp để kiểm soát quyền lực như luật hiện hành là rất phù hợp.

Hơn nữa, trong trường hợp HĐND địa phương thấy có những dự án cần phân cấp, ủy quyền lại cho UBND thì khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về trường hợp cần thiết, HĐND có thể giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư.

"Quy định như vậy là mở, mềm dẻo, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển khả năng tài chính cũng như đặc điểm cụ thể của các địa phương", đại biểu nói và cho rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để bảo đảm tính giám sát và tính kiểm soát quyền lực.

Chung quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, HĐND các cấp tổ chức họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường khi cần thiết. Do vậy, nếu phải trình qua HĐND phê duyệt cũng không mất quá nhiều thời gian chờ đợi.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Việc trình HĐND phê duyệt buộc dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, ban, ngành có liên quan, do đó dự án sẽ được đánh giá, xem xét kỹ hơn, bảo đảm mang lại hiệu quả tốt hơn khi triển khai thực hiện.

Mặt khác, việc thông qua HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo nên sự độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với người phê duyệt dự án đầu tư, tránh những nguy cơ mắc phải những sai phạm, giảm gánh nặng trách nhiệm cho người phê duyệt dự án.

Thêm vào đó, khi HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng sẽ quyết định luôn những cơ chế để giải quyết những vấn đề vướng mắc, giúp cho dự án được triển khai thuận lợi hơn.

Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo cho phép HĐND các cấp được quyết định những giải pháp đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương và yêu cầu riêng của từng dự án.

Đồng thời, quy định HĐND các cấp có thể ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự thuộc thẩm quyền để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Sửa Luật Đầu tư công: Bảo đảm nguyên tắc mở để phát triển nhưng phải quản lý chặt chẽ

Bộ trưởng Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết và rất sát thực tế của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), bảo đảm nguyên tắc linh hoạt, mở để phát triển nhưng phải quản lý được, kiểm soát được.

Sửa Luật Đầu tư công Bảo đảm nguyên tắc mở để phát triển nhưng phải quản lý chặt chẽ
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh
Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn

Trong khuôn khổ Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” (KVPVP), sáng 7/10, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đối với cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên, tuyên truyền viên tuyến xã.

Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn
Return to top