ClockThứ Bảy, 09/04/2016 09:36

Suy hao nguồn lực - nhìn từ lĩnh vực văn hóa

TTH - Nguồn lực đất nước ta cho đầu tư phát triển chưa dồi dào. Nhìn vào thiếu hụt ngân sách và nợ công, nhìn vào 63 tỉnh thành chỉ có chừng 20 tỉnh thành cân đối được ngân sách, còn lại là “nhờ” trung ương hỗ trợ, đủ thấy nguồn lực đầu tư phát triển từ trung ương đến địa phương đều thiếu hụt.

Thực tế là vậy nhưng nhìn vào một số khía cạnh, chúng ta thấy nguồn lực đã yếu nhưng cách thức tổ chức, khai thác nguồn lực có hạn ấy bị suy hao đi rất nhiều. Nghĩa là chúng ta có đến hai lần tự làm yếu mình. Lần thứ nhất là nguồn lực vốn đã hạn chế, lần thứ hai là sử dụng nguồn lực có hạn ấy kém hiệu quả. Thử nhìn vài biểu hiện ở lĩnh vực văn hóa.

Là giáo dục. Cách thức vận hành hệ thống giáo dục của chúng ta được cho là kém hiệu quả và gây ra nhiều lãng phí. Cứ tính xem một người đầu tư học đại học, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ rồi về sử dụng kiến thức ấy để thúc đẩy phát triển là như thế nào cũng đủ hiểu. Đại học thất nghiệp tràn lan. Nhiều tiến sĩ một năm không cho ra nổi một công trình khoa học, trong khi bản chất của tiến sĩ là nghiên cứu. Có khi có công trình nghiên cứu khoa học rồi nhưng không áp dụng được vào thực tiễn. Hạn chế này đến từ nhiều phía, từ định hướng đào tạo và sử dụng của nhà nước, từ tư tưởng trọng bằng cấp của xã hội, từ sự lệch lạc trong việc nhìn nhận năng lực bản thân của mỗi người...

Rồi nữa, không hiểu nhà trường đào tạo thế nào mà rời khỏi cổng trường, từ cấp một đến cấp ba đều phải đi học thêm. Tính một lượng tiền mặt bỏ ra đã nhiều, tính thời gian của học sinh và phụ huynh đầu tư cho việc này có khi còn nhiều hơn. Cái khó khắc phục cho vấn đề này là ở chỗ nó đã trở thành một yêu cầu của xã hội. Có cầu ắt có cung. Cho nên nhiều văn bản hành chính can thiệp điều chỉnh vấn đề này đều không đem lại hiệu quả.

Là lĩnh vực văn hóa. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân là điều cần thiết. Vấn đề là hình như ở một nơi nào đó, ở một lúc nào đó chúng ta đã có bước đi thái quá. Ví dụ như trung tâm này trung tâm kia, tượng đài này tượng đài nọ, làng văn hóa... tốn cả hàng ngàn tỷ đồng. Các lễ hội đủ loại thi nhau được tổ chức nhưng không thể nào chỉ ra được hiệu quả cụ thể. Ví như phục vụ nâng cao đời sống tinh thần người dân thì nâng cao mức nào? Thúc đẩy phát triển du lịch thì trong và sau tổ chức du lịch phát triển thế nào? Có lẽ lĩnh vực văn hóa không ai cân đong đo đếm một cách cụ thể như kinh tế được cho nên có lúc nó đang bị lợi dụng để gắn vào đó những mục tiêu tốt đẹp. Và ngân sách nhà nước, tiền của doanh nghiệp bị tiêu tốn.

Thủ tục hành chính, suy cho cùng cũng là một phần của văn hóa. Nó được điều chỉnh bởi hai yếu tố - sự tốt đẹp, thuận lợi, suôn sẻ của văn bản hành chính và con người thực thi. Nhưng cả hai yếu tố này chúng ta cứ cải cách mãi mà nó vẫn trục trặc. Mà trục trặc là nguồn lực của doanh nghiệp, của người dân bị tiêu tốn...

Chúng ta thường nghe nói “Văn hóa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển”. Nghĩa là văn hóa là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong phát triển, cho phát triển. Đó là điều không thể phủ nhận. Vấn đề là chúng ta phải điều chỉnh những hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu tốt đẹp nêu trên.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đô thị

Tạo tiền đề cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2024, TP. Huế tập trung nguồn lực triển khai nhiều chương trình, dự án (DA) trọng điểm.

Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đô thị
Ưu tiên nguồn lực cải thiện điều kiện sống cho trẻ em

Không riêng Thừa Thiên Huế, hiện vẫn còn nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các em thuộc gia đình nghèo còn thiếu thốn. Các em không có những phòng học khang trang, không có đầy đủ sách vở và đồ dùng học tập.

Ưu tiên nguồn lực cải thiện điều kiện sống cho trẻ em
Return to top