ClockThứ Ba, 19/07/2022 06:45

Tạo bước chuyển, đẩy lùi tham nhũng

TTH - Cùng với quyết tâm “không dừng”, “không nghỉ” của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tăng minh bạch, công khai để chống tham nhũng, tiêu cựcNgăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực - Quyết tâm, hành động mạnh mẽ

Cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố một vụ án liên quan đến tham ô tài sản

Đồng bộ nhiều giải pháp

Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo Nghị định 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; chấp hành kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; cơ chế, chính sách về PCTN để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm phòng ngừa tham nhũng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật PCTN gắn với cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung công khai ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Công khai các thủ tục hành chính, công khai việc phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước, công khai mua sắm tài sản công, công khai việc tuyển dụng công chức, viên chức và các chính sách xã hội; tăng cường phân cấp quản lý cho các cấp, các ngành; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước cũng được tăng cường, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng và dư luận quan tâm như: đất đai, quản lý tài chính, tài sản công; đấu thầu, đấu giá; các lĩnh vực có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, tập trung phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế...

Tiền đề tạo bước chuyển 

6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra tỉnh đã phát hiện 1 vụ có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; vụ việc đang được cơ quan điều tra khởi tố. Về phát hiện, xử lý tham nhũng: Công an TP. Huế đã khởi tố 1 vụ tham ô tài sản tại phường Trường An; UBND TX. Hương Trà đã ban hành quyết định kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Thành và 2 công chức liên quan đến công tác PCTN; Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã kết thúc điều tra và chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 2 vụ/4 bị can; Tòa án Nhân dân tỉnh thụ lý 4 vụ/16 bị cáo và đã giải quyết 2 vụ/8 bị cáo...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác PCTN cũng đang vấp phải nhiều trở ngại. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, công tác tự kiểm tra ở trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương để phát hiện hành vi tham nhũng vẫn còn hạn chế; công tác phòng ngừa gắn với công khai, minh bạch trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng,... ở một số nơi chưa thực hiện tốt; việc giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước chưa phát huy hiệu quả.

Có thể nói, việc coi trọng công tác đấu tranh PCTN đã góp phần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Mới đây, sự ra đời của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực tỉnh ngay sau khi có chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của tỉnh trong việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của tập thể BCĐ, của hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Sự ra đời của BCĐ cấp tỉnh sẽ là cơ sở, là nền tảng quan trọng để tạo bước chuyển mới hơn, sâu sắc hơn và đạt kết quả cao hơn trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực. Đặc biệt, với vai trò là “tổng chỉ huy” trên mặt trận đấu tranh PCTN, tiêu cực tại địa phương, sự ra đời của BCĐ sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực.

Từ đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực. Đồng thời, khơi dậy tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, với phương châm: Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2022; khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn “Bắt bị can để tạm giam”, “khám xét” đối với 5 đối tượng về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 354 Bộ luật hình sự.

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế
Đẩy lùi bạo lực gia đình

Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã và đang có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.

Đẩy lùi bạo lực gia đình
Return to top