ClockThứ Năm, 02/09/2021 13:30

Tết Độc lập & chuyện về xã bắt đầu

Lời thề Độc lập và khát vọng hùng cường

1. Mãi cho đến ngày giải phóng 1975, đứa trẻ lên mười là tôi mới biết xã Thủy Phương (nay đã lên phường) còn có tên Mỹ Thủy. Dân quê tôi tự hào với tên gọi này lắm, bởi nó gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của địa phương: Mỹ Thủy anh hùng. Rồi lật tìm trong lịch sử, tôi được biết, tên xã Mỹ Thủy có từ tháng 12/1948, còn trước đó ngay sau ngày độc lập, xã tôi gồm 2 xã có tên là Dạ Lê Thủy và Lam Thủy. Sở dĩ có xã Mỹ Thủy là do nhu cầu của cuộc kháng chiến cần tập trung lực lượng và sự lãnh đạo thống nhất trên một khu vực rộng lớn nên thực hiện quyết định của cấp trên, Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Hương Thủy gộp lại 2 xã Dạ Lê Thủy và Lam Thủy thành xã Mỹ Thủy.

Xã Lộc Tiến (tức xã Đại Nguyên sau ngày Độc lập, 2/9), nhìn từ trên cao

Một trong những quyết định mang tính lịch sử của Nhà nước Việt Nam độc lập sau ngày 2/9 là bỏ đơn vị hành chính cấp tổng và thành lập đơn vị xã, có quy mô nằm giữa tổng và làng. Ví như ở Khu III (Phú Lộc), từ tổng Diêm Trường (1 trong 4 tổng của huyện Phú Lộc trước đó) được phân thành các xã Đại Lộc, Đại Lợi, Đại Hiền, Đại Hải. Còn ở xã tôi, Dạ Lê Thủy bao gồm các làng Dạ Lê, Thanh Lê và xóm Lợi Nông thuộc tổng Dạ Lê. Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã là ông Nguyễn Đình Chi cùng họ và Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Công Xảo (còn có tên Trần Thu) là người cùng ở xóm Chùa với tôi.

Đơn vị hành chính cấp xã chỉ gắn liền với chính quyền cách mạng. Còn bộ máy phía thực dân và đế quốc, vẫn giữ lại đơn vị cấp tổng sau cách mạng Tháng Tám, sau đó tổ chức thành khu vực hành chính; mãi đến năm 1958, chính quyền Sài Gòn mới thành lập đơn vị hành chính cấp xã và tên gọi Thủy Phương cùng đại đa số các xã, phường hiện nay có từ thời điểm đó.

2. Ngay sau khi được thành lập, các xã đã trở thành “túi đựng” công việc, vừa cùng lúc gánh vác trách nhiệm quản lý của cả tổng và làng để lại, vừa thực hiện các nhiệm cách mạng mới, gói gọn trong mấy lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm” nhưng xem chừng đều vô cùng nặng nề và khẩn cấp.

Tôi về Vinh Hưng (sau ngày độc lập 2/9 có tên xã Đại Lộc) và được nghe các bậc lão thành hào hứng kể về phong trào bình dân học vụ nơi đây. Xã Đại Lộc đề ra nhiều biện pháp, những nơi có nhiều người qua lại như các chợ đều thường xuyên tổ chức kiểm tra chữ Quốc ngữ bằng cách cho dựng cổng có bảng chữ đề sẵn, đến nơi ai đọc được mới cho đi qua cổng chính. Không có dầu hỏa, các lớp học phải thắp sáng bằng đốt lốp cao su. Vách nhà, sân phơi và cửa ra vào đều trở thành bảng đen để dạy và học. Đó cũng là hình ảnh chung ở các xã lúc này.

Vùng thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì nay, sau cách mạng Tháng Tám là xã Đại Lãnh nổi lên với phong trào tăng gia sản xuất và khai hoang phục hóa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, vùng đồi bạt ngàn phía tây trước đó hoang hóa (còn xuất hiện nhiều cọp, beo…) đã được chính quyền cách mạng xã Đại Lãnh vận động người dân tổ chức khai hoang đưa vào trồng các loại hoa màu, đặc biệt là sắn. Đất tốt nên hoa màu rất phát triển cho thu hoạch nhanh và nhiều. Sắn được trồng bạt ngàn, nhiều đến nỗi người đi đường có thể tự do nhổ sắn nướng ăn thoải mái. Một ấn tượng đẹp, khó quên trong tâm trí bao người.

Thật thú vị và bất ngờ khi được biết mô hình tổ chức hoàn chỉnh và khá tương đồng với hiện nay của hệ thống chính trị cơ sở ở xã bấy giờ, gồm HĐND và UBND, Mặt trận và các đoàn thể cứu quốc. Đáng nói là thực hiện nhiệm vụ chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng tổ chức Đảng chỉ mới có ở một số xã. Ví như tại Dạ Lê Thủy, nơi có phong trào cách mạng tiêu biểu, 2 đảng viên đầu tiên được kết nạp là các ông Nguyễn Đình Chi và Nguyễn Công Xảo được kết nạp Đảng vào ngày 11/6/1946 và đó cũng là ngày thành lập của Chi bộ Đảng phường Thủy Phương.

3. Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Từ đơn vị hành chính cách mạng, xã lãnh nhận thêm vai trò và trách nhiệm tổ chức kháng chiến, được mở rộng hơn về quy mô. Ví như, từ Dạ Lê Thủy và Lam Thủy gộp thành Mỹ Thủy (Hương Thủy), Phú Hòa (Vinh Xuân) và Phú Hương (Vinh Thanh) thành Phú Ngạn (Phú Vang) hay Đại Nguyên (Lộc Tiến), Đại Quang (Lăng Cô) và Đại Hải có xã chung là Vĩnh Lộc (Phú Lộc). Từ Ủy ban Hành chính thành Ủy ban Hành chính kháng chiến và đây là một bước tiến và là sáng tạo của cách mạng ở nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Cả tỉnh có Mỹ Thủy anh hùng, Vĩnh Lộc anh hùng và còn nữa nhiều xã anh hùng, góp phần tạo nên huyện anh hùng, tỉnh anh hùng và cả nước anh hùng để rồi “chín năm làm một Điện Biên”.

Khi mà những tên xã như Lộc Vĩnh, Lộc Trì hay Thủy Phương ra đời mãi sau này đã được định danh và trở thành địa chỉ quê quán được ghi trên căn cước công dân thì những cái tên như Vĩnh Lộc, Dinh Lộc hay Mỹ Thủy đã trở thành ký ức và hoài niệm. Thế nhưng, đó là ký ức hào hùng và mang vẻ đẹp của những huyền thoại. Tôi về Lộc Trì, cái tên được nhiều người nơi đây, đặc biệt là những bậc lão thành nhắc đến đầy tự hào là Dinh Lộc. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, nơi đây thành lập 2 xã Đại Lãnh và Đại Hòa. Kháng chiến gộp chung thành Dinh Lộc. Rồi Lộc Trì, Lộc Bình và cả thị trấn Phú Lộc cũng từ đó mà tách ra qua các giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, trong bảng vàng truyền thống của cả 3 xã và thị trấn vẫn là cái tên chung đầy tự hào: Dinh Lộc.

76 năm rồi đi qua, từ xã Dạ Lê Thủy và Lam Thủy năm nào thành lập trong khí thế cách mạng trào dâng, giờ đây Thủy Phương đã là một phường của thị xã Hương Thủy. Tôi về quê, đi trên những con đường xưa kia không tên nay đã là những con phố gắn với tên tuổi những các bậc anh hùng dân tộc và cả những người thân quen là cán bộ, liệt sĩ nơi xã thôn, như cảm nhận đầy đủ và cụ thể hơn về một sự đổi thay mang tính cách mạng, bắt đầu từ sau ngày Tết Độc lập 2/9/1945.

Bài, ảnh: Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tết Độc lập rộn ràng trên mọi miền đất nước

Quốc khánh 2/9-Tết Độc lập thiêng liêng đã và đang diễn ra sôi nổi, rộn ràng trên mọi miền đất nước. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và hoạt động vui chơi hấp dẫn phục vụ nhân dân và du khách. Kỳ nghỉ lễ năm nay có bốn ngày, cũng là dịp ngành du lịch đưa ra nhiều sản phẩm thu hút khách, tạo đà kinh doanh trước mùa cao điểm.

Tết Độc lập rộn ràng trên mọi miền đất nước
Gương ông Thơm phường Thủy Phương

Được đánh giá là gương tiêu biểu trong công tác mặt trận không chỉ ở Hương Thủy, hỏi về những phần việc tâm đắc nhất, ông Nguyễn Thanh Thơm - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) chỉ nói đơn giản: Đó là nhờ biết chủ động trong công việc.

Gương ông Thơm phường Thủy Phương
Sớm hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường Trưng Nữ Vương

Người dân sinh sống dọc tuyến đường Trưng Nữ Vương, đoạn từ đường Dạ Lê đến đường Nguyễn Viết Xuân, phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) bày tỏ sự quan tâm khi tuyến đường này xuống cấp trầm trọng. Việc tuyến đường xuống cấp từ lâu không chỉ gây khó khăn cho người dân, mà rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Sớm hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường Trưng Nữ Vương
Lời thề Độc lập và khát vọng hùng cường

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Kể từ mốc son lịch sử này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ; giành được những thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lời thề Độc lập và khát vọng hùng cường
Khách tham quan dịp lễ Quốc khánh tăng nhẹ

Dù thời tiết kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay không được thuận lợi, song ghi nhận từ ngành du lịch, lượng khách đến Huế vui chơi, tham quan tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Khách tham quan dịp lễ Quốc khánh tăng nhẹ
Return to top