ClockThứ Bảy, 02/09/2023 07:49

Tết Độc lập rộn ràng trên mọi miền đất nước

Quốc khánh 2/9-Tết Độc lập thiêng liêng đã và đang diễn ra sôi nổi, rộn ràng trên mọi miền đất nước. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và hoạt động vui chơi hấp dẫn phục vụ nhân dân và du khách. Kỳ nghỉ lễ năm nay có bốn ngày, cũng là dịp ngành du lịch đưa ra nhiều sản phẩm thu hút khách, tạo đà kinh doanh trước mùa cao điểm.

CSGT Công an tỉnh nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông dịp lễ 2/9Đến Huế chơi lễ Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt NamDự báo lượng hành khách đi lại dịp lễ 2/9 không tăng caoTrao tặng Huy hiệu Đảng nhân dịp Quốc Khánh 2/9

Ảnh tư liệu 

Ngày 1/9, dù nhiệt độ tại Hà Nội khá cao, nhưng trời đã chuyển tiết thu nên không có cảm giác nắng oi, là điều kiện khá thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.

Ngay từ 6 giờ sáng qua, chương trình "Áo dài kết nối di sản" do Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức đã diễn ra. Hơn 100 người là cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế mặc trang phục áo dài tham gia chương trình.

Bên cạnh tà áo dài thân quen của phụ nữ là sự xuất hiện của những nam giới trong chiếc áo dài tứ thân. Xuất phát từ Hoàng thành Thăng Long, đoàn diễu hành đi qua nhiều tuyến phố có những di sản nổi tiếng của Hà Nội, sau đó trở về khu phố cổ, tạo không khí lễ hội sôi động.

Các điểm vui chơi, giải trí khác của Hà Nội cũng đông người từ sáng sớm với tâm điểm là khu vực hồ Hoàn Kiếm bởi tại đây có nhiều địa chỉ du lịch cũng như điểm "check-in" được khách du lịch ưa thích như đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tượng đài Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong…

Dịp này, quận Hoàn Kiếm tổ chức phố đi bộ từ ngày 1 đến hết ngày 4/9, đáp ứng nhu cầu vui chơi của nhân dân và du khách. Các điểm đến khác của thành phố cũng thu hút khách từ sáng sớm, nhất là các khu vực như: Quảng trường Ba Đình-Lăng Bác, hồ Gươm, phố cổ, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, hồ Tây, công viên Thiên đường Bảo Sơn, công viên Tuần Châu-Quốc Oai... Chỉ riêng sáng 1/9, Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình) đã đón hơn 1.000 khách.

Trong bốn ngày nghỉ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức sáu suất biểu diễn rối nước hằng ngày ngay trong khu vực Hoàng thành Thăng Long. Nhân dịp năm học mới đến gần, Ban Quản lý Phố Sách Hà Nội tổ chức chương trình "Trở lại trường học" từ ngày 1 đến hết ngày 4/9. Tại đây, có 30 gian hàng sách, văn phòng phẩm được giới thiệu cùng các tọa đàm, trải nghiệm về sách, văn hóa đọc và biểu diễn văn nghệ.

Trong dịp lễ 2/9 năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi. Thành phố còn tổ chức hoạt động biểu diễn thể dục, thể thao tại khu vực phố đi bộ đường Nguyễn Huệ với các tiết mục biểu diễn lân sư rồng, trống hội, đồng diễn võ thuật.

Điểm nhấn trong các sự kiện là hoạt động thả khinh khí cầu bên sông Sài Gòn và chương trình nghệ thuật đặc biệt "Việt Nam-Niềm tin ngời sáng". Dịp này, chính quyền thành phố tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật ở hai điểm: Khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn phía thành phố Thủ Đức (bắn pháo hoa tầm cao) và tại Công viên văn hóa Đầm Sen (bắn pháo hoa tầm thấp).

Các điểm vui chơi như Công viên văn hóa Đầm Sen và Khu du lịch văn hóa Suối Tiên tiếp tục thu hút đông người dân, du khách đến tham quan, giải trí với nhiều hoạt động như chương trình "Sắc màu ba miền bắc-trung-nam", trải nghiệm tham quan, hái và thưởng thức trái cây sạch tại Nông trại Suối Tiên Farm. Đại diện khu du lịch Suối Tiên cho biết, dự kiến sẽ đón 70 nghìn lượt khách trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay.

Đáng chú ý, bắt đầu từ dịp Quốc khánh 2/9, trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa đón khách tham quan; tiếp sau đó, sẽ mở định kỳ vào hai ngày cuối tuần của cuối tháng. Các tour tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định, tham quan trung tâm thành phố bằng xe buýt hai tầng cũng được người dân và du khách nước ngoài ưu tiên lựa chọn để có những giây phút trải nghiệm thú vị.

Trong không khí kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và đón Tết Độc lập của đồng bào vùng cao, lượng khách đổ về tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang tăng khá cao. Tính riêng trong tháng 8, Khu di tích đã đón hơn 90 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Tối 31/8, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu khai mạc Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc, Tuần Văn hóa-Du lịch với hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh và du khách tham dự.

Sáng 1/9, tại xã Bảo Hà, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã tổ chức Khai mạc Lễ hội đền Bảo Hà, một trong 30 sự kiện sôi động của Tuần lễ Văn hóa-Du lịch huyện Bảo Yên diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 1/9, thu hút hơn 360 nghìn lượt du khách đến tham quan và chiêm bái. Bên cạnh đó còn có Giải chạy marathon 3; Giải đua mảng trên sông Chảy; Hội chợ giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại...

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Bùi Văn Mạnh cho biết, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, khách du lịch đến tỉnh tăng hơn so với những ngày thường, trung bình khoảng 15 đến 20 nghìn lượt khách mỗi ngày và dự kiến có thể đón hơn 100 nghìn lượt người trong dịp này.

Từ sáng sớm ngày đầu nghỉ lễ, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, vườn chim Thung Nham, hang Múa... đều rất đông du khách. Tại các khu, điểm du lịch này, những ngày trước dịp nghỉ lễ đều đã được chỉnh trang cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh môi trường và chuẩn bị nhân lực đón du khách.

Trong những ngày này, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ những kỷ vật của gia đình và gắn bó với quãng đời niên thiếu của Người, đã đón hàng nghìn người dân và khách du lịch viếng thăm.

Ban Quản lý khu di tích phối hợp các ban, ngành liên quan bố trí phân luồng đón khách, bảo đảm trật tự, an toàn, đồng thời chuẩn bị lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh đáp ứng nhu cầu các đoàn. Đón Quốc khánh 2/9, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cùng Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật tỉnh và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Nghệ An phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật "Giai điệu kết nối" vào tối 31/8 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh.

Chương trình giới thiệu đến công chúng các ca khúc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi công cuộc đổi mới của đất nước do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật trong tỉnh biểu diễn, thu hút đông người xem.

Tại Đà Nẵng, trước và trong những ngày nghỉ lễ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, đặc sắc... Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Mỹ thuật trẻ-Đà Nẵng 2023". Triển lãm trưng bày 43 tác phẩm là những bức tranh, nghệ thuật sắp đặt, video nghệ thuật đa dạng…

Tại khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ), nơi an nghỉ của các nghĩa sĩ và nhân dân trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược thế kỷ 19, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ tổ chức triển lãm ảnh "Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp-Tây Ban Nha (1858-1860) - Di sản còn lại với thời gian".

Triển lãm ảnh "Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp-Tây Ban Nha (1858-1860) - Di sản còn lại với thời gian". 

Triển lãm có hơn 100 ảnh tư liệu quý về cuộc chiến Mậu Ngọ 1858, giúp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ôn lại quá khứ hào hùng của ông cha ta, tri ân và tôn vinh giá trị của các di sản liên quan đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha (1858-1860). Những ngày này, Đà Nẵng đón lượng khách tăng đột biến so với ngày thường. Tại ga đường sắt, bến xe trung tâm và Sân bay quốc tế Đà Nẵng, lượng khách đều tăng 60 đến 70% so với ngày thường, trong đó chủ yếu là khách du lịch.

Tại thành phố Cần Thơ, tuyến du lịch thu hút đông du khách ngoài tỉnh đến nhất là Bến Ninh Kiều-Chợ nổi Cái Răng và các điểm du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền, Đền thờ Vua Hùng, nhà cổ Bình Thủy, làng du lịch cộng đồng cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, khu du lịch Lung Cột Cầu, khu du lịch Lung Tràm (huyện Phong Điền)...

Để thu hút du khách, dịp lễ này, làng du lịch Mỹ Khánh tổ chức không gian ẩm thực chợ quê với sự tham gia của nhiều nghệ nhân làm bánh nổi tiếng, đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi bánh dân gian Nam Bộ. Tại đây, du khách được thưởng thức đa dạng các loại bánh truyền thống, đậm bản sắc ẩm thực của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Bên cạnh chợ quê, du khách được trải nghiệm làng nghề truyền thống với lò kẹo dừa, lò hủ tiếu... và có thể tham gia hơn 20 dịch vụ với nhiều hoạt động trải nghiệm mang đậm chất Nam Bộ.

Dịp này, thành phố đăng cai tổ chức giải đua mô-tô tranh cúp quốc gia của Liên đoàn Xe đạp, mô-tô thể thao Việt Nam diễn ra ở sân vận động Cần Thơ và giải đua vỏ composite quốc gia lần thứ 3 năm 2023 diễn ra trên sông Hậu vào ngày 4/9, thể hiện nét đặc trưng của cư dân miền sông nước.

Tối 31/8, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Bến Tre, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Ngọn đuốc soi đường". Với thời lượng 120 phút, các nghệ sĩ, diễn viên đã làm sống lại tinh thần "vượt qua mưa bom, lửa đạn; chắc tay súng, vững tay đàn", góp phần giáo dục truyền thống, lan tỏa giá trị tốt đẹp một cách tự nhiên.

Cùng thời gian, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức Chương trình tuyên truyền ca khúc cách mạng với chủ đề "Tổ quốc trong tim tôi" và ra mắt Công trình thanh niên Số hóa Di tích lịch sử-Thắng cảnh quốc gia Ba Hòn gắn với tên tuổi nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.

Các tiết mục ca múa nhạc trong chương trình ca ngợi Đảng, Bác Hồ, khát vọng của tuổi trẻ, tình yêu quê hương, đất nước, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đến các thế hệ cha ông đã anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong ngày đầu nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các điểm di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên đón đông khách tham quan. Bảo tàng đã khai mạc triển lãm chuyên đề: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ" với nội dung trưng bày nhằm tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn về phương châm tác chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Các em thiếu nhi tham gia tour du lịch thăm Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp lễ 2/9. 

Cùng với đó là Triển lãm ảnh chuyên đề "Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ" gồm 66 bức ảnh tư liệu, được trưng bày theo tiến trình gồm ba phần: Quê hương, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ và Tình cảm của nhân dân Điện Biên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày 1/9, lễ hội đua thuyền truyền thống đã diễn ra tại các huyện Quảng Ninh và Quảng Trạch của tỉnh Quảng Bình. Đây là lễ hội có truyền thống lâu đời với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên. Lễ hội năm nay có sự tham gia của 12 thuyền đua nam chia thành 2 bảng và 6 đội thuyền đua nữ, với 420 vận động viên đến từ các xã, thị trấn trong toàn huyện. Các đội thuyền nam thi đấu với cự ly đường đua 15 km. Các đội thuyền đua nữ thi đấu với cự ly 7,5 km. Năm 2022, lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chiều 1/9, Chương trình nghệ thuật thời trang các dân tộc Tây Nguyên được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Vietnam Silk House tổ chức tại Không gian thiên đường Tây Nguyên ven hồ Xuân Hương. Đây là một trong chuỗi các sự kiện chào mừng Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Tại chương trình, 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu đã trình diễn hơn 200 bộ trang phục áo dài và thời trang trên nền vải thổ cẩm, được nghệ nhân dệt bằng sợi tơ. Những bộ trang phục này được Nhà thiết kế Minh Hạnh cùng cộng sự thiết kế sinh động, phù hợp giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và khuynh hướng hiện nay. Buổi biểu diễn tạo ấn tượng đặc biệt khi bên cạnh người mẫu chuyên nghiệp còn có những diễn viên quần chúng là cụ ông, cụ bà, các em nhỏ đồng bào dân tộc Tây Nguyên tạo nên không gian sống động của buôn làng, núi rừng cao nguyên.

Theo Nhân Dân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đặc biệt chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ được đặt ra tại hội nghị triển khai hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, tin học năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 20/12.

Tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học
Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên là những tấm gương sáng

Ngày 17/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2024. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên là những tấm gương sáng
Thành phố ẩm thực

Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân gần 720 năm trước, Huế có nguồn tài nguyên tinh hoa ẩm thực, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Cố đô. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới mà nhắc đến Huế, cùng với những sắc diện tươi mới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố ẩm thực của tinh hoa hội tụ.

Thành phố ẩm thực

TIN MỚI

Return to top