ClockThứ Bảy, 22/05/2021 06:30

Tham gia bầu cử là quyền lợi & trách nhiệm của công dân

TTH - Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp có nhiều bước thực hiện, trong đó tham gia đi bầu cử là quan trọng nhất. Đi bầu vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của người công dân để bầu ra những đại diện xứng đáng trong cơ quan lập pháp và bộ máy quản lý.

Trách nhiệm của tuổi trẻPhòng, chống dịch hiệu quả và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác bầu cửThực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bầu cử của công dân

Cử tri tìm hiểu thông tin các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ảnh: MINH NGUYÊN

1. Thời điểm hiện nay, khi cả nước đang gấp rút chuẩn bị những công việc cần thiết cho ngày bầu cử thì một số đối tượng xấu, cơ hội chính trị đang tung ra những luận điệu vận động “không đi bầu” và “không biết không bầu”. Chúng xuyên tạc những người đưa ra bầu do “Đảng sắp đặt”, “bầu chỉ là hình thức”, “họ phục vụ cho Đảng, không phải vì dân”.

Có đối tượng đưa ra luận điệu  “không biết không bầu” để ám chỉ những người không phải do dân đề cử mà là người do cấp trên đưa về. Qua đó, chúng vận động “không đi bầu”, “không bầu cho người không do dân đề cử”, “loại bỏ quan chức sâu mọt”. Những chiêu trò đó hết sức thâm độc, nguy hiểm, cổ vũ tự do vô chính phủ, nhằm hướng đến mục đích sâu xa là tẩy chay vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Điều 27 Hiến pháp nêu rõ: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH và HĐND”. Điều 15 cũng nêu rõ: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”, “Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội”. Như vậy, Hiến pháp đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân nói chung, trong đó có trách nhiệm tham gia bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Đây là quyền lợi chính trị cao nhất, là trách nhiệm để bầu ra những đại biểu thay mặt Nhân dân quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Cho nên, đi bầu không phải là “thích thì đi, không thích thì thôi” mà là quyền lợi gắn với nghĩa vụ của mỗi công dân.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Ảnh: THÁI BÌNH

Cần phải hiểu rằng, có được quyền bầu cử như ngày hôm nay Nhân dân đã phải đổi bằng xương máu để giành được độc lập, tự do, quyền làm chủ của mình. Quyền đó chỉ có được từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 và người dân được thực hiện đầy đủ quyền công dân trong Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 4/1/1946. Từ đó cho đến nay, bầu cử là quyền lợi chính trị, quyền làm chủ cao nhất của công dân.

2. Các cơ quan Trung ương không có đơn vị bầu cử riêng nên đại biểu được phân bổ về các đơn vị bầu cử để bầu cùng với ứng cử viên do địa phương giới thiệu. Theo Điều 32 Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND thì chậm nhất 40 ngày trước ngày bầu cử phải niêm yết danh sách ứng cử viên ở mỗi đơn vị bầu cử. Đây là thời gian để cử tri có thể tìm hiểu về từng ứng cử viên và quyết định bầu cho người mà mình lựa chọn. Quốc hội được bầu 500 đại biểu và mỗi đại biểu làm việc ở các cơ quan, địa phương khác nhau nên cử tri không thể biết tất cả là hết sức bình thường. Tuy nhiên, từ nguồn giới thiệu, cung cấp tiểu sử ứng cử viên của các cơ quan bầu cử, rồi việc tiếp xúc, báo cáo chương trình hành động của ứng cử viên, cử tri có cơ sở để đánh giá đúng về người được giới thiệu. ĐBQH là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử và của Nhân dân cả nước, dù được bầu ở đâu đều là đại diện cho toàn dân.

Việc tung ra thông tin kích động “không đi bầu”, “không biết không bầu” khiến cho người dân hiểu sai lệch chế độ chính trị ở Việt Nam, tuyên truyền tư tưởng dân chủ phương Tây. Ở nhiều nước, vận động bầu cử mang tính cạnh tranh không lành mạnh, ứng cử viên dùng tiền để vận động, chi kinh phí cho các hãng truyền thông cổ động cho mình, hạ uy tín đối thủ. Ngay cả việc thuyết trình tranh cử cũng hướng theo quyền lợi của đảng, của nhóm lợi ích. Nhiều nước tỉ lệ cử tri đi bầu thấp vì người dân không thấy được quyền lợi chính trị, người được bầu không phải đại diện cho quyền lợi của mình. Những bất đồng về quyền lợi giữa các tầng lớp khác nhau là bản chất của xã hội tư bản, khác với quyền làm chủ thực sự của chế độ chính trị ở Việt Nam.

Từ thực tế đó, các cấp, các ngành phải tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử. Cần làm cho người dân hiểu rõ bản chất ưu việt của chế độ, nhận thức đúng âm mưu và vạch trần thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Cán bộ, Nhân dân cần cảnh giác, thận trọng khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội, những thông tin chưa được kiểm chứng; vận động gia đình, người thân, làm tròn trách nhiệm công dân. Trong ngày bầu cử, mỗi cử tri xác định trách nhiệm đi bầu sớm, bầu đủ, chấp hành đúng quy định, lựa chọn người xứng đáng. Nghiêm cấm lợi dụng quyền dân chủ, nguyên tắc bỏ phiếu kín mà cố tình làm trái quy định, vi phạm pháp luật.

Ngày bầu cử là sự kiện trọng đại, ngày hội lớn của toàn dân. Không đi bầu hoặc bầu không đúng luật là tự tước bỏ quyền lợi chính đáng của người công dân, làm mất giá trị lá phiếu cử tri của mình.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có trên 20.100 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Tuy cao hơn gần 2.000 người so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam thì vẫn còn thấp nên BHXH tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng số người tham gia.

Tiếp tục thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, lựa chọn cán bộ “đúng, trúng”, trách nhiệm

Sáng 4/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, lựa chọn cán bộ “đúng, trúng”, trách nhiệm
Return to top