ClockThứ Bảy, 24/02/2024 06:26

Cơ hội lập nghiệp cho thanh niên xuất ngũ

TTH - Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, thanh niên xuất ngũ được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, vay vốn... Đây là cơ hội để bộ đội xuất ngũ có nhiều lựa chọn học nghề, tìm việc làm ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Quảng Điền gặp mặt 80 thanh niên xuất ngũ Gặp mặt quân nhân xuất ngũ và thanh niên chuẩn bị nhập ngũNhững ngày khó quên trong quân ngũ

 Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự đăng ký lớp học nghề khi ra quân

Hỗ trợ chi phí học nghề

Giáo dục nghề nghiệp luôn mở rộng cánh cửa cho người lao động có cơ hội tham gia học nghề. Nhiều đối tượng được quan tâm hỗ trợ các chính sách về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ kinh phí học nghề, lập nghiệp. Trong đó có chính sách đào tạo trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện. Quy định này được áp dụng thực thi tại Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Thông tư số 43 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61.

Hoàng Trọng Nhật, Tiểu đoàn 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, quê xã Quảng Phú, Quảng Điền vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự dịp cuối tháng 1/2024 chia sẻ: “Ra quân có thẻ học nghề, em dự định trước mắt học lái xe ô tô. Sau đó sẽ ôn lại tin học, thiết kế đồ họa, chuyên ngành mà em đã theo học trung cấp nghề trước khi nhập ngũ”. Cùng xuất ngũ dịp 30/1/2024, Lê Thanh Điệp, quê ở xã Phong Sơn, Phong Điền cho biết, em sẽ tận dụng thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ theo học lớp nghề sơ cấp để nâng cao tay nghề. Học xong, em dự định vào lại TP. Hồ Chí Minh để làm nghề sửa chữa ô tô, xe cơ giới.

Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, các cấp, các ngành, đơn vị luôn tạo điều kiện cho thanh niên sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ trở về địa phương được tham gia các lớp đào tạo nghề để có được việc làm ổn định, tạo thu nhập cho bản thân. Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua thẻ do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý hiện hành. Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của địa phương, tạo ra lực lượng lao động có tay nghề, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Yên tâm tham gia thị trường lao động

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động và sản xuất ổn định đã tạo ra nhiều vị trí làm việc mới, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng ở nước ngoài để kết nối đào tạo kỹ năng cơ bản, tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với số lượng tăng lên hằng năm.

Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm khi có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ và chưa được hỗ trợ đào tạo nghề.

Những đối tượng này còn được tiếp cận các chính sách về giới thiệu việc làm của Trung ương và địa phương ban hành; tham gia các hoạt động từ việc tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, việc làm, đào tạo nghề nghiệp; định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ cho vay vốn để giải quyết việc làm, ưu tiên hỗ trợ đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách để tạo việc làm và sản xuất, kinh doanh sớm ổn định cuộc sống tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Về các ngành nghề, chính sách hỗ trợ, chương trình đào tạo và giải quyết việc làm, thanh niên được hỗ trợ học các nghề theo Danh mục nghề đào tạo được ban hành kèm theo Kế hoạch của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo hoặc các ngành, nghề khác tùy theo nhu cầu của người học.

Theo thống kê, số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trên địa bàn tỉnh mỗi năm hoàn thành nhiệm vụ, ra quân khoảng 1.200 người. Sau khi trở về quê hương, học nghề sẽ là công việc thiết thực cho bản thân để lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, trung bình hằng năm, Sở LĐTB&XH hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 400 thanh niên thuộc đối tượng này. Năm 2024, Sở LĐTB&XH dự kiến hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng từ 600 đến 700 thanh niên có thẻ học nghề. Ngành cũng gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đảm bảo trên 90% thanh niên sau khi đào tạo nghề có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Return to top