ClockThứ Năm, 25/01/2024 07:06

Tận dụng từng thế mạnh để phát triển phong trào tình nguyện

TTH - Đại học Huế đang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nên các phong trào tình nguyện của sinh viên cũng phát triển đa dạng dựa trên từng thế mạnh riêng.

Ấm áp những “giọt hồng”Vinh danh các điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện

Sức trẻ của sinh viên 

Mỗi trường có cách làm riêng

Tận dụng lợi thế đang đào tạo và học tập trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong chuyến tình nguyện hè 2023, Đoàn Thanh niên Trường đại học Nông Lâm đã triển khai các hoạt động đúng với thế mạnh của mình. Đó là cải tạo vườn tạp, chăm sóc các vườn cây cho người dân xã Hương Hữu, huyện Nam Đông. Tư vấn, tiến hành trồng mẫu vườn bưởi da xanh cho hộ dân khó khăn trên địa bàn. Tập huấn kỹ thuật nuôi gà cho nông dân và hỗ trợ gà giống cho các hộ dân là đoàn viên, nông dân.

Sau 4 tháng từ khi triển khai các hoạt động, các vườn cây sau khi được bón phân, cắt tỉa đã phát triển tốt. Vườn bưởi da xanh đã mọc nhiều nhánh mới và cao thêm khoảng 0,2 - 0,4m so với thời điểm trồng. Nhờ áp dụng đúng các kỹ thuật nuôi, số lượng gà của người dân phát triển tốt. Đến thời điểm hiện tại, một số gà đã được người dân bán thịt, mang lại thu nhập, thêm kinh phí để chuẩn bị cho cái tết sắp đến.

ThS. Hoàng Hữu Tình, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường đại học Nông Lâm cho biết, nhiều nơi người dân rất muốn trồng cây ăn quả, nhưng lại không hiểu được chất đất phù hợp với loại cây nào. Nhiều nơi trồng cây mãi không lên, hoặc quá lạm dụng phân bón hóa học khiến cây không phát triển tự nhiên. Qua các chuyến tập huấn và hướng dẫn cho người dân, nhiều vườn cây ăn quả ở Nam Đông, A Lưới, Hương Trà… nay đã cho thu nhập.

Sinh viên Trường đại học Nông Lâm trồng mẫu vườn bưởi da xanh cho nông dân 

“Việc tham gia hỗ trợ người dân trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả hơn là thế mạnh riêng của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của trường. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên những địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Chắc chắn đây là lĩnh vực sẽ được phát huy hiệu quả hơn trong thời gian đến”, ThS. Hoàng Hữu Tình nói.

Thời gian qua, tại kiệt 1/5 đường Tố Hữu, TP. Huế đã khoác lên mình “bộ áo” mới vì sự xuất hiện của tranh tường bích họa. Những hình ảnh phong cảnh, con người, đời sống của vùng đất Cố đô đã được hơn 50 sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế phối hợp với Đoàn phường Phú Hội thực hiện, góp phần xây dựng tuyến phố kiểu mẫu, “Xanh - sạch – sáng”.

Theo ThS. Chu Tiến Lực, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, thế mạnh của sinh viên chính là khả năng vẽ. Vì thế, những năm qua, sinh viên nhà trường đã đi đến khắp nơi trong và ngoài tỉnh để vẽ nên những bức tranh bích họa đẹp, mang lại những nét tươi vui, sức sống mới cho những vùng đất. Những nét vẽ để lại sau mỗi hành trình được người dân tiếp nhận, trân trọng và bảo vệ, đó là nguồn động lực để sinh viên sẽ tiếp tục hành trình đến các vùng đất mới.

Tiếp tục phát huy thế mạnh

ThS. Lê Chí Hùng Cường, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Huế tự hào, để nói phong trào nào nổi bật nhất của các cấp hội sinh viên trong Đại học Huế, phải nhấn mạnh phong trào tình nguyện. Các hoạt động đa dạng và phát huy từng thế mạnh riêng của từng trường. Sinh viên Trường đại học Sư phạm, Ngoại ngữ thì tham gia dạy ngoại khóa cho học sinh; sinh viên Trường đại học Y – Dược tham gia khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe; sinh viên Trường đại học Luật tư vấn pháp luật; sinh viên Trường Du lịch tham gia tập huấn và hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch cộng đồng; Trường đại học Kinh tế, Nông Lâm thì chuyển giao công nghệ, tập huấn phương pháp phát triển kinh tế…

Những ngày rét mùa đông cuối năm 2023, hàng chục sinh viên của Đội Công tác xã hội, Trường đại học Luật Huế đã có mặt tại xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc để tổ chức chương trình “Áo ấm mùa đông”. Ngoài việc lắp đặt 600m đường điện dân sinh, trao áo ấm, tặng quà cho người dân… ấn tượng nhất là khi những chàng trai, cô gái thực hiện “Bữa cơm yêu thương”. Các tình nguyện viên được chia thành các nhóm nhỏ đến và nấu những món ăn tại các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Phạm Phú Đức, Đội trưởng Đội Công tác xã hội, Trường đại học Luật chia sẻ: “Với nhiều hộ gia đình khó khăn, các cụ già neo đơn, một bữa ăn đủ chất đôi khi trở nên điều gì đó thật khó. Chính vì thế, sinh viên chúng em muốn nấu cho các bà, các ông, các cô, chú và các em nhỏ một bữa ăn thật ngon, với những món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Được cùng ngồi ăn, nói chuyện vui vẻ và chứng kiến được hình ảnh ăn một cách ngon lành của người dân, đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn của chuyến đi”.

Hội Sinh viên Đại học Huế cho biết, từ những việc làm lớn, cho đến những chi tiết thật nhỏ đều làm nên sự ý nghĩa của tuổi trẻ Đại học Huế hướng về cộng đồng. Thời gian đến, để phát huy hơn nữa thế mạnh, các Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường, khoa cùng thực hiện tốt hơn chủ trương 3 liên kết: Liên kết lực lượng, liên kết địa bàn và liên kết cộng đồng trong triển khai các hoạt động tình nguyện, xây dựng xã hội tình nguyện.

ThS. Lê Chí Hùng Cường cho biết, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam vừa đưa ra chủ đề công tác năm 2024 là “Năm Thanh niên tình nguyện”. Vì vậy, Hội Sinh viên đặt ra mục tiêu mỗi đoàn viên, sinh viên tham gia ít nhất 5 ngày tình nguyện trong năm học. Tổ chức cho đoàn viên, sinh viên đăng ký tham gia, theo dõi quá trình thực hiện. Nội dung tình nguyện phát huy thế mạnh chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị. Phát huy vai trò của giáo viên, giảng viên trẻ trong việc hướng dẫn, theo dõi, tham gia cùng học sinh, sinh viên trong các hoạt động tình nguyện.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Return to top