ClockThứ Năm, 30/09/2021 13:30

Ý nghĩa mô hình đổi lá lấy xôi ở A Lưới

TTH - Không chỉ hỗ trợ phần ăn sáng cho học sinh nghèo và người dân khó khăn, mô hình “đổi lá lấy xôi” tại xã Lâm Đớt, huyện A Lưới còn truyền thông điệp lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, nhất là cho lứa tuổi học sinh.

A Lưới: Trao nhiều phần quà cho người nghèo và khu cách ly

Đoàn viên thanh niên ở A Lưới dùng lá chuối để gói tặng xôi, bánh mì cho các em học sinh

Gần 6 giờ 30 phút sáng, Lê Văn Sông (học sinh Trường tiểu học A Đớt) đem xấp lá chuối đến gặp các anh chị ở Xã đoàn Lâm Đớt để đổi lấy xôi. Phần xôi sắn thơm, nóng được gói trong lớp lá chuối trao tay Sông vừa thân thiện môi trường vừa khiến em và nhiều bạn cùng lứa thích thú. Sông vui vẻ: “Em thấy chương trình rất hay, chúng em vừa được tặng xôi để ăn no trước khi đến trường, vừa làm được điều ý nghĩa như những bài học mà thầy cô giáo đã dạy trên lớp”.

Mô hình đổi lá lấy xôi đang dần quen thuộc với nhiều học sinh nghèo và người khó khăn ở xã Lâm Đớt. Từ hoạt động được Huyện đoàn A Lưới khai trương ngày 9/9, mô hình này còn lan tỏa những điều tích cực. “Nguồn kinh phí thực hiện chương trình chủ yếu vận động từ các đoàn viên và mạnh thường quân trong và ngoài huyện. Lá chuối, lá dong được dùng để gói xôi thay cho hộp, bao bì ni lông để bảo vệ môi trường. Về lâu dài, rất cần nguồn lá, vì vậy chúng tôi nghĩ ra mô hình đổi lá lấy xôi, tận dụng nguồn lá của người dân trồng, qua đó cũng tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, nhất là giáo dục ý thức từ các em nhỏ”, anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới phân tích.

Mỗi ngày, các đoàn viên của Xã đoàn Lâm Đớt phân công nhau chuẩn bị nguyên liệu từ chiều tối hôm trước, sau đó sáng sớm hôm sau lại có đoàn viên dậy sớm đảm nhận việc nấu xôi. Anh Trần Văn Hùng, Bí thư Xã đoàn Lâm Đớt cho biết, mỗi ngày nấu khoảng 10 lon nếp, với khoảng 50 phần xôi bên cạnh tủ mì 0 đồng hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài xôi sắn, Xã đoàn còn nấu thêm xôi đậu để có thêm sự lựa chọn cho người được nhận bữa ăn sáng miễn phí.

Người được tặng xôi không bắt buộc phải đổi lá, nhưng tinh thần đổi lá lấy xôi được tuyên truyền mạnh để lan tỏa, với thông điệp hướng đến là nói không với túi ni lông thải ra môi trường, chuyển sang sử dụng các loại lá để gói đồ, chú trọng yếu tố thân thiện môi trường và góp phần bảo vệ môi trường. Những câu chuyện liên quan đến “cuộc chiến” chống rác thải nhựa cũng được học sinh, người dân truyền tai nhau sau khi nghe các đoàn viên tuyên truyền.

Chuyện từ điểm tặng xôi cũng được đưa vào trường lớp. Theo các giáo viên Trường tiểu học A Đớt, nhiều học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn được nhận phần ăn sáng từ chính mô hình này. Người thật, việc thật nên các giáo viên nhà trường cũng thường xuyên lấy mô hình đổi lá lấy xôi để dặn dò, nhắc nhở học sinh và chia sẻ các thông điệp cần thiết về ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu đến mức thấp nhất và tiến tới nói không việc sử dụng túi ni lông.

Anh Hùng cho biết, ban đầu còn ít người đem lá tới đổi xôi, nhưng khi thấy có một số học sinh, người dân trên địa bàn thực hiện, dần dần mô hình này đang được tạo thói quen cho những người đến sau. “Lá chuối không phải khó kiếm mà được nhiều gia đình ở vùng cao chúng tôi trồng quanh nhà. Không ngờ tận dụng lá chuối và không sử dụng bao bì ni lông lại có tác dụng hay đến vậy”, ông Hồ Văn Bắc, người dân xã Lâm Đớt chia sẻ.

Theo lãnh đạo Huyện đoàn A Lưới, từ mô hình ý nghĩa tại xã Lâm Đớt, sẽ nghiên cứu để nhân rộng ra một số địa phương khác để vừa hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn vừa thúc đẩy được ý thức bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới

Cùng với phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay cần có các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn nhằm hướng phong trào đến xây dựng các mô hình sản xuất mới.

Hướng phong trào đến xây dựng mô hình sản xuất mới
Thông tin doanh nghiệp:
Top quà tặng ý nghĩa cho ngày 20/10 dành tặng những người phụ nữ quan trọng

Ngày 20/10 là dịp để tôn vinh những người phụ nữ trong cuộc đời chúng ta – mẹ, vợ, bạn gái, cô giáo và nhiều người khác. Tặng quà là cách cánh mày râu lựa chọn để bày tỏ lời chúc vào dịp này. Vậy nên, thị trường quà tặng mỗi dịp cận kề dịp 20/10 đều vô cùng nhộn nhịp.

Top quà tặng ý nghĩa cho ngày 20 10 dành tặng những người phụ nữ quan trọng
Return to top