Trước đó, ngày 29/7, tại giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước diễn biến dịch phức tạp, khó lường, cùng với giải pháp an toàn là vắc-xin, cấp bách và ưu tiên hàng đầu để khống chế tốc độ lây lan của dịch chính là thực hiện triệt để giãn cách xã hội. Giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, giữa thôn bản với thôn bản, giữa xã với xã, giữa huyện với huyện, giữa tỉnh với tỉnh. Việc áp dụng giãn cách xã hội phải đồng bộ, tránh nơi chặt, nơi lỏng, trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy”.
Tại TP. Hồ Chí Minh - tâm điểm dịch của cả nước - việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường giờ giới nghiêm, sau 30 ngày, đã có những dấu hiệu tích cực. Dù số ca nhiễm mới giảm chưa ổn định, nhưng phần lớn đều ở các khu cách ly. Từ hiệu quả giãn cách trên tinh thần “ai ở đâu ở đấy”, một vài khu vực tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai các “vùng xanh không dịch” - là những khu an toàn, chưa có ca nhiễm hoặc không còn nguy cơ lây nhiễm.
Tại Thừa Thiên Huế, khi dịch xuất hiện tại các địa phương ở Phong Điền, Phú Lộc, việc kịp thời, quyết liệt áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa vùng dịch đã phát huy hiệu quả. Sau 28 ngày giãn cách, ổ dịch mới nhất bùng phát trên địa bàn tỉnh tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) đã được khống chế. Ngày 30/7, biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 5 thôn của xã này được dỡ bỏ sau khi dịch được khoanh vùng, dập tắt.
Thực tế cũng cho thấy, từ việc thiếu ý thức chấp hành của người dân; từ một vài lỗ hổng trong khâu kiểm soát dịch; từ năng lực xử lý tình huống của cán bộ quản lý cơ sở tại một số địa phương...trên cả nước, vẫn xảy ra tình trạng chưa tuân thủ nghiêm tinh thần “ai ở đâu ở đấy” khi áp dụng giãn cách. Vẫn còn tình trạng người từ vùng dịch “lọt” qua các chốt kiểm dịch, không khai báo y tế; tổ chức ăn nhậu, tụ họp trong thời gian cách ly tại nhà; không quản lý chặt, để/cho phép người từ vùng dịch, từ khu cách ly di chuyển ra cộng đồng, dẫn đến lây lan dịch bệnh. Ngoài các trường hợp người dân vi phạm được xử lý nghiêm, những ngày gần đây, một số cán bộ vi phạm qui tắc phòng dịch cũng bị kỷ luật, đình chỉ công tác, chủ yếu do không tuân thủ nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy” khi quản lý con người trong vùng dịch.
Trong khi COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đáng lo ngại là làn sóng người dân từ các vùng dịch ở các tỉnh phía Nam tự phát di chuyển về quê - chủ yếu đến các tỉnh miền Trung - tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Cùng với hình ảnh dòng người chen chúc, khổ sở, chật vật rời các tâm dịch về quê bằng xe máy là nỗi lo lớn, khi qui tắc vàng trong phòng chống COVID-19 - “ai ở đâu ở đấy” tại những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội - đang bị phá vỡ.
Tại Thừa Thiên Huế, ngoài số công dân trở về qua kênh chính thức của chính quyền, đã có hàng ngàn người tự phát về quê được đón tiếp trong những ngày qua. Trong số đó, theo con số được công bố ngày 31/7, đã phát hiện 9 trường hợp dương tính với COVID-19.
Nhật Nguyên