ClockThứ Sáu, 08/04/2022 15:18

Báo chí Lào ca ngợi về tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam

Báo Vientiane Times đã đăng tải bài viết mang tiêu đề “Tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam” ca ngợi về truyền thống đoàn kết, gắn bó từ lâu đời giữa nhân dân Lào và Việt Nam.

Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninhNhững ngôi nhà thắm tình hữu nghịHai nước Việt Nam-Lào sát cánh bên nhau, cùng phát triển

Đại biểu cắt băng khánh thành và bàn giao Trường Quân sự tỉnh Xaysomboun sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Việt Nam cho Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, nhân kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam - Lào 2022, chào mừng 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và kỷ niệm 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam, báo Vientiane Times ngày 8/4 đã đăng tải bài viết mang tiêu đề “Tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam.”

Bài viết có đoạn nêu rõ nhân dân Lào và Việt Nam có truyền thống đoàn kết, gắn bó từ lâu đời và truyền thống này đã được gìn giữ, vun đắp trong suốt những năm tháng qua.

Tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam không phải tới sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962 mới bắt đầu mà đã được xây dựng từ khi hai dân tộc cùng chung lưng đấu cật trong nhiều sự kiện quan trọng để cùng nhau giải phóng cả hai dân tộc khỏi ách đô hộ của ngoại bang.

Theo Vientiane Times, việc hai nước cùng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh bên nhau trong nhiều hoạt động quan trọng vào những thời điểm hết sức khó khăn của hai nước trước đây đã giúp người dân Lào và Việt Nam luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà.

Trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc, Lào và Việt Nam đã luôn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và trở thành những người bạn tốt và láng giềng tốt của nhau.

Hiện cả hai nước Lào và Việt Nam anh em vẫn đang tiếp tục kề vai sát cánh, cùng phấn đấu, nỗ lực để phát triển đất nước, vì hạnh phúc và sự thịnh vượng của người dân hai nước.

Việt Nam và Lào có đường biên giới chung trên 2.000km, cả hai dân tộc đều có chung hệ tư tưởng và nguyện vọng, cùng đang nỗ lực vì nền độc lập, hòa bình và thịnh vượng cho người dân mỗi nước.

Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam càng được củng cố khi người dân hai nước cùng chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật vượt qua khó khăn, gian khổ cùng nhau chống lại kẻ thù trong giai đoạn cách mạng để giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Theo Vientiane Times, thời kỳ đấu tranh cách mạng ở các nước Đông Dương kéo dài gần nửa thế kỷ và chiến tranh đã kết thúc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Các nước Đông Dương, bao gồm Lào, Việt Nam và Campuchia, sau đó đã tuyên bố độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930 để lãnh đạo cách mạng ở 3 nước Đông Dương thuộc Pháp khi đó.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đã chia ngọt sẻ bùi trong quá trình đấu tranh giải phóng Đông Dương. Đây là giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng một vai trò rất quan trọng.

Người đã chia sẻ quan điểm và đưa ra phương hướng cho các nhà cách mạng Lào đấu tranh và đoàn kết nhân dân Lào trên cả nước.

Cụ thể, sau khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên nhân dân Lào noi theo và thành lập Xứ ủy riêng để lãnh đạo cách mạng Lào.

Nghe theo lời khuyên của người, Xứ ủy Ai Lao đã được thành lập vào năm 1934.

Tại Đại hội lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Campuchia và Lào thành lập các đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin.

Trong thời gian làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh tiếp tục dặn dò cán bộ và nhân dân Việt Nam phải ủng hộ cách mạng Lào trên mọi lĩnh vực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu cách mạng Lào không giành thắng lợi và thực dân không rời Lào thì cách mạng Việt Nam và chính đất nước Việt Nam sẽ không còn tồn tại.”

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí cử lực lượng Việt Nam sang hỗ trợ cách mạng Lào. Lực lượng này bao gồm bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực.

Không chỉ hỗ trợ về nhân lực, Việt Nam còn hỗ trợ Lào theo nhu cầu của nhân dân Lào. Những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên “tình đoàn kết đặc biệt giữa Lào và Việt Nam."

Theo Vientiane Times, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam rằng “phải giữ gìn tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam như giữ gìn con ngươi của mắt mình."

Tiếp nối thắng lợi toàn diện của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngày 18/7/1977, Lào và Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định thêm quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trong thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tờ báo khẳng định quan hệ hợp tác giữa nhân dân Lào và Việt Nam ngày càng được nâng tầm trở thành tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc.

Nền tảng của quan hệ hữu nghị truyền thống ngày nay và quan hệ hợp tác toàn diện, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước là do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai dân tộc Lào và Việt Nam dày công vun đắp.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội

Chiều 20/5, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật tỉnh tổ chức gặp gỡ các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc hội viên Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế để thông tin cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2025).

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội
Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Return to top