ClockThứ Hai, 10/10/2022 06:01

Bề nổi và chiều sâu

Hàng trăm chị em phụ nữ mặc áo dài tuần hành qua các con phố ở Huế là chương trình vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh tổ chức cuối tuần qua.

Lãng mạn, thướt tha, thùy mị, tà áo dài thong dong qua những địa chỉ Trường Quốc Học, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền…, một lần nữa góp phần quảng bá hình ảnh Huế đẹp - bình an và xanh.

Với mục tiêu xây dựng “Huế - Kinh đô áo dài”, nhiều hoạt động quảng bá di sản áo dài đã được tổ chức trong nhiều năm qua. Trải qua hàng chục kỳ festival, áo dài với những sân khấu tôn vinh luôn là điểm nhấn thu hút truyền thông và du khách. Bước ra lễ hội, áo dài cũng hiện hữu qua các phong trào như tiểu thương mặc áo dài, áo dài công sở, lễ hội áo dài cộng đồng…Thậm chí là những động thái “kích cầu” như miễn vé tham quan di tích cho du khách mặc áo dài vào các dịp lễ. Những nỗ lực ấy đã góp phần nuôi dưỡng, đánh thức áo đài - một giá trị văn hóa truyền thống - sống dậy trong đời sống hiện đại.

Cách đây khoảng 15 năm, trong một lần trò chuyện, TS. Thái Kim Lan khi ấy vừa từ Đức về Huế sinh sống, đã ấp ủ ước mơ, giá như Huế có những show áo dài hàng tuần, chứ không chỉ trong các kỳ festival để phục vụ du khách. Bà ao ước, giá như sông Đông Ba có thể trở thành sân khấu áo dài, với các dịch vụ trải nghiệm, mua và may áo dài trên các tuyến phố Bạch Đằng, Chi Lăng…

Cùng một trăn trở là Nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh. Ở tuổi bát thập, cụ vẫn còn một câu hỏi canh cánh: Vì sao người Nhật đã biến chiếc kimono thành một sản phẩm du lịch thượng đẳng, còn áo dài Huế thì chưa. Theo cụ Kinh, từ thập niên 80, người Nhật còn chọn Huế làm nơi gia công, thêu, làm đẹp cho chiếc áo kimono với giá rất đắt.

Gắn bó với áo dài Huế qua nhiều kỳ festival, nhà thiết kế Minh Hạnh cũng từng đưa áo dài Huế đi xa hơn, với các chương trình biểu diễn thời trang áo dài truyền thống. Nhưng sau những cuộc đi xa ấy, áo dài Huế lại trở về ao nhà.

Làm gì nữa để áo dài Huế đi xa hơn, ngoài những cuộc tuần hành, những phong trào bề nổi?

Không chỉ với áo dài, đó cũng là câu hỏi dành cho những di sản quý của Huế, như ẩm thực, ca Huế, Nhã nhạc, tuồng, các làng nghề… Như trăn trở của một người Huế mà chúng tôi đã được nghe, rằng: Được mệnh danh là kinh đô ẩm thực với hàng trăm món ăn được lưu truyền nhưng đến Huế ngày nay, du khách có gì để trải nghiệm về ẩm thực? Một buổi yến tiệc cung đình chẳng hạn, từng mời nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh từ Sài Gòn ra Huế phục dựng, nhưng cũng chỉ một lần duy nhất trong khuôn khổ festival. Liệu có xứng tầm, liệu có mai một, nếu việc bảo tồn và hát huy giá trị ẩm thực Huế chỉ dừng lại trong khuôn khổ các lễ hội ẩm thực mang tính trình diễn đến hẹn lại lên?

Cùng với “Bốn mùa lễ hội”, mục tiêu xây dựng “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - thành phố ẩm thực”, “Huế - thành phố festival” đang đòi hỏi sự định hướng, những đầu tư sâu cho các sản phẩm cụ thể, thiết thực, bền vững và hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn cũng như tạo công ăn việc làm, bên cạnh những hoạt động bề nổi.

MINH QUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành công thương, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng động lực của khoa học công nghệ...

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu
Chú trọng chiều sâu trong phát triển

Trong buổi làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở ngành liên quan của tỉnh ngày 25/8 vừa qua...

Chú trọng chiều sâu trong phát triển
Return to top