Trong buổi làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở ngành liên quan của tỉnh ngày 25/8 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Dệt - May Việt Nam đã đề xuất một số mục tiêu nhằm phát triển ngành dệt - may trên địa bàn tỉnh cả về quy mô lẫn chiều sâu. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển tích cực cho một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mới được hình thành trên địa bàn tỉnh từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Viên gạch” đầu tiên là Nhà máy Sợi Huế (tiền thân của Công ty CP Dệt - May Huế), với 1 dây chuyền 17 ngàn cọc sợi. Mất đến 10 năm xây dựng, năm 1988 nhà máy chính thức đi vào hoạt động.
Bước ngoặt mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh là việc Công ty Dệt - May Huế chớp thời cơ, tranh thủ nguồn vốn ưu đãi của Chương trình tăng tốc ngành dệt may Việt Nam, đầu tư Nhà máy Sợi Phú Bài (tiền thân Công ty cổ phần sợi Phú Bài). Đây là nhà máy duy nhất trong chương trình được triển khai. Nhắc lại điều này, bởi với vai trò tiên phong, sự ra đời của công ty có vai trò quan trọng trong việc hình thành cụm dệt may ở Khu công nghiệp Phú Bài, với công ty như: Sợi Phú Thạnh, sợi Phú Nam, sợi Phú Việt và may Phú Hoà An... Hiện Khu công nghiệp Phú Bài còn thu hút một số nhà đầu tư nước ngoài, như Công ty HBI (Mỹ) và Công ty Dệt kim và May mặc Huế - Việt Nam (Bun ga ri) chuyên sản xuất trang phục thời trang.
Một nhân tố tích cực khác là Công ty SCAVI Huế (thuộc Tập đoàn SCAVI - một trong năm doanh nghiệp hàng đầu tại Pháp trong ngành công nghiệp trang phục đồ lót cao cấp, có trụ sở đóng tại 4 nước trên thế giới) đã di dời từ KCN Phú Bài ra đầu tư vào Khu công nghiệp Phong Điền từ đầu năm 2009, góp phần thúc đẩy hình thành cụm dệt may ở phía bắc của tỉnh…
Từ một nhà máy sợi ban đầu, sau hơn 30 năm phát triển, đến nay toàn tỉnh có trên 50 đơn vị dệt may, hiện diện tại nhiều địa phương như Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Sơ (TP. Huế)…; trở thành ngành thu hút nhiều lao động nhất, với hơn 33 nghìn lao động và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh.
Nhìn lại quá trình phát triển của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh, chúng ta thấy sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, tạo việc làm cho người lao động, nhưng xét về chất lượng phát triển vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần tháo gỡ để phát triển bền vững. Đó là phát triển chủ yếu ở lĩnh vực may gia công - phần có giá trị gia tăng ít; ngành công nghiệp nguyên phụ liệu chưa được quan tâm đầu tư; vấn đề môi trường, xử lý nước thải, nhất là ở khâu dệt nhuộm chưa được đầu tư đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng chưa được quan tâm đào tạo bài bản đáp ứng nhu cầu phát triển….
Với đề xuất mới đây của Tập đoàn Dệt May Việt Nam về mục tiêu phát triển, chúng ta thấy tập đoàn không chỉ đầu tư nâng quy mô các nhà máy sợi, may mà còn chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại; có hướng hình thành khu công nghiệp sinh thái cho hoạt động sản xuất sợi và trung tâm dịch vụ chia sẻ của tập đoàn tại Phú Bài; xây dựng hệ thống nước thải nhằm phát triển lĩnh vực dệt nhuộm ở Hương Trà. Tập đoàn cũng cam kết đảm bảo mục tiêu sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu hữu cơ, tái chế…
Đây là nỗ lực thực hiện quá trình “xanh hóa” ngành dệt may để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng “xanh” hiện nay, chuẩn bị điều kiện đáp ứng đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC) về tiêu chuẩn sinh thái áp dụng đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này. Với Thừa Thiên Huế, phát triển sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường là định hướng xuyên suốt, nguyên tắc cốt lõi trong phát triển. Khi cả hai cùng chung một định hướng phát triển là điều kiện thuận lợi, nhưng quan trọng là việc triển khai thực hiện cần đúng cam kết và có sự giám sát chặt chẽ để ngành dệt may phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thừa Thiên Huế.
Hoàng Minh