ClockChủ Nhật, 25/10/2020 10:21

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

TTH - Đợt bão lũ này được đánh giá là đợt thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người, tài sản cho người dân miền Trung trong nhiều năm trở lại đây.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Thừa Thiên Huế và Quảng TrịCon người có thể lường trước được thiên tai nhưng không tính hết thảm họa

Tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 8 (tên quốc tế Saudel) và công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng 21/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ số 1 hiện nay là tập trung cứu trợ cho người dân. “Nhân dân đang rất khó khăn, thiếu thốn. Các bộ ngành, địa phương, cùng với Mặt trận, đoàn thể phải tập trung trao cứu trợ tận tay cho bà con. Thậm chí phải dùng cả trực thăng đi kiểm tra, khảo sát, cứu trợ”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Bão tiếp bão, rồi áp thấp nhiệt đới liên tục đổ vào miền Trung kèm theo mưa lớn liên tục trong nhiều ngày từ giữa tháng 9 đến nay, gây ngập lụt trên diện rộng, có nơi mực nước cao hơn đỉnh lụt năm 1999. Đợt bão lũ này được đánh giá là đợt thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người, tài sản cho người dân miền Trung trong nhiều năm trở lại đây.

Trong muôn vàn khó khăn, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các cấp đã nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống cho người dân. Sát cánh với người dân vượt qua các cơn lũ dữ là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an, dân quân tự vệ, cán bộ đoàn thể ở cơ sở. Nhiều tấm lòng hảo tâm không tiếc tiền bạc, công sức, gian nan vất vả kịp thời tiếp tế cho những người dân vùng khó khăn. Những tấm lòng thơm thảo đó thật đáng quý và trân trọng.

Bão lũ còn diễn biến phức tạp, nhiều vùng còn bị chia cắt, cô lập hoặc ngập sâu trong nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc cứu trợ kịp thời là cần thiết nhưng vấn đề an toàn cho người đi cứu trợ và nhận cứu trợ cần đặt lên hàng đầu. Cùng với lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men để giúp người dân giải quyết khó khăn trước mắt cũng cần nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất sau lũ. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế, còn có sự chung tay của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân được trao cho Mặt trận các cấp để làm “cầu nối” chuyển tiền, hàng cứu trợ đến đúng địa chỉ, kịp thời, công bằng.

Mùa mưa bão còn dài, diễn biến bão lũ còn phức tạp. Sau mỗi cơn bão, trận lũ, ngoài công tác cứu trợ còn nhiều công việc khác đặt ra cho chính quyền và người dân các địa phương. Đó là công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục cơ sở vật chất trường học cho con em trở lại trường, khắc phục hạ tầng giao thông, chuẩn bị nguồn giống, phân bón để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới...

Để sớm vượt qua khó khăn, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần tích cực vào cuộc động viên, chung sức với người dân tập trung khắc phục hậu quả bão lụt, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

49 học viên đến từ Lào được cấp chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị

Ngày 15/11, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức lễ bế giảng và cấp chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị cho 49 học viên Lào đến từ các tỉnh: Salavan, Sê Kông, Champasak, Savannakhet. Tham dự có ông Souphanh Hadaoheuang, Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng; Phan Xuân Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

49 học viên đến từ Lào được cấp chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị
Return to top