ClockThứ Ba, 20/10/2020 09:38

Con người có thể lường trước được thiên tai nhưng không tính hết thảm họa

TTH.VN - Mùa mưa lũ, thảm họa sạt lở đất kinh hoàng đã xảy ra, gây thiệt hại về người và của. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Thừa Thiên Huế Online có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Thừa Thiên Huế và Quảng TrịXác định 2 điểm vùi lấp người bị nạn, tiếp tục thông tuyến 71 từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3Sạt lở đất ở Hướng Hóa - Quảng Trị: Đã tìm được 10 thi thể, dồn tổng lực thông đường vào hiện trườngA Lưới thông tuyến Quốc lộ 49A, khắc phục sau mưa lũDanh sách 17 người mất tích tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 sau vụ sạt lở đấtMưa lũ ảnh hưởng đến nhiều địa phương

Ông Hùng chia sẻ: “Các nước tiên tiến trên thế giới đều lường trước thiên tai nhưng vẫn xảy ra thảm họa mà con người không thể nghĩ tới. Có thảm họa ngoài tầm kiểm soát, hãy suy nghĩ giải pháp hiệu quả từ những bài học đó. Những người có trách nhiệm phải nghĩ đến việc xây dựng lại tốt hơn…”

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Thưa ông, tình hình sạt lở đất đang xảy ra tại nhiều tỉnh, ông có thể phác thảo “bức tranh” này tại Thừa Thiên Huế?

Từ sông, núi, biển ở đâu cũng có sạt lở đất, có những điểm chưa khắc phục xong nay lại xảy ra tiếp.

Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 70km bờ sông bị sạt lở, tập trung chính ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, sông Bù Lu, sông Khe Tre, sông Tà Ring, sông Phù Bài.

Bờ biển kéo dài 127km, trong đó 90km dải cồn cát ven biển thuộc địa phận 5 huyện, thị với số dân chiếm 30% dân cư toàn tỉnh. Hiện, đang có 10km sạt lở, nước biển xâm thực với tổng chiều dài khoảng 30km nằm ở các xã Phong Hải (Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (Hương Trà); Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (Phú Vang); Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc). Chúng ta đã có dự án chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1. Dù thực trạng sạt lở lớn như vậy nhưng kinh phí như hiện nay chỉ mới làm kè biển khoảng 4km, chiều dài cần kiên cố hóa còn lại cần kinh phí cả ngàn tỉ đồng.

Riêng với sạt lở núi có trên 40 điểm trong diện nguy cơ nằm ở huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền.

- Nguyên nhân là gì và thực trạng này đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân, thưa ông?

Mưa gió kéo dài, dòng chảy xiết, lưu lượng xả lũ lớn tạo độ dốc khiến khả năng xói lở tăng lên.

Sạt lở đất ảnh hưởng rất nghiêm trọng, từ hệ thống giao thông đến gây bất ổn cho những khu dân cư, một số điểm sạt lở gần trường học, di tích văn hóa, hệ thống điện…

Do biến đổi khí hậu, bờ biển bị xâm thực, nhiều nơi bờ biển bị khuất lấp cách vị trí cũ hơn 300m. Cồn cát bị cũng cắt gọt.

Chúng ta phải tổ chức di dời dân cư nhiều lần trước nguy cơ sạt lở…

- Trượt lở núi đã gây ra thảm họa kinh hoàng không chỉ tại Thừa Thiên Huế, ông có chia sẻ gì đối với những thảm họa này?

Thực tế xảy ra trượt lở núi gây nên thảm họa ở Thừa Thiên Huế không phải lần đầu. Trong trận lũ lịch sử năm 1999, ở đèo Mũi Né (huyện Phú Lộc) cũng xảy ra trượt lở làm 13 người tử vong.

Trượt lở cũng xảy ra nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhà nước đầu tư rất nhiều hệ thống cảnh báo tự động, nhưng thực tế điểm trượt lở núi lại không rơi vào vị trí đó vì hình thế mưa thực tế chưa chắc đã như cảnh báo.

Nguyên nhân xảy ra các vụ trượt lở là do mưa lớn kéo dài, khi thấm vào đất đến bão hòa, tạo thành cung trượt.

Chúng tôi thống kê các vụ trượt lở núi hầu hết xảy ra vào ban đêm, thời điểm mưa lớn thường diễn ra nên con người khó tránh. Đây gọi là "tai biến" bất ngờ. Về nguyên nhân chủ quan có thể ở các công trình xây dựng chưa xử lý hết bãi thải, chúng như vũng bùn, tạo điều kiện cho trượt lở càng thêm nghiêm trọng.

Sự cố ở Thủy điện Rào Trăng 3 cũng nằm trong số các nguyên nhân đó. Công trình này làm chưa xong, chưa vận hành. Công nhân dù làm việc cách xa nhưng mưa quá lớn, đất đá sụt lún, trượt lở vùi lấp lán trại. Nhẽ ra, những công nhân này cần được rút khỏi công trình vào mùa mưa.

Hiện, dù khó khăn nhưng các lực lượng chức năng đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm các nạn nhân còn lại.

Sạt lở đất tại khu vực đường vào Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: T.Hồng

- Vậy, có khó khăn gì tring cảnh báo sạt lở đất hay không?

Tất cả các tỉnh đều có có các biển báo cảnh báo về nguy cơ sạt lở. Riêng với Thừa Thiên Huế, chúng tôi thường xuyên cảnh báo, tuyên tuyền từ tờ rơi, biển báo, truyền thông tại các vùng nguy cơ đến tổ chức tập huấn cho cán bộ, người dân ở địa phương nhận diện sự cố thiên tai này.

Thực tế hiện nay, so với các nước trên thế giới, nhận thức về thiên tai của người dân Việt Nam không bằng, kỹ năng ứng phó cũng chưa được cao, cán bộ chuyên trách về thiên tai ở các địa phương vẫn thiếu và yếu. Nhà nước tuyên truyền nhưng người dân tiếp thu được bao nhiêu là chuyện khác.

- Với những thảm họa đã xảy đến, theo ông, người dân làm thế nào để nhận biết được dấu hiệu sạt lở đất?

Sạt lở đất là hiện tượng đất, đá, bùn, nước chuyển động nhanh từ sườn dốc, xảy ra rất nhanh. Để nhận ra hiện tượng này, vào mùa mưa lũ người dân cần quan sát kỹ khu vực xung quanh mình sinh sống, dấu hiệu di chuyển của côn trùng như kiến bò từng đoàn; cây cối, vết nứt, vết lún trong nhà, trên sườn núi, đường đi và hướng cây cối nghiêng ngả...

Đặc biệt chú ý khi có cảnh báo mưa lớn thời gian dài nhưng không thấy dòng chảy trên mặt đất. Đây là hiện tượng nước ngấm hết trong lòng đất, khi đầy sẽ bung ra, gây sạt lở rất mạnh…

- Yếu tố công trình trong các vùng nguy cơ sạt lở cần được đảm bảo an toàn, về trước mắt và lâu dài, giải pháp nào để hạn chế rủi ro, thưa ông?

Trước mắt cần di dời dân, cắm tiêu ve ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất. Khi mưa dứt xử lý tạm thời để khống chế, sau đó xin kinh phí khắc phục, kiên cố hóa.

Đối với sạt lở bờ sông cần quản lý tốt tình trạng khai thác cát lậu. Tỉnh cũng đang đề xuất quy hoạch bố trí dân cư, quy định phạm vi xây dựng tạo hành lang thoát lũ để đảm bảo an toàn lâu dài. Ngoài ra, nạo vét những vị trí bồi lấp, nắn dòng, kết hợp trồng cỏ, kiến cố hóa kè nhưng đảm bảo cảnh quan sinh thái.

Tại các vùng ven biển, dãy cồn cát là đê tự nhiên tác dụng chắn gió bão, cần tăng cường trồng rừng phòng hộ, và bảo tồn.

Các địa phương miền núi cần đầu tư các trạm quan trắc mưa, đo mưa để cảnh báo nguy cơ trượt lở. Khi đầu tư công trình ở vùng núi phải có giải pháp chống trượt lở phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc biệt là hệ thống tiêu nước. 

Hơn 20 năm sau trận lũ lịch sử năm 1999, thảm họa lặp lại, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo lực lượng đóng tại vùng núi phải đề phòng sạt lở vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực ở Trung Bộ đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực trên tiếp tục có mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ
Bão chồng bão, nguy cơ hình thành bão số 8 trên Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sau bão Yingxing, Biển Đông tiếp tục có những diễn biến thời tiết phức tạp khi xuất hiện một cơn bão mới có tên quốc tế là TORAJI, đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines).

Bão chồng bão, nguy cơ hình thành bão số 8 trên Biển Đông

TIN MỚI

Return to top