ClockThứ Tư, 06/01/2021 06:30

Các vấn đề thủy điện đều đưa vào diện quản lý nghiêm ngặt

TTH - Sau các sự cố tại các thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3, Hương Điền, Thượng Nhật, đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác quản lý, giám sát thi công, vận hành các công trình.

Nước xuất lộ tại Thủy điện A Lưới đã được kiểm soátNgười dân không đến gần vị trí xảy ra sự cốTriển khai các giải pháp đảm bảo an toàn ở thủy điện A LướiThủy điện Hương Điền vận hành xả lũ từ 13 giờ ngày 16/12Cảnh báo nguy cơ trượt lở đất tiếp diễn

Thủy điện Rào Trăng 3 đang được khắc phục hậu quả

Về các dự án (DA) TĐ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương thông tin:

Trong số 22 DA TĐ được quy hoạch, đến nay tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 13 DA nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Sau khi rà soát, xem xét mức độ an toàn trong mưa lũ, ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường và nhiều khả năng không phát huy tác dụng, hiệu quả, Bộ Công thương đưa ra khỏi quy hoạch 7 DA. Toàn tỉnh hiện có 9 DA TĐ đã vận hành và 4 DA đang thi công.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương

Để đầu tư DA TĐ đảm bảo đúng quy định cần phải tuân thủ những điều kiện, quy trình quản lý, giám sát quá trình xây dựng như thế nào, thưa ông?

DA TĐ đó phải có trong quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngoại trừ các DA đa mục tiêu, các DA được đề xuất quy hoạch phải đảm bảo không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại, hoặc không di dời quá 1 hộ dân/1 MW công suất lắp máy.

Các DA TĐ phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan; tuân thủ quy hoạch TĐ và phù hợp quy hoạch phát triển điện lực được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các DA đang trong giai đoạn thi công được quản lý theo quy định của Luật Xây dựng, các nghị định, thông tư của Chính phủ, Bộ Xây dựng... về quy định chi tiết một số nội dung quản lý chất lượng và bảo trì công trình. Công tác ứng phó thiên tai tại các công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công được quản lý chặt chẽ theo quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Thủy điện Bình Điền điều tiết nước về hạ du

Ông có thể thông tin về các DA TĐ đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, thi công?

Trên địa bàn có 4 DA đang trong giai đoạn thi công (Sông Bồ: 23,6 MW; ALin B1: 46 MW; Rào Trăng 3: 13 MW; Thượng Nhật: 11 MW). Các công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ, dự kiến đưa vào vận hành từ quý I năm 2021.

Mới đây, TĐ Thượng Nhật không chấp hành lệnh, quy định của tỉnh trong vận hành?

Đối với các DA đã đưa vào vận hành được quản lý theo quy định của Chính phủ, Bộ Công thương về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương; quy trình vận hành đơn hồ...

Các DA đang trong giai đoạn thi công nên chưa có hệ thống giám sát vận hành. Vì vậy, công việc giám sát thường gặp nhiều khó khăn.

Các DA TĐ nhỏ, công trình mới hoàn thành, hoặc đang trong thời gian xây dựng, hàng năm đều phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai; lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Các DA đã đưa vào vận hành cũng phải xây dựng quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh và cấp địa phương trong công tác vận hành phát điện, điều tiết lũ.

Thủy điện Thượng Nhật tích, xả nước khi chưa được cấp phép

Tuy nhiên, một số chủ đầu tư (CĐT), chủ đập chưa làm hết trách nhiệm trong việc tổ chức vận hành đúng quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, công tác PCTT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt chẽ và công khai quy trình vận hành xả lũ của các hồ TĐ nhằm bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực vùng hạ du công trình.

Sau sự cố tại TĐ Rào Trăng 3, hay TĐ Thượng Nhật không chấp hành lệnh của tỉnh vừa qua, dư luận đặt câu hỏi liệu các DA còn được phép tiếp tục triển khai, hoạt động nữa hay không?

Sạt lở tại Rào Trăng 3 là sự cố đáng tiếc, chưa thể khẳng định hoàn toàn do thủy điện, mà có thể do địa chất, mưa lớn kéo dài... Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo và Cục Kỹ thuật an toàn & Môi trường công nghiệp – Bộ Công thương đang phối hợp với CĐT tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể nguyên nhân, mức độ an toàn của toàn bộ các hạng mục công trình TĐ Rào Trăng 3 theo quy định.

Đối với vi phạm của TĐ Thượng Nhật tuy chưa thiệt hại đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng đến an ninh, đảm bảo đời sống Nhân dân là vấn đề nguy hiểm. TĐ Thượng Nhật cũng đã nhận ra sai phạm và đang khắc phục tồn tại, đảm bảo theo quy định của Nhà nước. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Sở TN&MT, UBND huyện Nam Đông, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ rà soát, xử lý các vấn đề tồn tại vừa qua. Đồng thời, phối hợp đoàn công tác Bộ Công thương kiểm tra kết quả triển khai xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn vận hành công trình TĐ Thượng Nhật theo quy định.

Trên cơ sở kết quả đánh giá tổng thể mức độ an toàn của toàn bộ các hạng mục công trình Rào Trăng 3 và kết quả khắc phục tồn tại của TĐ Thượng Nhật, UBND tỉnh sẽ xem xét việc tiếp tục triển khai các DA nữa hay không.

Sở Công thương cũng đã tham mưu tỉnh, Bộ Công thương cần chỉnh sửa các văn bản quy định mà hiện nay được cho là chưa đầy đủ, dẫn đến vai trò phối hợp, chỉ đạo của địa phương còn hạn chế. Yêu cầu đặt ra là sự phối hợp cần phải chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, chấp hành tốt hơn quy định của tỉnh, bởi công trình TĐ là công trình sản xuất, kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự, nhất là trong mùa mưa bão. 

Qua các sự cố tại các TĐ, ông đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn tại các công trình thủy điện đang thi công, cũng như đã vận hành?

Đối với các công trình đang thi công, các mái taluy chưa được thực hiện gia cố, đất đá đào đắp có thể co hẹp lòng sông, suối làm ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Trong trường hợp mưa lũ kéo dài có thể xảy ra nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính mạng con người và an toàn của các thiết bị.

Thủy điện Hương Điền

Đối với các nhà máy đang vận hành, công tác kiểm tra duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình chưa quan tâm đúng mức, có thể gây mất an toàn, xảy ra sự cố trên công trình như kẹt cửa van do mất nguồn điện dự phòng.

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giám sát các công trình đang thi công và đang vận hành?

Văn bản, hành lang pháp lý, qua hành vi vi phạm của TĐ Thượng Nhật cho thấy quy định về công trình TĐ hiện nay có những văn bản chế định, chế tài đối với các CĐT chưa nhịp nhàng, sơ hở để các CĐT khai thác, vận dụng dẫn đến vi phạm như vừa qua. Việc đầu tiên cần tham mưu tỉnh có văn bản gửi Bộ Công thương phải đưa công trình TĐ đang xây dựng vào diện quản lý nghiêm ngặt, trong quá trình đầu tư cũng như triển khai DA. Đối với công trình đã vận hành, hiện nay quy định của Bộ Công thương rất chặt chẽ, đã có chế tài.

Cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát các công trình đang thi công cũng như công trình đang vận hành?

Trước mắt, tập trung vào 4 công trình đang xây dựng. Cần rà soát lại các quy trình, quy định, phải có sự chỉ đạo đối với các CĐT đánh giá mức độ an toàn trong thi công các hạng mục của công trình; đặc biệt không chỉ lưu ý đến các hạng mục chính như tổ máy, đập dâng, lòng hồ mà còn chú ý đến các phương tiện, công trình phụ trợ, nhà điều hành, công nhân, tuyến đường thi công. Các công trình này trước đây không có quy định về chế tài, thì nay chúng tôi kiến nghị đưa vào quy định chế tài xử lý. Như vậy, tất cả các vấn đề liên quan đến TĐ đều đưa vào diện quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, có chế định, chế tài xử lý.

Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình TĐ một cách chặt chẽ, liên tục, hiệu quả từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công và quản lý khai thác; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ vận hành, quản lý thủy điện. Đồng thời nâng cao năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan PCTT&TKCN tại các nhà máy, các địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp, vận hành các công trình TĐ. Các DA trước khi đưa vào vận hành đều phải lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, hệ thống cảnh báo, phát điện, vận hành xả lũ.

Triều - Hương (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Lũ trên các sông đang lên nhanh

Trong 12-24 giờ tới, lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên và dao động ở mức báo động II đến báo động III.

Lũ trên các sông đang lên nhanh
Return to top