ClockThứ Năm, 10/12/2020 13:30

Cảnh báo nguy cơ trượt lở đất tiếp diễn

TTH - Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 12/2020 có khoảng 2- 4 đợt mưa lớn diện rộng, lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, tổng lượng mưa phổ biến 300- 450mm. Mưa lớn, kéo dài làm nguy cơ trượt lở đất, lũ ống, lũ quét tiếp diễn nhiều điểm.

Sạt lở tại thủy điện Hương Điền: Không ảnh hưởng đến an toàn công trình

Sạt lở với khoảng 5.000m3 đất đá tại phía hạ lưu vai trái đập Thủy điện Hương Điền (Công ty CP Thủy điện Hương Điền)

Nguy cơ cao

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để địa phương và Nhân dân trong tỉnh biết và chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới, đơn vị đã có thông báo, cảnh báo gửi các địa phương về các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá trên địa bàn.

Các điểm cảnh báo sạt lở gồm khu vực đồi núi dọc đường 71 từ Phong Xuân (Phong Điền) đến các công trình Thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3, A Lin B2, A Lin B1; khu vực sườn đồi núi, mái taluy, nhất là dọc tuyến Quốc lộ 49A (đoạn qua Hương Trà, A Lưới), đường Hồ Chí Minh; tuyến cao tốc La Sơn–Túy Loan (đoạn qua các khu vực dân cư ven sườn đồi, sông suối thuộc địa bàn huyện Nam Đông, Phú Lộc); khu vực đèo Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân và dọc tuyến từ Quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây...

Mới đây, chiều 1/12, do ảnh hưởng mưa lớn, liên tục nên phía hạ lưu vai trái đập thủy điện Hương Điền (Công ty CP Thủy điện Hương Điền) xuất hiện một số điểm sạt lở với khối lượng ước tính khoảng 5.000m3 đất đá.

Theo chủ đầu tư, vị trí điểm sạt lở cách chân đập thủy điện Hương Điền từ 60-200m, không có đường dân sinh nên không ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Vị trí sạt lở cách xa chân đập thủy điện Hương Điền từ 60-200m nên không gây ảnh hưởng đến chân đập, Đáy đập được đặt hoàn toàn trên nền đá gốc, do vậy không ảnh hưởng đến an toàn công trình.

Hệ thống dầm khung bê tông cố định taluy dương bảo vệ tuyến đường vào khu du lịch Laguna bị đứt gãy, đổ hoàn toàn

“Hiện tại công ty đang tiếp tục quan trắc, giám sát và có báo cáo các cơ quan quản lý khi có bất thường, đồng thời công ty cũng đã lập kế hoạch trong năm 2021 sẽ phối hợp với tư vấn thiết kế, khảo sát, đánh giá và đưa ra giải pháp để tiến hành gia cố tổng thể toàn bộ vai trái đập, để đảm bảo an toàn công trình”, ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách nhà máy thủy điện Hương Điền thông tin.

Trước đó, tối 30/11, sạt lở nặng tại khu vực đồi núi dốc thuộc xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) gây chia cắt tuyến đường đèo độc đạo nối trục giao thông ven sông Bù Lu vào khu du lịch Laguna. Vị trí sạt lở đất đồi núi là mái taluy dương chống trượt gãy sườn đồi bảo vệ tuyến đường nội bộ độc đạo dẫn vào khu du lịch Laguna thuộc núi Cảnh Dương.

Thời điểm đất đồi bị sạt lở, hệ thống dầm khung bê tông cố định taluy dương bảo vệ tuyến đường bị đứt gãy đổ xuống bên dưới với chiều dài tuyến đường bị vùi lấp khoảng 70-100m. Sau khi sự cố xảy ra, Ban Quản lý Khu Kinh tế-Công nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân lực, phương tiện máy móc giải phóng hiện trường, hiện công tác khắc phục đang được triển khai.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, vào thời điểm xảy ra trượt lở đất, không có người và phương tiện lưu thông nên không có thiệt hại. Vị trí sạt lở trên đã được đơn vị nhiều lần theo dõi, cảnh báo, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên chưa giải quyết triệt để được.

Chủ động ứng phó

Với dự báo tình hình mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, các chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi và cụm công trình thủy điện...phải thường xuyên kiểm tra khu vực lòng hồ, ven hồ thủy điện, thủy lợi và đầu mối công trình. Có những đánh giá tổng thể hiện trạng, giải pháp đảm bảo an toàn nhằm đề phòng hiện tượng sạt lở đồi núi ven hồ và công trình đầu mối gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập hoặc làm hạn chế thoát lũ qua đập tràn gây sự cố mất an toàn công trình hoặc vỡ đập.

Ông Phan Thanh Hùng cho biết, đơn vị thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ làm công tác PCTT về các loại hình thiên tai, trong đó có động đất, lũ quét và sạt lở đất đá. Từ năm 2013 đến nay đều có tổ chức các lớp tập huấn PCTT tại các địa phương.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã giới thiệu nhiều tài liệu, phim ảnh tuyên truyền cổ động và cách phòng ngừa sự cố sạt lở đất dưới nhiều hình thức. Gửi tài liệu ứng phó về các cơ quan đơn vị, tập huấn hướng dẫn lập kế hoạch PCTT đến cấp xã. Đến nay 100% xã phường trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch, phương án PCTT hàng năm.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát lại các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, trong đó có sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá tổng thể nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; rà soát, cập nhật bản đồ cảnh báo các vị trí nguy cơ sạt lở đất.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tích cực phối hợp với Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, cập nhật các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tổng rà soát khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng giao thông, hồ chứa nước, thủy điện để đảm bảo an toàn.

Theo số liệu khảo sát, trên địa bàn tỉnh có 48 điểm xảy ra lũ quét với các loại hình lũ quét nghẽn dòng, lũ quét hỗn hợp. Lũ quét nghẽn dòng thường xảy ra ở những vùng trũng giữa núi như Hồng Kim (A Lưới), Xuân Lộc (Phú Lộc), La Hy (Nam Đông), Khe Trái (Hương Trà); còn xảy ra tại những công trình giao thông có khẩu độ thoát lũ kém như tại Cống Bạc (trên quốc lộ 1A qua TP. Huế). Lũ quét hỗn hợp thường xảy ra nơi hợp lưu của hai con sông như Bảng Lảng, Hương Hồ (sông Hương), Lại Bằng (sông Bồ).

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

Xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô, gắn máy kéo theo xe khác, vật khác luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế
“Nhận diện” sớm nguy cơ để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũ

“Nhận diện” sớm các khu vực có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá… là vấn đề mà người dân rất quan tâm khi mùa mưa bão đến, nhằm chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với rủi ro thiên tai; tránh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra do mưa lũ.

“Nhận diện” sớm nguy cơ để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũ
Nguy cơ “đất chảy” ở đường 71

Kiểm tra an toàn các công trình thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Rào Trăng, Sở Công thương cảnh báo, đường 71 đã xuống cấp nghiêm trọng, sạt lở tạo nên nhiều “hàm ếch” trên tuyến. Để kịp thời phục vụ công tác ứng phó thiên tai năm 2024, Sở Công thương yêu cầu các thủy điện sửa chữa tạm thời các điểm hư hỏng nặng và cắm biển cảnh báo các vị trí sạt lở.

Nguy cơ “đất chảy” ở đường 71
Chủ động ứng phó với trượt lở đất

Các huyện miền núi với đặc điểm địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy các sông suối rất dữ dội, tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất ảnh hưởng đến khu dân cư. Do vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai luôn được coi trọng nhằm phát triển bền vững.

Chủ động ứng phó với trượt lở đất
Return to top