ClockThứ Năm, 26/10/2017 19:40
Làm việc với hai huyện A Lưới, Phú Vang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao:

Cần chỉ rõ thế mạnh và định hướng tập trung phát triển

TTH - Phát huy lợi thế từ rừng và tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế, tạo động lực thực hiện giảm nghèo bền vững là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tại buổi làm việc với huyện A Lưới về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 sáng 26/10.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Năm 2017, tốc độ tăng giá trị sản xuất của A Lưới ước đạt 11%, trong đó, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 8%; công nghiệp, xây dựng, TTCN tăng 9%; dịch vụ tăng 22%. Dự ước đến cuối năm có 15/18 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao lưu ý, A Lưới cần xác định mục tiêu cụ thể trong năm 2018 là tập trung vào lĩnh vực nào để có giải pháp trọng tâm hơn. Trong sản xuất nông nghiệp, cần đảm bảo hài hòa giữa quy mô và chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao của địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt đề án phát triển đàn bò, đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm để từng bước xây dựng thương hiệu thịt bò A Lưới. Nghiên cứu đề xuất về cơ chế chính sách phát triển kinh tế từ rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao  giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất các chương trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện A Lưới, lồng ghép để tận dụng các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững. Đối với diện tích rừng kinh tế hơn 12.000 ha, đây là nguồn thu ổn định và bền vững cho Nhân dân trên địa bàn huyện, là thế mạnh để thực hiện phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng và xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng, vì vậy sở cần phối hợp giúp địa phương khai thác hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2018, A Lưới đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% là điều hoàn toàn có thể, bởi đa số các hộ nghèo đều có lực lượng lao động. Vấn đề là các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ các xã nghèo phải có kế hoạch triển khai hỗ trợ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương. Các xã cần phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện phương châm “cho người nghèo cần câu, chứ không cho con cá”, nhất là hình thành ý thức tự phấn đấu thoát nghèo trong mỗi hộ nghèo, xã nghèo...để thoát nghèo bền vững.

 Lãnh đạo các sở, ngành đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế của A Lưới tại buổi làm việc

*Chiều cùng ngày, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao và các thành viên trong đoàn đã có buổi làm việc với huyện Phú Vang.

Báo cáo với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao và các thành viên trong đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang La Phúc Thành khẳng định: Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017, huyện Phú Vang có 14/16 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. KCN Phú Đa có thêm 3 công ty đang triển khai xây dựng nhà máy và bước đầu thuê mặt bằng để tuyển công nhân. Phú Vang cũng đã triển khai 119 công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng… TTCN đạt hơn 818 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp đạt gần 3.100 tỷ đồng; thu ngân sách 129 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 4.100 lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phú Vang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung các giải pháp để khắc phục. Đó là, một số dự án lớn vẫn chưa được triển khai thực hiện; phát triển du lịch còn mang tính thời vụ; số doanh nghiệp lớn, nhưng hoạt động quy mô nhỏ...

Chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu: “Cần hiến kế, đưa ra các giải pháp để Phú Vang tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa trong thời gian tới. Cần đổi mới tư duy lập kế hoạch, đề ra các định hướng phát triển. Sở, ngành phải làm việc thường xuyên với huyện trước những vấn đề cần quan tâm. Có như vậy mới giải quyết nhanh, gọn những vấn đề mà địa phương quan tâm”.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện cần căn cứ vào Nghị quyết của Đảng bộ huyện trong giai đoạn 2015 – 2020, nhưng cần chỉ rõ thế mạnh và định hướng tập trung phát triển mạnh vào lĩnh vực gì, huy động nguồn lực đầu tư ở đâu và cần sự hỗ trợ như thế nào của tỉnh. Huyện xác định phát triển dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch và khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản là thế mạnh thì, cần phải đưa ra giải pháp lâu dài và trước mắt cần phải làm gì, trong đó phải chỉ ra được giải pháp thu hút đầu tư phát triển. Bàn kỹ các tiềm năng chưa khai thác, làm sao để khai thác được tiềm năng. Từ đó, có cơ cấu nguồn lực, tiềm lực, tạo cơ chế, chính sách để thực hiện. Phát triển về du lịch, cần phải tính đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Vừa phát triển quy mô, nhưng phải tăng được chất lượng của nền kinh tế; chọn những vấn đề nào quan trọng, ưu tiên trước để quyết tâm thực hiện đạt kết quả.  

Huyện Phú Vang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và du lịch biển để đảm bảo nguồn thu ngân sách; tiếp tục rà soát và triển khai các quy hoạch phát triển đô thị, việc khai thác quỹ đất cần chú ý đến vấn đề môi trường. Đối với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương cần tăng cường xã hội hóa nhằm huy động tốt nguồn lực từ doanh nghiệp và trong nhân dân để tập trung đầu tư cho các tiêu chí về đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn và dân sinh.

Bài, ảnh: Bá Trí - Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Return to top