Cầu Lợi Nông chưa có đường dẫn là do vướng quy hoạch đường Tôn Quang Phiệt và giải phóng mặt bằng
Sớm có phương án cho cầu Lợi Nông
Như Báo Thừa Thiên Huế thông tin, dự án cầu qua sông Lợi Nông đã hoàn thành cách đây 6 tháng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động do hai đầu cầu không có hệ thống đường dẫn. Tình trạng này không những làm cho người dân phải đi lại trên cầu cũ chật hẹp mất an toàn mà còn phản cảm, tạo dư luận không tốt.
Ông Nguyễn Đình Bách thông tin, dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông nằm trong Kế hoạch trung hạn 2015-2020, dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2564/QĐ-UBND ngày 26/10/2016 với thời gian thực hiện dự án 3 năm kể từ ngày khởi công (công trình đã khởi công trong tháng 8/2017, dự kiến hoàn thành tháng 8/2020). Hiện nay dự án đã thi công hoàn thành phần cầu, tuy nhiên chưa thi công phần đường dẫn vào hai đầu cầu.
Về nguyên nhân, ông Nguyễn Đình Bách cho biết, có hai nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này:
Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tôn Quang Phiệt: Theo nội dung tại Quyết định 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu A – Đô thị mới An Vân Dương, tuyến đường Tôn Quang Phiệt được điều chỉnh từ mặt cắt 19,5m xuống thành mặt cắt 13,5m, phải điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông.
Thứ hai, theo phương án thiết kế đã được duyệt phần mái taluy đắp của đường dẫn lên cầu nhánh đường 26m khu nhà ở An Đông nằm trên phạm vi đền bù giải phóng mặt bằng của dự án Trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh. Đến nay, Trụ sở đã được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên công tác đền bù giải phóng mặt bằng phạm vi nêu trên thuộc dự án Trụ sở Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt vẫn chưa hoàn thành. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các hạng mục của dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông.
“Hiện, dự án đang trong quá trình tổ chức thực hiện theo tiến độ (tháng 8/2020 hoàn thành). Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tổ chức giao thông các tuyến đường dẫn lên cầu phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch và tình hình giải phóng mặt bằng thực tế hiện nay”- ông Nguyễn Đình Bách nói.
Quyết liệt triển khai phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Toàn tỉnh vẫn còn đàn lợn hơn 150.000 được nuôi an toàn sinh học, khỏe mạnh có thể giết mổ tập trung và đưa ra thị trường tiêu thụ
Theo thống kê của Văn phòng UBND tỉnh, đến nay dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang xảy ra trên đàn lợn của 1.594 hộ chăn nuôi, 364 thôn, 79 xã thuộc 8 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy và TP. Huế (duy nhất Nam Đông chưa có dịch). Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 7.003 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 374.073kg.
Hiện các cấp, các ngành đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch. Cụ thể, đã phát 50.000 tờ rơi và cam kết thực hiện 5 không đối với người dân; cấp 30.029 lít hóa chất, hơn 363 tấn vôi; lập 47 chốt để chốt chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch.
“Bệnh DTLCP không lây sang người, trên địa bàn tỉnh còn hơn 150.000 con lợn khỏe mạnh, được chăn nuôi an toàn sinh học, lợn được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, được kiểm tra lâm sàng, đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi lưu thông trên thị trường”- ông Nguyễn Đình Bách thông tin.
Liên quan đến thông tin vụ xô xát của một số người với phóng viên của một số báo, đài tại phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy, ông Nguyễn Đình bách cho biết, hiện nay Công an TX. Hương Thủy đang làm việc với các bên liên quan, xác minh điều tra. Khi nào có kết quả, Công an tỉnh và Công an TX. Hương Thủy, Văn phòng UBND tỉnh sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Bài, ảnh: Thái Sơn