Chỉ một lúc, lưng áo của những phụ nữ qua ngưỡng 60 đã đẫm ướt. Nhưng trông họ thật vui. “Nhìn những con đường ngổn ngang cây lá mà xót cho Huế quá em à. Sau bão, dọc đường ra chợ, thấy anh em công nhân vất vả lắm mà làm không xuể nữa, nên tụi chị nghĩ mình cũng nên hỗ trợ một phần nào đó, bằng chính sức lực của mình. Thay vì đạp xe thong dong, mỗi người chịu khó xắn tay lên một chút để trả lại phong quang cho thành phố. Đó cũng là một cách tập luyện có ích mà!”.
Mấy ngày sau bão, giữa những màu áo xanh của công nhân cây xanh, công nhân môi trường, màu xanh của lực lượng đoàn viên thanh niên trẻ, cả màu áo vàng gạch của công nhân điện lực là rất nhiều màu áo khác. Đó là những người dân thành phố. Không nói gì nhiều, họ mang đến một sự chung lưng, và ấm lòng vì hành động chia sẻ thiết thực. Đó cũng là cách để vơi bớt đi phần nào nỗi sốt ruột vì những mảng xanh, con đường và cả sự bình yên của Huế bị bão đánh đổ và lấy mất. Những nỗ lực từ các phía đã giúp thành phố gọn gàng dần sau bão. Các khu vực đã bắt đầu sáng điện trở lại. Cây ngổn ngang đã được cắt xén và tập kết ở khu vực khác, hoặc nép lại vào những vị trí cố định, chờ đến lượt xử lý tiếp theo. Lần bão này, thiệt hại về cây xanh của TP. Huế là quá lớn, hơn 10.000 cây. Đó cũng là số lượng không thể giải phóng ngày một, ngày hai được.
Tôi thích cách đặt vấn đề bằng hành động vào cuộc như vậy của những người đã chung lưng, chung tay để làm phong quang thành phố. Đương nhiên, đó là cách thể hiện thực sự có ích và ý nghĩa hơn nhiều khi lên mạng, post hình ảnh, cảm thán về thiệt hại do bão, hay chất vấn điều này điều kia về quy hoạch cây xanh, về giống cây, cách trồng và trách nhiệm của những người có trách nhiệm.
Những điều này, tôi tin sẽ được đặt ra sau khi mọi thiệt hại đã được khắc phục và cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Việc đánh giá lại công tác quản lý và bảo vệ cây xanh trong thời gian qua, từ đó có những phương án phù hợp, loại cây phù hợp đối với khí hậu và cảnh quan của Huế để trồng thay thế; phải lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến từ người dân, những người sống lâu năm ở Huế để chọn được những loại cây chống chịu được với gió bão, những loại cây đặc trưng của xứ Huế… là những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khi đi kiểm tra tại hiện trường ngay sau bão.
“Thương những thân cây ngã trong gió của bão. Thương những người đang miệt mài xử lý, trả lại cho Huế ánh sáng và những cung đường. Cảm ơn! Thương nhiều!” – tôi đã đọc điều đó trên tường facebook của một người trẻ. Nếu ai cũng có sự đồng cảm như bạn ấy hoặc xắn tay vào cuộc như những người dân thành phố trong mấy ngày qua, thì cuộc sống thật dễ thương.
Không chỉ là “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” mà vốn dĩ trong cuộc sống, cây đời vẫn và phải xanh tươi mà...
Minh Hà