Việc dạy nghề trong các trường phổ thông đã có từ rất sớm, nhằm giáo dục kỹ năng sống, phát triển toàn diện, bồi dưỡng năng khiếu và góp phần hướng nghiệp cho học sinh. Theo đó, cùng với chương trình phổ thông, các trường đã triển khai thêm chương trình dạy nghề, với 70 tiết đối với THCS và 105 tiết đối với THPT như: tin học văn phòng, điện dân dụng, nấu ăn, thêu may, làm vườn... Vấn đề cộng thêm điểm nghề cho học sinh cũng được vận dụng tại khoản 3, điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT Ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD & ĐT, về đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Khi thi vào lớp 10, các trường hợp thí sinh có điểm nghề loại giỏi được cộng thêm 1,5 điểm, khá được cộng thêm 1,0 điểm và trung bình được cộng thêm 0,5 điểm.
Theo đại diện Bộ GD & ĐT, chủ trương bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 nhằm đảm bảo mục tiêu chọn được đúng học sinh có khả năng tiếp tục học ở cấp THPT; hạn chế tình trạng nhiều học sinh chạy theo điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế việc học nghề chỉ mang tính hình thức, không thực chất. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, bỏ điểm khuyến khích thi tuyển vào lớp 10 sẽ tạo động lực học tập cho học sinh, các em sẽ nỗ lực học tập hơn, tránh tình trạng ỷ lại vào điểm khuyến khích; qua đó, chất lượng kỳ thi và chất lượng đầu vào của học sinh sẽ tốt hơn…
Thực tế, việc dạy nghề tại không ít trường phổ thông thời gian qua vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên nghề chưa được chuẩn hóa; khi thi thì chỉ có đậu, tối thiếu là trung bình, phần lớn là khá, giỏi… Đây là những tồn tại lớn ảnh hưởng đến mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của việc dạy nghề cho học sinh phổ thông.
Trong cuộc sống hiện đại, phần lớn học sinh chăm chúc cho việc học, kỹ năng sống rất hạn chế. Có em đã 14, 15 tuổi mà không nấu được nồi cơm để ăn. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười như chuyện một sinh viên năm đầu vào đại học, lần đầu xa gia đình thuê trọ, tự nấu ăn; buổi sáng đi học cũng biết găm cơm trước, để trưa về ăn nhưng trưa về dở nồi cơm ra toàn nước, vì chưa bật điện qua chế độ nấu; hay sơ chế thức ăn không đảm bảo, gây ngộ độc cho các bạn cùng phòng… Những chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng rất thiết thực với cuộc sống khi các em rời xa ghế nhà trường và vòng tay cha mẹ.
Dạy nghề trong trường phổ thông không chỉ trang bị cho các em kỹ năng sống mà còn là môi trường để các em bộc lộ tài năng, hướng nghiệp sau này trong xã hội “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay. Bỏ điểm khuyến khích nghề không có nghĩa làm cho các em mất hết động lực học nghề. Điều quan trọng là phải đầu tư cơ sở vật chất, phương pháp dạy để đảm bảo chất lượng. Dù không chọn để thi vào lớp 10 như các môn văn, toán, ngoại ngữ nhưng cũng phải học để đảm bảo chương trình như các môm chính khóa khác; khi đó, việc dạy nghề trong trường phổ thông mới mang lại kết quả như mong muốn.
Đặng Thành