ClockThứ Sáu, 14/07/2023 09:08
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII:

Chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực kinh tế, y tế, cải cách hành chính

TTH.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII, sáng nay (14/7), HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, các nhóm vấn đề chất vấn trên các lĩnh vực về kinh tế, y tế, cải cách hành chính.

Đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnhKỳ họp lần thứ 6 của Hội đồng Nhân dân tỉnh dự kiến thông qua 11 nghị quyết

leftcenterrightdel
Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên chất vấn 

 

08h59

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Phú nêu câu hỏi về tiến độquy hoạch vùng, quy hoạch phân khu. Ông Phú cho biết: Hiện nay, công tác lập các loại quy hoạch (như quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu) với tiến độ còn chậm, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội các địa phương và tỉnh nhà, đặc biệt là trong công tác triển khai các dự án đầu tư công, dự án ngoài ngân sách. Là cơ quan thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trong công tác lập quy hoạch, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng cho biết các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên.

leftcenterrightdel
Đại biểu Hoàng Phú nêu câu hỏi 

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên cho biết, trong những năm gần đây, công tác quy hoạch xây dựng đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

Trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt 2/5 đồ án quy hoạch vùng huyện; 15/15 đồ án quy hoạch chung đô thị; 95/95 quy hoạch chung xã; 60 quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000) và 157 quy hoạch chi tiết. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 62,25%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng 16,5%;

Nhìn chung các đồ án quy hoạch được lập, thẩm định và phê duyệt bảo đảm thủ tục, trong đó đã chú trọng công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các sở ban ngành có liên quan, các hội nghề nghiệp...; xin ý kiến Bộ Xây dựng và trình HĐND tỉnh thông qua theo thẩm quyền trước khi phê duyệt theo quy định.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên trả lời chất vấn 

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao tỉ lệ phủ kín quy hoạch trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu quản lý, kêu gọi đầu tư, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 24/4/2021 về tổ chức lập QH giai đoạn 2021 – 2025 (gồm 131 đồ án và quy chế quản lý với kinh phí khoảng 251,6 tỷ đồng). Ngoài ra, UBND các huyện cũng cần lập 95 đồ án quy hoạch chung (QHC) xã giai đoạn 2021 - 2025 (thay thế QHNTM đã hết thời kỳ thực hiện);

Hiện nay, Sở Xây dựng đang được UBND tỉnh giao tổ chức lập đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, khẩn trương hoàn thành trong năm 2023 để phục vụ đề án TW theo NQ54. Các địa phương, đơn vị đang tổ chức lập đồng thời 120 đồ án quy hoạch đô thị (khu chức năng); 49 đồ án quy hoạch nông thôn (bao gồm Quy hoạch vùng các huyện Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới);

Tổng số quy hoạch đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 169 đồ án (trong đó có 100 đồ án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh). Khối lượng QH phải lập trong giai đoạn hiện nay là rất lớn.

Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, Sở Xây dựng đã tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 09 nhiệm vụ và 10 đồ án quy hoạch.

Ông Viên cũng chỉ ra nhiều tồn tại, vướng mắc với các nguyên nhân như, khối lượng công việc đang triển khai lớn (tăng gấp nhiều lần so với các năm trước đây), trong khi nguồn lực hạn chế (nguồn vốn/con người: thiếu đơn vị tư vấn đủ năng lực; Chủ đầu tư chưa sâu sát; ít đơn vị phản biện...);

Quy định pháp luật chồng chéo (đất đai, đầu tư, môi trường), thiếu ổn định (thường xuyên điều chỉnh), thiếu cụ thể, chưa bắt kịp với nhu cầu phát triển thực tế (ví dụ quy hoạch các loại đất hỗn hợp…);

Quy trình lập quy hoạch kéo dài (bố trí vốn, đấu thầu, lấy ý kiến, phản biện... Riêng thủ tục thông thường 1 QH tối thiểu 6 tháng sau khi rút ngắn); 

Vướng mắc quy hoạch cấp trên (như các đồ án chưa phù hợp hoặc nằm ngoài phạm vi QHC649 nên không tổ chức thẩm định, phê duyệt được).

Để giải quyết vướng mắc, năm 2019, UBTVQH đã có Nghị quyết số 751/UBTVQH (trên cơ sở đó, năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 61)

Đối với các giải pháp, ông Viên cho biết những nội dung về khối lượng công việc. Theo đó, đây là vấn đề khách quan trong giai đoạn phát triển hiện nay khi toàn tỉnh lên thành phố  trực thuộc Trung ương, giải pháp đặt ra là cần rà soát phân nhóm ưu tiên để thực hiện. Trên cơ sở kết quả rà soát, Sở Xây dựng đã tổ chức phân loại, đưa ra 35 đồ án cần ưu tiên thực hiện để phục vụ đề án theo NQ54 và đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 5/6/2023.

Ngoài ra, Sở cũng đã phân nhóm 55 đồ án quy hoạch liên quan triển khai các dự án trọng điểm trong đó phần lớn thuộc theo dõi của các Tổ công tác do CT, PCT UBND tỉnh chỉ đạo (như QHPKXD trung tâm bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; QHPKXD Khu du lịch Ngũ Hồ; QHPK khu đô thị Hương Long; QHC đô thị mới Phú Hồ...); Đồng thời đã thường xuyên theo dõi, báo cáo UBND tỉnh định kỳ 2 tuần/lần để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương.

Liên quan đến vấn đề nguồn lực, ông Viên cho biết, các giải pháp về chủ động nguồn lực, huy động nguồn xã hội hóa. Hiện nay Chính phủ đang giao BXD nghiên cứu để ban hành quy trình về tiếp nhận vốn tài trợ quy hoạch. Sở Xây dựng cũng sẽ tiếp tục có kiến nghị với Bộ trưởng trong kỳ làm việc dự kiến sắp tới.

Lựa chọn tư vấn có năng lực (tăng cường công khai thông tin, mời các tư vấn ngoại tỉnh tham gia); Hạn chế tư vấn năng lực yếu (Sở Xây dựng cũng đã rà soát, tổng hợp danh mục các tư vấn thường xuyên chậm tiến độ, chất lượng kém để báo cáo UBND tỉnh); 

Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý (thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành đến cán bộ quản lý cấp cơ sở, tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ).

Về các vấn đề pháp lý, ông Viên đề xuất Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính Phủ, Quốc Hội chỉ đạo hoàn thiện thể chế pháp luật về QHXD, tháo gỡ chồng chéo với các Pháp luật chuyên ngành, bổ sung các Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, bám sát nhu cầu thực tế. Sở Xây dựng cũng sẽ tiếp tục có kiến nghị với Bộ trưởng trong kỳ làm việc dự kiến ngày 17/3/2023 sắp tới.

Về vấn đề quy trình: Tổ chức triển khai song song nhiều quy trình để rút ngắn thời gian (triển khai song song bước thẩm định dự toán và bố trí vốn và thẩm định, trình phê duyệt KHLCNT để trình UBND tỉnh phê duyệt trong 01 Quyết định; Lấy ý kiến dân cư song song với các ngành và phản biện; Lấy ý kiến Bộ Xây dựng song song với HĐND tỉnh) ...

Tháo gỡ các vướng mắc QH cấp trên (Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Tỉnh chỉ đạo tư vấn QHC đô thị TTH, Viện QHXD và các địa phương rà soát kỹ để khắc phục các tồn tại của QHC 649; Triển khai đồng thời các quy hoạch vùng huyện Phú Vang, Phú Lộc để tạo cơ sở pháp lý cho việc lập QH cấp dưới; Đẩy nhanh các QHPK để làm cơ sở triển khai QHCT và các dự án đầu tư (KDL Lộc Bình, KDL Vinconstec, KDL Hải Dương, Sân golf Vinh Xuân, Khu văn hóa Độn Sầm...).

Thường xuyên theo dõi, giám sát: Sở Xây dựng đã có VB 394/SXD-QHKT ngày 16/02/2023 tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác (bao gồm lãnh đạo các phòng ban chuyên môn) để theo dõi QHXD đang lập toàn tỉnh. Hiện nay, Sở cũng đang triển khai rà soát, báo cáo UBND tỉnh định kỳ 2 tuần/lần để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương.

Đối với các giải pháp khác để nâng cao chất lượng quy hoạch, ông Viên nói về việc tăng cường công khai lấy ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác phản biện.Nâng cao chất lượng khảo sát bản đồ nền địa hình (Sở Xây dựng đã có CV 2315/SXD-QHKT ngày 18/6/2023 yêu cầu các đơn vị lập quy hoạch phải tổ chức thẩm định, nghiệm thu khảo sát trước khi trình thẩm định quy hoạch). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phan Thanh Hải nêu ý kiến về các vấn đề về di tích trong quy hoạch chung đô thị; các thiết chế văn hóa trong đồ án

Ông Nguyễn Đại Viên cho biết, công tác quy hoạch luôn tích hợp đầy đủ các nội dung cần thiết. Đặc biệt lưu ý đến các ý tưởng về di tích như, khu phố cổ để tích hợp vào dồ án quy hoạch chung đô thị.  

Hiện nay, tỉnh đã ban hành nhiều công trình, danh mục, mang tính chất mở do vậy, nếu đảm đảm bảo tiêu chí sẽ bổ sung vào quy hoạch.

Ngoài các công trình kiến trúc mang tính dân dụng, quy hoạch cũng bổ sung các công trình mang tính chất lịch sử. Ngoài ra, cần chú trọng các công trình mang tính dấu ấn từ sau giải phóng.

Trong đồ án quy hoạch phải đảm bảo tất cả các tiêu chí về thiết chế văn hóa. Quá trình thực hiện cần kiểm tra kiểm soát để thực hiện. Riêng thiết chế hội trường quy mô lớn vẫn còn thiếu, đang trong giai đoạn nghiên cứu.

 

09h16

Đại biểu Dương Thị Thu Truyền nêu câu hỏi liên quan đến vấn đề đất đai.

leftcenterrightdel
Đại biểu Dương Thị Thu Truyền 

Bà Truyền cho biết, hiện nay, nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về dữ liệu đất đai, quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ do việc xác định nguồn gốc sử dụng đất mất rất nhiều thời gian.

Một số dự án đang triển khai thực hiện nhưng chưa được giao đất do đó không thể thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân như dự án Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1, Khu nhà ở An Đông, Khu đô thị Phú Mỹ An...

Qua theo dõi, đến ngày 1/6/2023, số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện được là 123,6 tỷ đồng, chỉ đạt 6,7% theo kế hoạch giao; các khoản thu tiền sử dụng đất dự án, thu tiền sử dụng đất 1 lần không thu được, ảnh hưởng đến nguồn thu sử dụng đất của tỉnh.

Đại biểu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, làm rõ những vướng mắc trên. Đồng thời đề xuất những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

09h42

Trả lời vấn đề của đại biểu Dương Thị Thu Truyền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Bá Phúc thông tin về quy trình tiếp cận thông tin dữ liệu đất đai.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Bá Phúc trả lời chất vấn 

Theo đó, nhằm triển khai có hiệu quả công tác kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh nhanh chóng phối hợp giải quyết vướng mắc về thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành trình tự thủ tục thực hiện khai thác, cung cấp dữ liệu địa chính phục vụ công tác kêu gọi dự án đầu tư trên địa bàn.

Đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đã cung cấp dữ liệu đất đai cho 25 dự án, với diện tích 5.121 ha để phục vụ lập dự án kêu gọi đầu tư.

Ông Phúc cho biết, đối với công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đến nay đã thực hiện cho toàn bộ diện tích đất tự nhiên của tỉnh, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, tỷ lệ 1/500 là 2.657 ha, tỷ lệ 1/1000 là 47.108 ha, tỷ lệ 1/2000 là 105.865 ha, tỷ lệ 1/5000 là 2.048 ha, tỷ lệ 1/10000 là 337.032 ha.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hoàn thành Dự án tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) và đưa vào vận hành trên Hệ thống quản lý đất đai VBD.Lis từ ngày 20/5/2023. Còn lại 48% thửa đất chưa được kê khai đăng ký đất đai nên gặp khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Lý do các thửa đất chưa có thông tin thuộc tính: Người được quản lý, sử dụng đất chưa thực hiện kê khai đăng ký do đất có tranh chấp; đất giao trái thẩm quyền; vướng mắc về thừa kế; đất tự khai hoang sau thời điểm được cấp giấy chứng nhận và không phù hợp quy hoạch; đất lâm nghiệp các lâm trường bàn giao lại cho địa phương để giao lại cho dân chưa được đo đạc thực tế; chồng lấn ranh giới giữa người dân với các công ty lâm nghiệp và ban quản lý, đặc biệt là vấn đề quy chủ đối với dải đất lâm nghiệp ven biển. 

Nhằm khắc phục các tồn tại, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện kê khai đăng ký đất đai theo quy định đến từng thửa đất và tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu địa chính, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mỗi thửa đất phải xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng; đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các loại giấy chứng nhận được cấp theo các loại bản đồ không chính quy, chưa kết nối với cơ sở dữ liệu không gian địa chính hiện có.

Triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức đồng loạt, thay vì từng hộ gia đình, cá nhân phải đi làm riêng lẻ khi có nhu cầu như hiện nay. Theo đó, Chi nhánh Văn phòng Đất đai các huyện, thị xã, TP. Huế phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn để thực hiện đo đạc, hướng dẫn kê khai đăng ký, thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dung đất tập trung theo từng thôn, tổ, khu phố.

Vướng mắc liên quan đến thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất đã được lựa chọn nhà đầu tư trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đối với các dự án: Dự án Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1; Khu đô thị Phú Mỹ An và Khu nhà ở An Đông.

Ông Phúc cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã bàn giao cho nhà đầu tư 33,44 ha đất trên tổng 34,71 ha đất để thực hiện dự án (khoảng 95% quy mô dự án). Hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản hoàn thành. Đối với công trình trên đất đã hoàn thiện khu dịch vụ 4 và xây thô hoàn thiện mặt ngoài 675/916 căn nhà thấp tầng theo quy hoạch được duyệt.

Tính từ ngày 1/7/2014 đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 226 Giấy chứng nhận với tổng diện tích 28.327,1m2, mục đích sử dụng: đất ở. Nhà đầu tư đã thực hiện chuyển nhượng cho người dân 98/226 nhà  đã được cấp giấy chứng nhận và đã bán 226 nhà ở hình thành trong tương lai cho người dân. Còn lại khoảng 700 nhà ở và đất ở phân lô theo quy hoạch chi tiết chưa cấp giấy chứng nhận.

Đối với Dự án Khu ở căn hộ cao cấp, biệt thự đa chức năng, dịch vụ, thương mại tại khu đất ký hiệu TM2, OTM2, OTM4 và BT thuộc Khu A-đô thị mới An Vân Dương (Dự án Khu đô thị Phú Mỹ An):   

Đến nay, đã bàn giao cho nhà đầu tư 163.273 m2 đất trên tổng 164.143 m2 đất để thực hiện dự án (khoảng 99% quy mô dự án). Cụ thể diện tích đất các đợt bàn giao gồm phần đất nằm trong phạm vi dự án và một phần đất ngoài phạm vi dự án là 165.098,6 m2.

Đối với hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật đã triển khai đầu tư đạt khoảng 96%. Đối với công trình trên đất đã hoàn thiện 7 căn nhà hàng tại khu dịch vụ thương mại ký hiệu H và xây thô hoàn thiện mặt ngoài hơn 140 căn nhà thấp tầng theo quy hoạch được duyệt.

Liên quan đến thu tiền sử dụng đất, ông Phúc cho hay, số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện tính đến ngày 30/6/2023 là 134,6 tỷ đồng, đạt 7,23 % kế hoạch UBND tỉnh giao.

Nói về nguyên nhân số tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, một số quỹ đất phân lô trong kế hoạch thu tiền sử dụng đất có vị trí không thuận lợi, diện tích mỗi lô cũng tương đối lớn, mặc dù đã thông báo đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá như Khu biệt thự Quốc lộ 1A - Tự Đức (48 lô), Khu Bàu Vá giai đoạn 2 (05 lô).

Nêu các giải pháp, đề xuất để tăng thu tiền sử dụng đất, ông Lê Bá Phúc cho hay, thời gian tới, tiếp tục bám sát và thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp theo Kế hoạch thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2023 được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 24/02/2023;

Tiếp tục thông báo và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất phân lô tại các khu quy hoạch; đồng thời đôn đốc thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá đối với quỹ đất mới tiếp nhận và quỹ đất đấu giá thực hiện dự án. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh phương án giá đối với các khu đất đã thông báo 3 lần nhưng không có người tham gia đấu giá...

10h08

Trước những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đại biểu Nguyễn Văn Thạnh thông tin, tính đến cuối tháng 5/2023, CTMTQG giảm nghèo bền vững mới giải ngân đạt tỷ lệ 9,78%; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vốn năm 2022 giải ngân đến 5/2023, đạt 24,93% kế hoạch; vốn năm 2023 vốn đầu tư phát triển chỉ mới đang lập thủ tục để đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; vốn sự nghiệp giải ngân đạt mới giải ngân được 6,65%.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh 

Đại biểu Thạnh đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp thời gian tới như thế nào để giải ngân nguồn vốn, đảm hiệu quả của các chương trình, góp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

10h09

Đại diện UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui thông tin về tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2023  của 2 CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui trả lời chất vấn 

Đối với vốn đầu tư phát triển (ĐTPT), đánh giá tình hình thực hiện và nguyên nhân ông Vui cho biết, vốn ĐTPT kéo dài từ năm 2022 giải ngân khả quan, đạt tỷ lệ giải ngân khá cao so với toàn quốc; riêng vốn năm 2023 giải ngân thấp hơn do nhiều nguyên nhân:

- Vốn ĐTPT năm 2023 ưu tiên tiếp tục bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp từ năm 2022 để hoàn thành (các dự án chuyển tiếp này phải giải ngân từ vốn kéo dài từ năm 2022 xong mới tiếp tục giải ngân vốn thuộc KH 2023 vì vậy tỷ lệ giải ngân vốn KH 2023 thấp).

- Đối với các dự án khởi công mới khâu chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định và phê duyệt dự án chậm nên một số dự án chưa đủ điều kiện để giao kế hoạch chi tiết ), cụ thể : CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 46.537 triệu đồng (chiếm 38,6% KH); CTMTQG giảm nghèo bền vững: 106.683 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 69% KH).

Đối với vốn sự nghiệp, nguyên nhân khách quan đến từ việc các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chậm ban hành. Một số văn bản của các Bộ, ngành được ban hành mới (thay thế văn bản cũ) hoặc đang trong thời gian sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu văn bản để tổ chức thực hiện. Văn bản ban hành sửa đổi, bổ sung khác với quy định văn bản cũ.

Ngoài ra, việc thiếu chủ động nghiên cứu văn bản, tổ chức triển khai các văn bản của cơ quan chủ chương trình, chủ dự án, chủ tiểu dự án; một số sở ngành chưa khẩn trương trong việc tham mưu cụ thể hóa các văn bản của Trung ương để thực hiện tại địa phương; một số các định mức, quy định đến tháng 6 mới ban hành; một số địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đối với một số dự án, tiểu dự án đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn đã tạo ra những rào cản lớn.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, ông Vui cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng ban hành hoặc đề xuất Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh ban hành hệ thống văn bản quy định thống nhất, đồng bộ đối với quản lý, tổ chức thực hiện CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.

Khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện CTMTQG theo đúng quy định; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn; đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao (bao gồm cả dự toán năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đến 31/12/2023 và dự toán năm 2023) trong năm 2023.

Chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể; cam kết giải ngân; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình tại các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đã được giao trong năm 2023. Trong đó, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, ngành lĩnh vực và trong tổ chức triển khai các chương trình năm 2023.

Tiến hành rà soát để điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời cho những dự án thực hiện giải ngân tốt từ các dự án phải dừng thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương hoặc khả năng giải ngân kém trong năm 2023.

10h15

Đối với nội dung  về giải ngân kế hoạch vốn của 2 CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,  đại biểu Trần Gia Công quan tâm đến các mô hình giảm nghèo và vấn đề việc làm cho các hộ nghèo. Đại biểu đề nghị, điều chỉnh đối tượng, mức hỗ trợ để đảm bảo quá trình giải ngân.

Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh đánh giá cao câu trả lời của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, song, ông Thạnh muốn chuyển câu hỏi này đến Ban Dân tôc và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Hiện nay, việc triển khai các tiểu dự án còn chậm và nhiều khó khăn, ông Thạnh cho rằng cần các giải pháp quyết quyết liệt hơn, đặc biệt là̀ các dự án ở miền núi, do vậy, đại biểu đề nghị Ban Dân tộc có những giải pháp căn cơ hơn.

10h21

Liên quan đến quá trình triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Xuân Trăng giải trình, cho biết, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ người dân. Song, thực tế tỉ lệ giải ngân vẫn rất thấp.

leftcenterrightdel
 Trưởng ban Dân tộc  tỉnh Hồ Xuân Trăng

Về nguyên nhân, ông Trăng cho rằng, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, bộ, ngành còn chậm, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn các tiểu dự án. Nội dung hỗ trợ các tiểu dự án cho đồng bào dân tộc vẫn chưa hoàn thiện.

Các văn bản chưa ban hành, dừng thực hiện, đang sửa đổi bổ sung mâu thuẫn với các văn bản cũ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đối với nguyên nhân chủ quan, ông Trăng cho rằng, cán bộ còn lúng túng trong việc triển khai các chương trình. Việc cán bộ luân chuyển không nắm được vấn đề; chưa khẩn trương tham mưu sau khi các văn bản Trung ương ban hành.

Một số địa phương chưa quyết liệt  việc triển khai dù đã hoàn thiện  tất cả các hồ sơ.

 

 

10h46

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng làm rõ thêm việc chậm triển khai các dự án, đồng thời cho rằng đây là vấn đề chung của toàn quốc. Ông Phúc cũng đồng tình với các nguyên nhân được lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư và Ban Dân tộc tỉnh đã nêu rõ.

Liên quan đến các đối tượng thụ hưởng, ông Phúc cho biết, ngành đang tổ chức công tác đấu thầu để thay đổi, bổ sung các đối tượng của các chương trình.

10h50

Đại biểu Hoàng Phú chất vấn "tư lệnh" ngành Y tế: Thời gian qua, rất nhiều người dân ở địa phương các huyện phản ánh chất lượng khám chữa bệnh tại các trung tâm y tế rất thấp, thiếu niềm tin của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân (riêng Trung tâm y tế huyện Phú Vang và  thị xã Hương Trà có chất lượng và dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn các trung tâm khác). Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trung tâm y tế tuyến huyện trong thời gian đến.

10h55

Trả lời nội dung trên, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, hơn 3 năm vừa qua, các trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố đã tích cực thực hiên nhiêm vụ kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hôi”. Hiên nay, các cơ sở y tế đang tâp trung trở lại nhiệm vụ khám chữa bệnh, nâng cao năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật, phát triển chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện ngày một tốt hơn.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo  

Tuy nhiên, một số địa phương được người dân phản ánh “chất lượng khám chữa bệnh tại trung tâm y tế rất thấp, thiếu niềm tin của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”. Để khắc phục vấn đề trên, Sở Y tế tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ y tế: Thường xuyên mở các khóa đào tạo chuyên môn, kỹ thuật ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ y tế; cập nhật kiến thức.

Thực hiện đào tạo liên thông với Trường ĐH Y Dược Huế, từ trình độ y sĩ lên bác sĩ đa khoa nhằm nâng cao chất lượng cán bộ y tế cơ sở hiện nay.

Phối hợp với Trường ĐH Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức đào tạo chính quy theo các chuyên ngành, kết hợp đào tạo tại chỗ bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu của mỗi đơn vị; đáp ứng công tác chẩn đoán và điều trị mà tại TTYT còn thiếu.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền giáo dục cán bộ y tế thực hiện tốt về y đức; công tác chăm sóc người bệnh chu đáo, tận tình để tăng niềm tin và sự đồng cảm chia sẽ khó khăn hiện nay của các đơn vị y tế với người bệnh, người nhà bệnh nhân.

- Đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật mới, các kỹ thuật trong phạm vi từng tuyến đã được phê duyệt, đáp ứng kịp thời nhu cầu người bệnh, đặc biệt các trường hợp cấp cứu; giữa các các bộ phận, các khoa phòng phối hợp triển khai.

- Đáp ứng đầy đủ cung ứng thuốc, vật tư y tế để chủ động phục vụ cho công tác KBCB qua công tác lập kế hoạch và tổ chức mua sắm, đấu thầu theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị của cán bộ lãnh đạo/quản lý; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế.

11h06

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu  đánh giá, các chủ đề chất vấn sát, nóng, phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị các tư lệnh ngành, UBND tỉnh triển khai, thực hiện tốt những vấn đề đã trả lời cho các đại biểu hội đồng. 

Các đại biểu hội đồng cũng cần có kế hoạch giám sát các ý kiến trả lời của các tư lệnh ngành.

NHÓM PV-BTV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết (NQ) của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản
BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, HĐND TỈNH KHÓA VIII:
Nỗ lực, quyết tâm cao để về đích thắng lợi

Ngày 8/12, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp lần thứ 7 của HĐND tỉnh khóa VIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và diễn ra phiên bế mạc.

Nỗ lực, quyết tâm cao để về đích thắng lợi

TIN MỚI

Return to top