ClockThứ Sáu, 13/05/2022 05:30

Chinh phục thị trường nội địa

TTH - Trong nền kinh tế hàng hóa hiện nay, thị trường là chìa khóa để phát triển sản xuất bền vững.

Trong nền kinh tế hàng hóa hiện nay, thị trường là chìa khóa để phát triển sản xuất bền vững. Bên cạnh xuất khẩu, thị trường nội địa chiếm một tỷ trọng không nhỏ, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", giai đoạn 2021-2025 là một đề án lớn của Chính phủ nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng ứng.

Hiện nay, nước ta đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), với nhiều ưu đãi về thuế quan. Điều này đồng nghĩa, hàng hóa Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường giàu tiềm năng như EU, Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, các nước này cũng dựng nhiều rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, như tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ nguồn gốc, chứng chỉ vùng trồng… Họ còn dùng để cả công cụ pháp luật như áp thuế bán phá giá với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, giá thành hạ. Thực tế đã có nhiều mặt hàng của nước ta bị kiện và bị áp thuế cao từ vài chục đến vài trăm phần trăm, như cá da trơn và mới đây nhất là mật ong nuôi.

Nhắc lại điều này để thấy, xuất khẩu hàng hóa là một kênh quan trọng nhưng cũng chịu không ít khó khăn, rủi ro, nhất là khi gặp biến động lớn. Thực tế thời gian vừa qua, tình trạng xe tải, xe container chở nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu phía bắc khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, khiến giá nông sản trong nước lao dốc, ùn ứ, người nông dân lao đao. Đó là hệ lụy của chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thiếu bền vững, lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, chưa chú trọng đầu tư phục vụ thị trường nội địa. Điều này cũng xảy ra với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu khác khi đại dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu.

Hoặc các biện pháp trừng phạt mới đây của EU, Mỹ, Nhật… đối với Nga khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khiến nhiều loại hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang thì chủ động sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu nội địa góp phần ổn định kinh tế, xã hội của quốc gia.

Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa đã thể hiện rõ là “trụ đỡ” quan trọng cho duy trì và khôi phục sản xuất. Nhiều doanh nghiệp lâu nay chủ yếu xuất khẩu đã “bẻ lái” quay về phục vụ thị trường nội địa, như sản phẩm dệt may, thủy sản (cá basa), trái cây chế biến sâu… Chỉ cần dạo một vòng các siêu thị lớn ở Huế sẽ thấy rõ điều này, khi hàng Việt chiếm khoảng 80% trên kệ.

Với thị trường trên 100 triệu dân, thu nhập đầu người ngày càng tăng, sức mua sắm ngày càng lớn, Việt Nam được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng, hấp dẫn. Vì vậy, tuy có nhiều lợi thế nhưng các doanh nghiệp Việt phải thực sự chăm chút cho các thượng đế nội, nếu không sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Khi đó không chỉ bản thân doanh nghiệp bị thua thiệt mà còn tác động đến nền sản xuất trong nước mà trực tiếp là người nông dân.

Với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay, thói quen sử dụng hàng Việt ngày càng nâng cao, tâm lý chuộng hàng ngoại cũng giảm dần. Tuy nhiên, để chinh phục thị trường nội địa, cần có sự đầu tư bài bản, dài hơi để các “thượng đế” không chỉ quan tâm “ưu tiên”, mà còn có thể “tự hào” hàng Việt.

Để làm được điều này, bên cạnh tăng cường các chính sách khích lệ, hỗ trợ tổ chức sản xuất phù hợp của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần chăm chút không chỉ về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn cả mẫu mã, bao bì đẹp không thua kém hàng xuất khẩu. Đồng thời, liên kết, đầu tư xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp từ chợ truyền thống lẫn các siêu thị hiện đại để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận mua sắm, sử dụng.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin, hiện tỉnh có trên 6.000 DN đang hoạt động. Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử như TikTok, Sendo, Tiki, Lazada và Shopee... tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số
Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường
Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản
Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

Trong bức tranh sáng của du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, du lịch Huế góp thêm những gam màu sáng về tăng trưởng mạnh lượng khách quốc tế và mở rộng các thị trường khách nước ngoài.

Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

TIN MỚI

Return to top