Vùng đất Huế là nơi có truyền thống văn hiến lâu đời, nơi đây đã hội tụ và sinh thành nhiều tài năng phục vụ quá trình phát triển đất nước qua nhiều triều đại, cùng với đó là nhiều công trình văn hóa như Quốc Sử Quán, Quốc Tử Giám, Văn Thánh, Võ Thánh, Thái Y Viện…
|
Trường THPT chuyên Quốc Học Huế là biểu tượng của truyền thống giáo dục lâu đời, nơi ươm mầm cho những thế hệ tài năng, những người con ưu tú góp phần xây dựng đất nước |
Vùng đất hội tụ nhân tài
Ngày nay, đội ngũ tri thức ở Huế phát triển mạnh, xếp thứ 3 toàn quốc, với 250 Giáo sư, Phó Giáo sư, 24 Giáo sư danh dự, gần 600 Tiến sĩ, 3.000 Thạc sĩ; 200 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 42 nghệ sĩ được nhà nước phong tặng (trong đó có 4 Nghệ sĩ Nhân dân, 38 Nghệ sĩ Ưu tú), 22 nghệ nhân (4 Nghệ nhân Nhân dân, 18 Nghệ nhân Ưu tú)… và nhiều văn nghệ sĩ đã đạt các giải thưởng lớn của quốc gia và quốc tế.
TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, đây là nơi bồi dưỡng và sinh ra nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, nhiều nhạc sĩ tài ba, nhiều nhà hoạt động chính trị kiệt xuất… đã đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng đất nước. Có thể kể đến những tên tuổi lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Đức Anh… Các nhà hoạt động khoa học như Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Khánh Toàn, Ngụy Như Kon Tum, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Trần Thanh Vân…
Theo ông Dũng, qua thực hiện chính sách đối với trí thức, trọng dụng người tài đã thể hiện tỉnh luôn hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Và thực tế, các trí thức đã đóng góp ở nhiều lĩnh vực quan trọng như giáo dục đào tạo, chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân, công nghệ thông tin, nông lâm ngư nghiệp, văn hóa, bảo tồn di sản…
Nhận thấy vai trò quan trọng của tri thức, chính quyền cũng đã ban hành các quy định về chế độ đào tạo, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm trong khu vực công. “Nhờ thế đội ngũ trí thức ở Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển biến tích cực về cả số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, công nghệ thông tin, nông lâm ngư nghiệp, văn hóa nghệ thuật…”, ông Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như nhận thức về vai trò đội ngũ trí thức của các cấp chuyển biến chưa ngang tầm. Các quy trình về thu hút, trọng dụng nhân tài mới mang tính nguyên tắc chưa thể hiện rõ cách thức bố trí công việc, môi trường làm việc, vì vậy khó triển khai. Một số khâu về tiêu chí tuyển dụng, hình thức chọn lựa thi tuyển còn chưa phù hợp, các khoản kinh phí tiền lương thiếu cải tiến, vẫn phải thực hiện đúng quy định như công chức, viên chức.
Công tác đào tạo người tài có vai trò rất quan trọng
Trước thực trạng đó, ông Dũng đề nghị cần nghiên cứu để thể chế hóa các chủ trương của Nhà nước thành những chính sách và văn bản hướng dẫn cụ thể. Đối với Thừa Thiên Huế, hiện nay đang xây dựng 4 trung tâm lớn: Trung tâm Văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước; Trung tâm Giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Khoa học – công nghệ. Vì vậy, đây là những vấn đề cần phải tập trung và có các hướng dẫn cụ thể và rõ ràng liên quan đến đội ngũ trí thức. Ở một số lĩnh vực quan trọng, cần thiết cần có cơ chế tuyển chọn và tăng số lượng biên chế cho các đơn vị công lập có những công việc đặc thù và nơi sử dụng trí thức trình độ cao, nhằm thu hút người giỏi đến.
Trong khi đó, bàn về công tác đào tạo người tài, theo TS. Nguyễn Đức Cương (Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế), Đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững cần phải có nhiều người tài. Nhưng chỉ có người tài thì chưa đủ, bởi “có tài mà không có đức cũng vô dụng”. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia, trong đó chú ý đến đào tạo người tài cần phải gắn liền với giáo dục phẩm chất đạo đức.
|
Đội ngũ nhân sĩ, trí thức Huế trong một buổi gặp cuối năm do UBND tỉnh tổ chức |
TS. Cương cho rằng, tài và đức cùng tồn tại tạo nên nhân cách một con người hoàn thiện. Bởi họ có khả năng góp phần vào phát triển xã hội và nhân loại. Tuy nhiên, chỉ có tài năng mà thiếu phẩm chất đạo đức, người đó sẽ không đạt được thành công thực sự và có thể trở nên vô ích trong xã hội. Một người có đức mà thiếu tài sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc và thể hiện bản thân.
Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, ông Cương nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt quan hệ đức - tài và tài - đức trong một thể thống nhất hữu cơ không tách rời. Càng coi đức là gốc thì càng phải coi trọng tài. Tài là cơ sở, nền tảng cho đức một cách thực chất, là đạo đức hành động trong đời sống, chứ không phải đơn thuần tu tâm dưỡng tính cho mình mà xa lánh cuộc sống, không giúp ích cho đời.
N. MINH