Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: danvan.vn
Các buổi tiệc được tổ chức ở nhà hàng sang trọng, trên du thuyền 5 sao đẳng cấp nhất vịnh Hạ long. Không nói về thực đơn buổi tiệc, số tiền phải chi ra mà chỉ cần nêu 2 địa điểm đó cho thấy mức độ “chịu chơi” và “chi khủng” đến mức độ nào.
Dù được cho là không dùng tiền ngân sách, nhưng mức độ xa hoa như vậy không phù hợp với điều kiện chung trong khi Nhà nước và người dân phải chịu tổn thất, khó khăn sau 2 năm dịch bệnh, trong đó có cán bộ ngành y.
Hiện tượng như trên không phải là chuyện hiếm, đơn lẻ của vài cá nhân mà đã từng xảy ra ở nhiều nơi, ở nhiều quan chức. Cách đây vài năm, một vị lãnh đạo tầm thường vụ tỉnh ủy ở một tỉnh phía nam đã tổ chức tiệc cưới cho con, mời hàng ngàn người và hàng trăm quan chức địa phương tham dự, lễ tiệc lu bu trong 3 ngày.
Ở trường hợp khác, lời khai của Nguyễn Văn Dương trong vụ án đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng ở Phú Thọ đã từng chi cho tướng Phan Văn Vĩnh những bữa tiệc, tiếp khách tại nhà hàng sang trọng với hàng ngàn USD, uống những chai rượu ngoại đến cả trăm triệu. Những kiểu xa hoa đó lan sang cả những đại gia “lắm tiền, nhiều của” muốn thể hiện đẳng cấp hơn người trong tiệc tùng, đám cưới… mà báo chí, dư luận xã hội từng lên án.
Thói khoe khoang, hình thức, muốn thể hiện đẳng cấp hơn người đã làm cho quan chức có những việc làm khác người, thể hiện đẳng cấp “chịu chơi”. Chẳng thế mà có những chủ doanh nghiệp nhà nước, giám đốc cơ quan mới lên chức chưa bao lâu đã tìm cách lên đời ô tô sang, tậu biệt thự... Mục đích không gì khác là đánh bóng tên tuổi, thể hiện "chịu chơi, chịu chi". Đây có thể xem là tật xấu dễ mắc phải của một số quan chức bởi tính khoe khoang, phô trương, lãng phí quá mức. Suy cho cùng đó cúng là căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân. Từ lợi dụng quyền lực cho đến tìm cách kiếm được những khoản khủng cho mục đích riêng là bước rất ngắn dẫn đến tham nhũng, bòn rút của Nhà nước, tập thể. Bởi vì người ta không bao giờ dùng đồng tiền cá nhân để “vãi thóc đãi gà rừng”, mức lương có cao đến mấy cũng không thể “chi” ra những khoản lớn như vậy. Dù có thanh minh, giải trình nguồn kinh phí cho là “hợp pháp” đi chăng nữa thì cũng không thể che giấu được thực chất của nguồn tiền bất chính.
Người dân bên ngoài nhìn vào chẳng ai khen ngợi, ngược lại là cái cớ để dè bỉu về đức liêm chính của “người đầy tớ”, mỉa mai tư cách “mẫu nghi thiên hạ”... Người dân có quyền suy diễn từ một vài quan chức đến đánh đồng tất cả hàng ngũ lãnh đạo, niềm tin của Đảng suy giảm từ những hiện tượng như vậy.
Dù đây chỉ là những trường hợp cá biệt, không phải là số nhiều hay là hiện tượng phổ biến nhưng phô trương hình thức tốn kém là việc không đáng làm, không nên làm và không được làm đối với mỗi người cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12), Chỉ thị 05 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021, Quy định trách nhiệm nêu gương… đã nêu rõ những nội dung, yêu cầu và quy định đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp phải chấp hành. Chức vụ càng cao càng phải biết giữ mình trước hiện tượng không lành mạnh, không phù hợp đạo đức xã hội, đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc. Hơn nữa những điều cấm của Đảng, quy chế ứng xử công vụ không cho phép xa hoa, lãng phí dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, không chỉ đối với đảng viên mà còn yêu cầu phải được chấp hành từ trong mỗi gia đình cán bộ. Sống tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí để nêu gương cho quần chúng noi theo, hướng tới đời sống văn hóa lành mạnh, văn minh trong xã hội. Chống được căn bệnh này là một trong những giải pháp để phòng, chống tham nhũng và ngược lại hạn chế tham nhũng cũng là cơ sở chống bệnh lãng phí, xa hoa hiệu quả hơn. Qua đó, đưa ra cho chúng ta một giải pháp chống tham nhũng đó là có thể được phanh phui từ những vụ việc xa hoa, lãng phí của quan chức.
NGUYỄN AN HÒA