ClockThứ Ba, 05/04/2022 09:52

Chủ động thích ứng với thời tiết cực đoan

Đợt mưa lụt diễn ra đầu tháng 3 âm lịch đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đã được dự báo từ trước và có sự chủ động ứng phó của ngành nông nghiệp, bà con nông dân nhưng với sự diễn biến thời tiết trái quy luật này, sự “bất khả kháng” đã xảy ra.

Để có những vụ mùa cố định như đông xuân, hè thu, vụ xuân, vụ đông… nhà nông phải trải qua hàng trăm năm kinh nghiệm dựa theo quy luật của thời tiết, thời gian và đặc điểm sinh trưởng của cây trồng, nhằm “thuận thiên”, đảm bảo năng suất và sản lượng. Chẳng hạn vụ đông xuân, thường sau tiết đông chí, khi trời đã giảm mưa, chất đất ấm lên… thì xuống vụ; qua tháng giêng, tháng hai, lúa sinh trưởng làm đòng, đến khoảng cuối tháng ba âm lịch thì thu hoạch trong điều kiện thời tiết nắng ráo… Tương tự, xong vụ đông xuân, nông dân khẩn trương xuống vụ hè thu để kịp thu hoạch trước khi mùa mưa lũ đến.

Đợt mưa lũ bất thường này, với tổng lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi lên tới trên 750mm, gây ngập úng trong thời điểm khi hàng ngàn ha lúa đang làm đòng. Nếu để nước ngâm lâu ngày, đòng lúa sẽ thối, nguy cơ mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra. Một cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp lâu năm cho biết, bây giờ cần phải tập trung việc tiêu úng để cứu diện tích lúa đang làm đòng; nếu không sẽ còn lại là những cây lúa chét (lúa tái sinh), năng suất không cao và khả năng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lịch thời vụ hè thu…

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 22 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, nguy cơ mất trắng nếu không được đấu úng kịp thời. Trong những ngày qua, chính quyền các địa phương, hợp tác xã, người dân, quân đội, công an đã tích cực ra đồng để gia cố đê bao ngăn lũ, khơi thông dòng chảy, đấu úng… nhằm hạn chế phần nào thiệt hại. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Công điện 298/CĐ-TTg yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý Nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ…

Cùng với tinh thần đó, ngành nông nghiệp và các hợp tác xã cần chủ động dự phòng một lượng giống lúa nói riêng và các giống cây trồng khác phù hợp nói chung để thay thế; không chỉ cho vụ này mà kể cả vụ hè thu sắp tới, nếu nhiều diện tích lúa đông xuân không phục hồi được, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, cũng như đảm bảo khung lịch thời vụ cho vụ tới.

Đó là những giải pháp trước mắt, về lâu dài cần có những biện pháp căn cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt như nắng nóng, mưa lớn bất thường, trái quy luật. Đó là đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao hoàn chỉnh đảm bảo cho việc ngăn lũ, tiêu úng kịp thời; phát triển những giống lúa, cây trồng phù hợp chịu đựng được kiểu thời tiết bất thường… nhằm góp phần đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

ĐẶNG THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

TIN MỚI

Return to top