|
|
Ông Chu Huy Mân và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đón Bác Hồ về thăm đơn vị. Ảnh: Tư liệu |
Vào Đảng năm 17 tuổi
Ông tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 16 tuổi, Chu Văn Điều đã bắt đầu tham gia cách mạng. Đến năm 1930, ông tham gia phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, gia nhập Đội Tự vệ Đỏ, một trong đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1930, Chu Văn Điều được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuổi đời còn trẻ nhưng có năng lực và uy tín nên ông đã được bầu làm Bí thư Chi bộ xã, rồi Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Năm 24 tuổi, ông bị bắt và bị đày đi biệt xứ. Đầu năm 1943, ông vượt ngục về Điện Bàn (Quảng Nam) bán lạc rang tìm cách bắt liên lạc với cơ sở. Khi bắt được liên lạc với Đảng, ông làm Ban Vận động Việt Minh tỉnh Quảng Nam và Tỉnh ủy Quảng Nam. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, Chu Huy Mân được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Đến cuối năm 1945, ông được Đảng điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; chính trị viên Mặt trận đường 9 Đông Hà - Xa Vẳn Na Khệt. Năm 1946, ông được điều ra làm Trưởng ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc. Tháng 5/1951, ông giữ chức Phó Chính ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316. Ngày 13/3/1954, ông làm Chính ủy Đại đoàn 316, chỉ huy bộ đội đánh các trận: đồi C1; C2, đồi A1, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tham gia trận đánh cuối cùng bắt tướng Đờ Cát, góp phần lập công vào “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.
Đánh Mỹ tài ba
Từ năm 1954 đến năm 1960, ông được 2 lần Đảng giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào; được Đảng, quân đội, Nhân dân các bộ tộc Lào trìu mến đặt cho tên "Tướng Thao Chăn". Trong 2 năm 1958 đến năm 1959, ông lần lượt giữ các chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Năm 1961 trở lại làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Quân khu 4, năm 1962 được Quân đội cử đi học tại Học viện Phowrunde (Liên Xô).
Cuối năm 1963, Chu Huy Mân được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống lại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Năm 1964, được Bộ Chính trị và Bác Hồ tin tưởng giao làm Chính ủy Quân khu, Bí thư Khu ủy Liên khu 5, ông đã góp công lớn vào các chiến thắng: Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường. Ngày 7/5/1965, sư đoàn lính thủy số 3 của Mỹ đổ bộ lên vây ráp xã Kỳ Liên thuộc tỉnh Quảng Nam. Chu Huy Mân đã chỉ huy chuyển đánh ngụy sang đánh Mỹ, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai.
Tháng 9/1965, sau chiến thắng Chu Lai, Chu Huy Mân đã có một quyết định táo bạo: Không mở chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên mà chuyển sang mở chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng. Là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên, Chu Huy Mân lãnh đạo và chỉ huy tài tình, táo bạo. Chiến dịch Plâyme, quân đội ta đã tiêu diệt gọn 305 lính Mỹ, buộc quân Mỹ phải thừa nhận: “Một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh”. Năm 1974, với tài giỏi chỉ huy và có nhiều sáng kiến, đa tài, đức độ, Chu Huy Mân được thăng quân hàm vượt cấp, từ Thiếu tướng lên Thượng tướng. Trong chiến dịch năm 1975, Chu Huy Mân là Chính ủy giải phóng Đà Nẵng và một số đảo.
Bí danh “Hai Mạnh”
Có lần, Bác Hồ đang trao đổi công việc ở chiến trường, biết Chu Huy Mân đang gánh vác cả hai nhiệm vụ (chỉ huy quân kiêm công tác chính trị), Bác Hồ đã động viên: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Từ đó, Bộ đội Tây Nguyên thường gọi bí danh “ Hai Mạnh” là Tướng Chu Huy Mân.
Năm 1980, Chu Huy Mân được phong quân hàm Đại tướng. Tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV, Chu Huy Mân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977 - 1986), phụ trách công tác giúp cách mạng Lào, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1980). Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa: II,VI,VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986) là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam các khóa II, IV,V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV và V…
Ngày 1/7/2006, Đại tướng Chu Huy Mân trút hơi thở cuối, hưởng thọ 93 tuổi. Với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, chiến đấu, hy sinh trọn đời cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, Đại tướng Chu Huy Mân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (1930- 2006). Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu Xô viết Nghệ Tĩnh; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều phần thưởng cao quý khác.