ClockThứ Năm, 01/10/2020 15:19

Có một nhà báo Tố Hữu

TTH.VN - Trước hết, Tố Hữu là nhà cách mạng, một chính trị gia. Điều này đã được khẳng định trong rất nhiều công trình . Với tôi, ông còn có một tư cách khác, vị trí khác, tuy không nổi trội như thi ca nhưng vẫn lấp lánh tỏa rạng, đó là sự nghiệp hoạt động báo chí của Tố Hữu.

Tăng cường công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIGiới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố HữuDự kiến tổ chức 3 đợt tiếp nhận lưu học sinh Lào trở lại nhập họcGặp lại “Em Hòa” trong bài thơ “chuyện em Hòa” của nhà thơ Tố Hữu

Các bạn trẻ tại phòng trưng bày những hình ảnh liên quan đến cuộc đời hoạt động của nhà thơ Tố Hữu 

Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020), người con ưu tú của làng Phù Lai trải mình bên dòng sông Bồ ngầu đỏ phù sa “tốt cà”, quê hương Quảng Điền yêu dấu“Ai người làm thơ. Ai người đánh giặc”của tỉnh Thừa Thiên Huế; qua các nguồn tư liệu, thêm lần nữa, chúng tôi xin khắc họa lại chân dung nhà báo Tố Hữu.

Tố Hữu đến với báo chí từ năm 1936. Ban đầu, Tố Hữu làm thơ gửi đăng báo. Giữa năm 1937, sau khi gặp được đồng chí Phan Đăng Lưu, lúc bấy giờ là Ủy viên Trung ương Đảng, trực tiếp làm Chủ bút báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ, Tố Hữu đã có cơ hội bắt tay vào làm báo – làm biên tập thực thụ. 

Nhớ về giai đoạn tham gia làm báo Dân năm 1938 ở Huế, Tố Hữu viết: “Sau mấy số đầu, anh Lưu cảm thấy hơi khô nên khó vào lớp trí thức, học sinh. Một hôm anh hỏi tôi:

- Cậu biết làm thơ không?

Tôi đáp:

- Niêm luật Đường thi, ca dao lục bát, thì tôi nắm được, nhưng không biết làm thơ có hay không.

- Vậy thì tốt rồi.

- Anh Lưu nói – báo ta hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà là do đế quốc phong kiến bóc lột, và do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được mỗi số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó dân thích đọc báo ta hơn. Nhưng phải chú ý: Thơ phải chân thật, xúc động lòng người, dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng...

Tôi nói: Nếu viết những cái đó thì tôi viết được.

Như vậy, anh Phan Đăng Lưu chính là người thầy đầu tiên hướng tôi vào dòng thơ cách mạng”.[1]

Bài thơ đầu tiên của Tố Hữu viết đăng trên báo Dân là bài Mồ côi[2]. Theo Tố Hữu, “vì đó là thân phận của tôi. Cha đi xa chẳng tin tức gì, mẹ mất khi tôi còn nhỏ”. Tiếp đó là các bài Vú emTiếng hát Hương Giang… Bằng những bài thơ như vậy, Tố Hữu trở thành một “cây” thơ của báo Dân. Và nhờ tác phẩm đăng trên báo chí cách mạng cổ vũ tinh thần trong thanh niên, và có thể do những bài thơ được đăng trên báo Dân, báo Thế giới của Đoàn Thanh niên dân chủ ở Hà Nội lúc bấy giờ, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương… Nhưng vì sự “nổi dậy” đòi quyền dân sinh, dân chủ trên công luận nên mới được 17 số, lấy cớ vi phạm “đăng tin không thật” báo Dân bị chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa. Một số thành viên Ban biên tập báo Dân bị bắt tù đày. Tố Hữu tiếp tục viết bài gửi cho các báo khác ở Hà Nội theo đường hướng của báo Dân.

Tháng 4/1939, Tố Hữu bị Pháp bắt, lúc đầu chúng giam ở Thừa Phủ, sau đày Lao Bảo, trải qua nhà tù Qui Nhơn, lên Buôn Ma Thuột, rồi chuyển ngục Đắk Lây, vùng núi cao quanh năm mây phủ của Kon Tum. Ở nhà ngục Đắk Lây, việc ra tờ báo được Lê Văn Hiến viết trong Trở lại Kon Tum như sau: “Trong trại, chúng tôi ra hai tờ báo; một tờ do anh em ở phòng dưỡng bệnh xây dựng lấy tên là La-za-rê và một tờ lấy tên Chàng Làng... Ngày Tết anh em ra tạp chí Mùa Xuân. Tòa soạn gồm có những anh em như Hà Thế Hạnh, Lê Nhu, Đoàn Bá Từ, Nguyễn Trọng Vĩnh, về sau có thêm đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ... Các tờ báo phản ánh khá trung thực sinh hoạt của trại và đã góp một phần quan trọng vào việc giáo dục, giải trí cho anh em”.

Tháng 3/1942, Tố Hữu cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục Đắk Lây. Sau gần cả tháng trời, hai người mới về tới Đà Nẵng. Để đảm bảo an toàn, từ đây, hai người chia tay, Tố Hữu đi theo một hướng, Huỳnh Ngọc Huệ theo một hướng khác (nhưng không may, Huỳnh Ngọc Huệ bị sốt nặng, phải vào bệnh viện nên bị bọn mật thám nhận ra và bắt lại), Tố Hữu trở về bắt liên lạc, gây dựng cơ sở ở Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, rồi ra hoạt động ở Thanh Hóa, được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách tuyên truyền và tổ chức. Với kinh nghiệm thực tiễn làm báo trong đấu tranh, trong ngục tù, tuyên truyền cách mạng, Tố Hữu chủ trương và cho ra báo Đuổi giặc nước, tiếng nói của cơ quan Việt Minh tỉnh Thanh Hóa. Năm đó, Tố Hữu mới 22 tuổi.

Khuôn viên nhà lưu niệm Tố Hữu ở Quảng Thọ, Quảng Điền 

Báo Đuổi giặc nước do Tố Hữu làm Tổng biên tập thật ra chỉ có hai người: Tố Hữu vừa viết xã luận, giải thích đường lối chính sách, vừa viết tin về phong trào hoạt động. Lại có cả thơ ca hò vè, tranh vẽ. Nhớ lại một cách chi tiết về việc làm báo Đuổi giặc nước ở Thanh Hóa, Tố Hữu viết: “Báo ra bốn trang, mỗi tháng một kỳ. Thế mà cũng vất vả vì in trên đá, phải đi lùng tìm các mặt đá cẩm thạch bằng phẳng và mài thật nhẵn, tìm mua mực in và giấy ở thị xã Thanh Hóa và tập viết chữ ngược. Lúc đầu chưa quen nên viết rất chậm, sau quen dần. Ngoài ra còn anh Sơn, một đồng chí trẻ với chiếc rulô (con lăn) để đặt tờ giấy in lên đá. Báo ra được 5 số thì có động. Bọn mật thám và quan lại thấy có báo Việt Minh liền lục sục ngày đêm, nên chúng tôi càng phải hết sức giữ bí mật chỗ ở và đường đi lại của mình. Những số báo đầu tiên được in ở nhà đồng chí Sổ, tại làng Thượng, huyện Nga Sơn. Nhà anh có hai cô em gái làm liên lạc, rất tận tụy và khôn khéo, đi phát các số báo đến nhiều cơ sở. Sau đó bị lùng riết, chúng tôi phải chạy sang huyện Hậu Lộc. Trong Tỉnh ủy có hai đồng chí Điệt và Trinh vốn là người địa phương rất thông thuộc địa bàn, nên xây dựng cơ sở khá nhanh. Một hôm hai anh em về Hậu Lộc gặp hai người cắt tóc tên là Sồ và Hậu ở chợ, lân la làm quen, nói là đi buôn tre luồng mà ở đây rất cần cho nghề đánh cá. Hai anh thợ đưa hai đồng chí về nhà có hai ông bà già, xin ở trọ một thời gian để làm ăn. Anh Điệt đưa tôi về ở đây, sau này quen gọi là nhà mẹ Tơm ở làng Hanh Cù sát ngay bờ biển, giữa vùng đồi cát trắng hoang vắng chỉ có cây phi lao lơ thơ, rất tiện cho việc đi về. Vào nhà mẹ Tơm, Điệt tự xưng mình là Hiền, còn tôi là Lành. Cái tên Lành ấy tôi giữ mãi đến ngày nay. Về đây, chúng tôi mang cả gạo và ít tiền, cả nhà cùng ăn vui vẻ, nên ông bà cũng mau thấy thân tình. Thế là nhà mẹ Tơm thành cơ quan Tỉnh ủy. Chúng tôi lại mang đá và giấy mực về tiếp tục ra báo Đuổi giặc nước. Lúc này anh Sồ và anh Hậu đã bắt đầu giác ngộ cách mạng, được phân công mang báo ra chợ phát cho các đối tượng đã có mối liên lạc.…”[3].

Cũng theo Tố Hữu, báo Đuổi giặc nước có khuôn khổ nhỏ, chỉ có bốn trang nhưng cũng giải thích được chủ trương của Đảng, lúc này quen gọi là Việt Minh. Các bài báo đã nêu rõ tình hình trong nước và thế giới, chỉ ra những mục tiêu cấp bách hàng ngày là đấu tranh chống áp bức và bóc lột của bọn quan lại và cường hào ở nông thôn. Trên hết, quan trọng nhất là đánh đuổi giặc Nhật, giặc Pháp, tiểu trừ bọn Việt gian, giành cho được độc lập tự do cho dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân.

Báo Đuổi giặc nước nhanh chóng đưa tin lan truyền khắp vùng trong tỉnh Thanh Hóa, nâng cao niềm tin của nhân dân và thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc; đồng thời chỉ rõ bọn phát xít cùng bọn phản động Pháp và bọn Việt gian phong kiến ngày càng thi hành chính sách bóc lột và đàn áp khốc liệt đối với nhân dân Việt Nam.

Trước tình hình cách mạng trong nước và thế giới ngày càng khẩn trương, Tố Hữu được triệu tập dự hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng. Sau đó, các đồng chí họp cả ba tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Hòa Bình, lập thành một chiến khu, gọi là Hòa Ninh Thanh. Sau nữa gọi là chiến khu Quang Trung để giữ bí mật. Tố Hữu lại tổ chức ra báo Khởi nghĩa để động viên phong trào. Tờ báo của chiến khu Quang Trung do Tố Hữu chủ biên giống như tờ báo Đuổi giặc nướccủa Việt Minh Thanh Hóa. Báo ra được 7 số và phát đi cả ba tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình và Hòa Bình, phát về các làng xã, nên phong trào quần chúng càng sôi động. Ở đâu cũng tổ chức đội tự vệ, tập luyện quân sự ráo riết, sẵn sàng đời lệnh khởi nghĩa.

Giữa năm 1945, từ chiến khu Quang Trung, Tố Hữu trở về Thanh Hóa, bàn kế hoạch khởi nghĩa, đề nghị Tỉnh ủy cử người thay ông làm Bí thư, rồi vào Vinh, ở lại một tháng, lập tỉnh bộ Việt Minh, giúp các đồng chí ở đây ra báo Kháng địch. Sau đó, khẩn trương đi vào các tỉnh phía trong để trở về Huế, rồi được cử làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên, phát động quần chúng đứng lên lật đổ ngai vàng quân chủ nhà Nguyễn, giành chính quyền về tay nhân dân, lúc đó nhà báo Tố Hữu mới 25 tuổi.

Thời gian công tác ở Huế, Tố Hữu tham gia Bộ Biên tập tạp chí Đại Chúng, Cơ quan Văn hóa Trung Bộ và có thơ in ở tạp chí này.[4]

Giữa năm 1946, khi đang làm Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, Tố Hữu được Trung ương gọi ra Hà Nội, giao nhiệm vụ phụ trách công tác văn hóa và thanh niên; đến cuối năm Tố Hữu lại được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.Từ giữa năm 1947 đến năm 1950, Tố Hữu được Trung ương giao phụ trách công tác tuyên truyền và văn nghệ.

Cuối năm 1947, sau một thời gian chuẩn bị, với tư cách là Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Tố Hữu tổ chức xuất bản báo Văn nghệ và trực tiếp làm Thư ký tòa soạn (như Tổng biên tập ngày nay), Chủ nhiệm là nhà văn Đặng Thai Mai.

Văn nghệ (tiền thân của báo Văn Nghệ) là Cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam. Lúc đầu, xuất bản ở Việt Bắc, mỗi tháng một kỳ, có khi hai tháng một kỳ. Số 1 ra tháng 3/1948,ngay sau chiến thắng Sông Lô. Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn nghệ đã xuất bản được 56 ấn phẩm. Sau chuyển về Hà Nội,tháng 11/1954, xuất bản lại, đánh tiếp số 57, từ đó mỗi tháng hai kỳ, rồi 10 ngày một kỳ. Đến tháng 6/1957, ra bộ mới, đánh số lại, từ số 1, ra hàng tháng[5]

Những tác phẩm văn thơ, nhạc họa kiệt xuất viết về cuộc kháng chiến chống Pháp còn lại đến ngày nay đều được công bố lần đầu tiên trên Văn nghệVăn nghệ do nhà báo Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn, nhận được sự cộng tác tích cực của một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Vũ Cao, Chính Hữu, Đỗ Nhuận… Sau năm 1950, nhà báo Tố Hữu được Đảng phân công nhiệm vụ mới, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thay ông đảm nhận chân Thư ký tòa soạn Văn nghệ.

Tháng 2 / 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp ở Chiêm Hóa, Thái Nguyên, Tố Hữu được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngay sau đó, nhà báo Tố Hữu được Trung ương phân công tổ chức, xuất bản và trực tiếp làm Tổng Biên tập báo Nhân dân[6]. Số 1 ra ngày 11/3/1951. Báo Nhân dân là Cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam – Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc đầu xuất bản hàng tuần, sau nâng dần lên 5 ngày, 3 ngày, 2 ngày, rồi ra hàng ngày. Đối với báo Nhân dân, Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng thường xuyên quan tâm viết bài cộng tác, theo dõi từng số báo để nắm bắt tình hình tư tưởng cũng như xây dựng phương thức chỉ đạo các địa phương thông qua diễn đàn của báo Nhân dân.

Từ giữa năm 1951, nhà báo Trần Huy Quang thay Tố Hữu làm Tổng biên tập báo Nhân dân. Tố Hữu chuyển sang chuyên trách công tác tư tưởng của Đảng. Từ đó cho đến lúc rời ghế quan trường, Tố Hữu không trực tiếp cầm quân tờ báo nào nữa. Nhưng trên nhiều cương vị công tác, ngoài chuyện làm thơ, viết chính luận, Tố Hữu vẫn thường xuyêncộng tác với các tờ báo lớn. Những năm sau 1980, Tố Hữu đương nhiệm Ủy viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông vẫn tiếp tục viết nhiều bài báo.

 Với quê hương Thừa Thiên Huế, cũng như đồng bào ở ba tỉnh Bình - Trị - Thiên, nhà báo Tố Hữu luôn có nhiều trăn trở, suy tư. Mỗi lần có dịp về quê, ông thường tìm cách gặp gỡcác giới văn nghệ sĩ và báo chí để trao đổi, hàm huyên, khích lệ, cùng tìm lối đi thích hợp cho từng địa phương cụ thể. Nhưng điều lớn hơn là sự kỳ vọng, mong mỏi ở đội ngũ cầm búttỉnh nhà cần phải dũng cảm dấn thân đi trước thời cuộc, phát huy truyền thống báo chí của vùng đất văn hiến và cách mạng, tích cực “phát hiện cái mới, tìm ra nhân tố mới từ cuộc sống”. Để rồi, đi đến tận cùng củacuộc đời CON NGƯỜI cũng chỉ cốt để được hiến dâng cho nhân dân, cho dân tộc.

Chưa kể hết những tờ báo mà Tố Hữu tham gia Ban biên tập hay gửi bài cộng tác, cũng đã có trên bốn tờ báo, trong đó có hai tờ giữ vị trí hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước ta do nhà báo Tố Hữu trực tiếp làm Chủ bút – Tổng Biên tập ngay từ buổi sơ khai. Ngày nay, nếu có dịp đọc lại những tác phẩm đăng trên hai tờ báo này (Báo Văn nghệ và Báo Nhân dân) người đọc sẽ hiểu thêm về bản lĩnh, tài năngtổ chức và phong cách làm báo của Tố Hữu. Là người làm báo hiện nay, tôi nghĩ, chỉ chừng ấy thôi cũng đã quá đủchất liệu để khái quát nên khuôn mặt rất riêng về sự nghiệp báo chí cách mạng của nhà báo, nhà thơ Tố Hữu.                                                            


[1]. Tố Hữu, Nhớ lại một thời, hồi ký, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.23 và 24.

[2]. Đăng trên số 10 báo Dân ra ngày 6/9/1938.

[3].Tố Hữu, Nhớ lại một thời, hồi ký, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 90 - 92.

[4]. Đó là bài thơ tứ tuyệt có tựa đề Hôm nay mà chúng tôi vừa tìm thấy.

[5]. Tô Huy Rứa (chủ biên), Thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 561-562.

[6]. Tô Huy Rứa (chủ biên), Thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 311

Bài: Dương Phước Thu; Ảnh: Quỳnh Anh

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà lưu niệm Tố Hữu đón văn bia bài thơ Việt Bắc

Ngày 1/10, huyện Quảng Điền cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ khánh thành văn bia khắc bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu bằng iếng Việt và Tày, tại Công viên văn hóa và Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền).

Nhà lưu niệm Tố Hữu đón văn bia bài thơ Việt Bắc
55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA BÁC HỒ (9/1969 - 9/2024)
Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Năm 2024, tròn 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Đây là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu

Ngay từ đầu năm 1945, khi cách mạng Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi, chiến tranh Thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, nhà thơ đã tiên đoán vận hội mới cho dân tộc Việt Nam sẽ được mở ra qua bài thơ Xuân đến...

Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu

TIN MỚI

Return to top