Ông Nguyễn Văn Hòa (cu Theo) năm 2020 (68 tuổi). Ảnh: VH
Một chiều nắng tháng Sáu, theo đoàn làm phim “Tố Hữu – Người đi giữa thời gian”, chúng tôi về nhà ông Nguyễn Văn Hoà ở giữa một khu vườn rất rộng, mướt xanh tại địa chỉ 104 Phùng Quán, phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ, với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Ông chính là nhân vật cu Theo trong bài thơ "Chuyện em Hòa" của Tố Hữu mà trong sách giáo khoa cấp I một thời và nhiều thế hệ thuộc nằm lòng.
Mặc dù sức khoẻ có phần giảm sút sau nhiều lần đột quỵ, nhưng tinh thần ông vẫn rất minh mẫn, khí chất của chàng dũng sĩ diệt Mỹ năm nào vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt. Gặp chúng tôi, bao ký ức, kỷ niệm của ông về nhà thơ Tố Hữu lại ùa về như vừa mới diễn ra hôm qua.
Ông Hoà bồi hồi nhớ lại: Cha ông tập kết ra Bắc khi ông mới 1 tuổi, để lại mấy mẹ con ở quê, bị địch dồn vô ấp chiến lược nên từ nhỏ đã quen mùi thuốc súng. Lớn lên, 12 tuổi, “cu Theo” đã làm đội trưởng Đội thiếu niên của xã, thường đi vận động người dân không theo địch và tham gia đội du kích... Liên tiếp trong hai năm 1966 và 1967, ông lập công lớn và được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ". Đến năm 1968, “cu Theo” cùng ba thiếu niên khác vinh dự được chọn vượt Trường Sơn ra Bắc thăm Bác Hồ.
Trong lần đầu tiên cùng Đội Thiếu niên Tiền phong vào Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã hỏi về nguyện vọng từng cháu. Bác tặng “cu Theo” ba cuốn sách với một vốc kẹo, rồi ân cần hỏi han: "Giờ cu Theo có nguyện vọng chi không? Có muốn ở lại Hà Nội học tập không?". Lúc ấy, nghe Bác hỏi, “cu Theo” rất xúc động, nhưng vẫn lễ phép trả lời là muốn gặp cha. Bác lại hỏi: "Cha cháu tên gì, công tác ở đâu?". Cậu trả lời: "Thưa Bác, cha của cháu tên Nguyễn Văn Cục, đi tập kết ra Bắc từ lúc cháu chỉ mới 1 tuổi nhưng nay vẫn chưa nhận tin tức gì ạ...". Sau buổi ăn cơm tối hôm đó, Bác Hồ gọi nhà thơ Tố Hữu, lúc ấy là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đến và giao nhiệm vụ "tìm cha cho cu Theo". Nhà thơ Tố Hữu dẫn ông về nhà mình và lấy cảm hứng viết nên bài thơ "Chuyện em Hòa..." theo thể lục bát, dài 112 câu, gồm nhiều chi tiết rất cụ thể, về hoàn cảnh gia đình, thành tích chiến đấu và cả ước nguyện được gặp cha:
"Tên em là Nguyễn Văn Hòa
Mẹ em thường gọi em là Cu Theo
Cha đi tập kết, nhà nghèo
Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con
Chị thì hái củi trên non
Em thì mưa nắng bãi cồn chăn trâu
Đêm nằm hỏi mẹ: Cha đâu?
Mẹ rằng: Mau lớn, năm sau cha về".
…
"Sớm hôm củ sắn, củ khoai
Khi đi trinh sát, khi gài mìn chông
Khi ra xung trận giữa đồng
Khi lăn dưới lửa thoát vòng giặc vây
Súng này càng đánh càng hay
Một tay em chấp mười tay quân thù"...
Và thật bất ngờ, sau 10 ngày bài thơ được đăng trên Báo Nhân Dân, Tố Hữu nhận được bức điện báo tin: Cha của cu Theo đang công tác tại một cơ quan của Huyện ủy Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Cục ngay sau đó được ra Thủ đô Hà Nội gặp con trai: "Mười mấy năm xa cách, gặp lại nhau, hai cha con ôm nhau khóc nức nở. Sau đó tui liền đến cảm ơn Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu đã giúp đỡ cho hai cha con có ngày đoàn viên".
Theo ông Hoà, bài thơ “Tìm bố” ấy quả vô cùng kỳ diệu và đặc biệt đối với cuộc đời mình, ông bùi ngùi nhớ lại: “Tui cứ nghĩ qua một bài thơ thì chắc không tìm được bố đâu, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, một điều mà ngay cả trong mơ tui cũng không dám nghĩ lại có thể tìm được bố mình qua bài thơ của nhà thơ Tố Hữu”. “Vì xa cha khi còn nhỏ nên khi ngồi đối diện, cha con chẳng nhận ra nhau. Rồi phải hơn 1 giờ hỏi qua đáp lại về gia đình, quê hương, cả hai mới ôm nhau khóc nức nở”.
Tập thơ “Chuyện em Hòa” – Kỷ vật quý giá mà ông Nguyễn Văn Hòa đã gìn giữ gần nửa thế kỷ. Ảnh: VH
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoà cầm trên tay tập thơ “Chuyện em Hoà” được nhà thơ Tố Hữu tặng. Đối với ông, đó là kỷ vật vô giá mà ông luôn nâng niu, gìn giữ một cách trân trọng nhất, như lời kể của bà Chất (vợ của ông Hoà): “Năm 1999, trận lụt lịch sử ở Huế, dù có thất lạc hay mất mát mọi thứ nhưng phải giữ cho được tập thơ này”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, tập thơ “Chuyện em Hoà” còn gần như khá nguyên vẹn, trên trang bìa vẫn còn bút tích của nhà thơ Tố Hữu: “Tặng cháu Hoà (cu Theo) thân yêu. Chú Tố Hữu. Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, năm 1973”. Khi được ngỏ ý tặng lại quyển thơ này để phục vụ trưng bày, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, không cần đắn đo suy nghĩ, ông Hoà liền vui vẻ trả lời “Tặng cho Bảo tàng luôn”.
Có thể nói, đây là việc làm hết sức ý nghĩa, nghĩa cử cao đẹp của ông Hoà để góp phần vào công tác thu thập, lưu giữ, tuyên truyền những kỷ vật về nhà thơ Tố Hữu.
Cầm trên tay tập thơ “Chuyện em Hoà”, chúng tôi - những cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế hứa với ông sẽ luôn nâng niu, trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị của tập thơ trong việc giáo dục cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, du khách gần xa, nhất là thế hệ trẻ không chỉ hiểu rõ hơn về nhà thơ Tố Hữu - một con người giản dị, ấm áp, tình cảm và tài năng, mà còn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển quê hương, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Lê Thị Mai An
(Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế)