Chưa có căn cứ nào mà chỉ trong vòng chưa đầy một tháng “vinh dự” được Tổng thống, Tổng Tư lệnh Quân đội Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu hai lần bay đến tận tiền đồn khích lệ tinh thần binh sĩ như ở Cốc Bai!
|
|
Xây dựng căn cứ O’Reilly - Cốc Bai. Ảnh: Tư liệu |
Đó là cuối mùa khô (sau khi căn cứ 935/Ripcord do Quân đội Mỹ trấn giữ bị thất thủ) và đầu mùa mưa khi căn cứ Cốc Bai/O’Reilly đang bị uy hiếp, bao vây... năm 1970!
Vậy Cốc Bai đóng vai trò trọng yếu như thế nào mà nhận được sự quan tâm “đặc biệt” đến vậy?
Nhằm đánh phá hậu cứ và ngăn chặn Quân giải phóng tiếp cận đồng bằng Thừa Thiên Huế, giữa năm 1968, Quân đội Mỹ đã cho thiết lập hàng chục căn cứ quân sự lớn nhỏ nằm ở phía đông thung lũng A Shaw - A Lưới.
Riêng ở phía bắc Phong Điền, tính từ tây sang đông có 3 căn cứ hỏa lực trọng yếu hỗ trợ cho nhau, đó là: Ripcord/ 935 - O’Reilly Cốc Bai - Barbasa /Ngành Ngạnh.
Sau khi Lữ đoàn 3 Sư đoàn Dù 101 Mỹ tháo chạy khỏi căn cứ 935/Ripcord; O’Reilly trở thành tiền đồn án ngữ phía tây của Phong Điền và Triệu Hải (Quảng Trị). Căn cứ tọa lạc trên đồi cao 542m này được Mỹ chuyển giao cho Quân đội Sài Gòn năm 1969 trong tiến trình thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh và mang tên Cốc Bai.
Qua cách phối trí lực lượng của đối phương, Quân giải phóng không dễ gì “nhổ” được căn cứ này.
Rút kinh nghiệm trận vây ép căn cứ 935/ Ripcord, trên đà thắng lợi, Quân khu Trị Thiên quyết định mở chiến dịch Cốc Bai và tiếp tục giao cho Sư đoàn 324 (lúc đó mang tên Đoàn Ngự Bình) thực hiện.
Lực lượng tham chiến của Sư đoàn 324 gồm có các tiểu đoàn: 7,8,9 của Trung đoàn 3 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn I. Về hỏa lực có Tiểu đoàn 54 súng cao xạ 12,7 ly và các đại đội hỏa lực cối 120 ly, DKZ.
Quân khu Trị Thiên tăng cường cho Sư đoàn 324 Tiểu đoàn 7B Đặc công và Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 6 - Đoàn 6 Phong - Quảng.
Chiến dịch Cốc Bai đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Sư đoàn phó 324 Mai Hiền.
|
|
Một đơn vị của Trung đoàn 54/ Sư đoàn I BB Quân đội Sài Gòn hành quân. Ảnh: Tư liệu |
Thực hiện phương châm “vây điểm, diệt viện, lấy mục tiêu diệt địch đóng dã ngoại là chính” theo phân công, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn I làm nhiệm vụ tấn công nghi binh vào đồi 316 (căn cứ Gladiator) ở hướng đông nam. Tiểu đoàn 8/3 tấn công ở hướng bắc và chặn đánh quân chi viện từ Quảng Trị. Mặt trận chính giao cho các đơn vị còn lại.
Theo đó, Tiểu đoàn 9/3 và Tiểu đoàn 1/6 đảm nhiệm ở hướng đông.Tiểu đoàn 7/3 và Tiểu đoàn 7B Đặc công đảm nhiệm hướng tây.
Sau khi điều nghiên thực địa và quy luật hoạt động của đối phương, các đơn vị Quân giải phóng chủ động tiếp cận mục tiêu. Đúng 4 giờ chiều ngày 6/8/1970, chiến dịch mở màn bằng cuộc tập kích vào Cốc Bai trong vòng nửa tiếng.
Binh sĩ đồn trú ở căn cứ Cốc Bai đang tắm bất ngờ “dính” cối. Cuộc pháo kích của Quân giải phóng không chỉ làm nhiều binh sĩ của Tiểu đoàn 3/54 Sư đoàn I BB Quân đội Sài Gòn (mới được điều đến) thương vong mà còn làm 4 khẩu pháo 105 ly và một số công sự bị phá hủy.
Bị tấn công phủ đầu, Sở chỉ huy Trung đoàn I phát tín hiệu cầu cứu. Từ các cao điểm: 367, 700 và căn cứ Gladiator, Rakkasan, pháo Mỹ cấp tập dội về các cánh rừng quanh căn cứ Cốc Bai xuyên đêm.
Trong khi đó, tại đồi 316, Tiểu đoàn 3/I chỉ đánh nghi binh vào căn cứ Gladiator.
E ngại nếu đối đầu trực tiếp với đối phương sẽ dẫn đến tổn thất sinh mạng nên 2 tiểu đoàn đóng ở căn cứ Gladiator và Rakkasan nằm im, chỉ yểm trợ pháo binh buộc Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn I Phạm Văn Phú, theo yêu cầu của Đại tá Nguyễn Văn Điềm (đầu 1975 là Tư lệnh cuối cùng của Sư đoàn I BB) đã phải điều thêm Trung đoàn 54 tham gia giải nguy, chủ yếu là hai hướng đông, tây căn cứ Cốc Bai - nơi mà Quân giải phóng đã bày binh bố trận đón đợi.
Riêng Tiểu đoàn 1/6, ngày 12/8 đã đẩy lùi 6 đợt phản kích ở Cốc Pe Lai.
Lịch sử Sư đoàn 324 ghi nhận:
Ngày 13 tháng 8 kẻ địch buộc phải tung vào hai tiểu đoàn cuối cùng. Toàn bộ Trung đoàn 1 ngụy cùng với Tiểu đoàn 3 ngụy thuộc Trung đoàn 54 hiện đóng ở Cốc Bai.
Ngoài tăng viện quân, máy bay B52 của địch ném bom rải thảm Cốc Muộn, Xa Kut và một số khu vực khác chúng nghi ngờ có quân ta đang hoạt động. Mỗi ngày kẻ địch bắn hơn 1.000 quả đạn pháo vào phía tây khu vực Cốc Bai.
Trong tình hình biến chuyển, sư đoàn đã đưa ra một số hướng dẫn quan trọng: Tăng cường củng cố, xây dựng thêm hầm hào và củng cố tất cả những vị trí bao vây phong tỏa; tiếp tục sử dụng hỏa lực tấn công vào các căn cứ của địch; sử dụng linh hoạt các chiến thuật để chiến đấu với quân địch trên chiến trường, kết hợp tập kích nhanh với các chiến thuật để gây thương vong và làm tiêu hao sinh lực địch; sẵn sàng cơ động nhanh chóng để chiến đấu với kẻ địch ở những khu vực thích hợp; cương quyết đánh bại mọi nỗ lực của kẻ địch đổ bộ quân lính xuống bằng máy bay; bắn rơi và làm hư hỏng càng nhiều máy bay địch càng tốt.
Thi hành mệnh lệnh, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hòa Bình và Chính trị viên Lê Văn Dánh các đơn vị của Trung đoàn 3 đã phối hợp với Tiểu đoàn 7B Đặc công (do Trần Văn Toàn chỉ huy), Tiểu đoàn 1/6 (do Nguyễn Bán chỉ huy) đẩy lùi nhiều đợt phản kích của Quân đội Sài Gòn.
Nhiều trận giao tranh diễn ra xung quanh các cao điểm: Cóc Pe Lai, Cốc Tôn Phát, 797, 665.
Riêng ở Cóc Pe Lai, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tăng Văn Phả (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam), đơn vị ông có ngày đẩy lùi 6 trận phản kích của đối phương.
Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Chủ nhiệm Công binh Trung đoàn 3 kể lại, ngày 15/8, từ phía đông, Quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân hướng về cao điểm 665- nơi mà Đại đội 17 Công binh được phân công trấn giữ.
Phát hiện địch từ dãy đồi Yên Ngựa, ông và Đại đội trưởng Nguyễn Đình Thụ hội ý và đi đến quyết định: chờ địch đến gần mới nổ súng; đồng thời dự kiến đường mà địch sẽ đi qua rồi cho anh em bí mật gài mìn ĐH10. Đúng như dự kiến, khi đối phương sa vào trận địa, chúng tôi điểm hỏa. Số đi sau tháo chạy, bị quân ta bắn truy kích, đối phương thương vong khá nhiều.
Phối hợp với bộ binh, Đại đội 3/54 cao xạ 12,7 ly đã bắn rơi 16 máy bay trực thăng ở quanh khu vực 665, 797.
Ở các hướng còn lại, sau khi đánh nghi binh, buộc đối phương phải co cụm, Tiểu đoàn 3/3 mở cuộc tấn công vào căn cứ Gladiator (do Tiểu đoàn 1/501 Lữ đoàn 3 Sư đoàn 101 Dù Mỹ trấn giữ) làm nhiều binh sĩ Mỹ thương vong; đồng thời bắn rơi 4 máy bay trực thăng.
Ngoài ra, trong đêm 17/8, Quân giải phóng tấn công vào căn cứ Barnett (do Tiểu đoàn 2/502 Lữ đoàn 3 Sư đoàn 101 Dù Mỹ đồn trú sau khi tham gia chiến dịch Operation Chicago Peak - Chiến dịch đỉnh Chicago) làm cho hơn 70 binh sĩ thương vong; lo sợ sẽ bị bao vây tiêu diệt như ở 935/Ripcorp, Tư lệnh Sư đoàn 101 Dù Mỹ tướng Haneessey đã cho lệnh rút khỏi căn cứ Barnett.
Tờ The New York Times ngày 18/8/1970 nhận định:
Cuộc tấn công vào Barnett và giao tranh quanh căn cứ O’Reilly dường như chỉ ra rằng các lực lượng Bắc Việt đang tìm cách mở các tuyến đường vào các vùng ven biển đông dân cư ở phía đông và phá hỏng chương trình bình định của Chính phủ.
Do biết khá rõ mục tiêu của Quân giải phóng nên được sự yểm trợ tối đa của pháo binh và không quân của Mỹ, Quân đội Sài Gòn đã quyết bảo vệ Cốc Bai bằng mọi giá.
Đến ngày 19/8, Tiểu đoàn 7/3 tập kích Cô Pung và bắn rơi 5 máy bay trực thăng.
Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn I đồn trú ở đây bị tổn thất nặng nề nên đành phải lui về Phú Bài củng cố.
Giai đoạn I của chiến dịch Cốc Bai đến đây tạm ngưng.
(còn nữa)
Kỳ 2: Quyết giữ vòng vây