ClockChủ Nhật, 30/12/2018 06:57

Cuộc chiến chống tham nhũng: Phương thuốc nào trị căn bệnh “ghẻ ruồi”?

Căn bệnh “ghẻ ruồi” chỉ thuyên giảm khi có một đội ngũ cán bộ công quyền thực sự là “đầy tớ của dân” cũng như việc người dân coi đấu tranh với nạn “tham nhũng vặt” không còn là chuyện vặt…

Sâu sát cơ sở, kịp thời phản ánh những vấn đề nội cộmLuận về tham nhũng vặt

Trong nhiều cuộc họp, Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều nhắc đến “tham nhũng vặt” và coi nó như căn bệnh “ghẻ ruồi”. Không phải đến bây giờ, mà cách đây vài năm, trong lần tiếp xúc cử tri ở quận Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng, không chỉ có tham nhũng lớn, mà “tham nhũng vặt” như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu”, đồng thời chỉ đạo, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Thời gian vừa qua, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận của toàn xã hội, chúng ta đã đưa được nhiều vụ án tham nhũng lớn, tạo được niềm tin trong nhân dân, đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được đưa ra xét xử.

“Tham nhũng vặt” như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, nạn “tham nhũng vặt” lại đang hoành hành, như bệnh “ghẻ ruồi” gây ngứa ngáy khó chịu, làm cho người dân mất lòng tin. “Tham nhũng vặt” diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trong các cơ quan công quyền, biến tướng dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý.

Đó là tình trạng đi đâu, làm gì đều phải có phong bì, lót tay. Người viết bài này đã từng sinh con trong một bệnh viện công. Sau khi sản phụ “mẹ tròn con vuông”, ai ai cũng yên tâm nghĩ rằng sẽ được chăm sóc chu đáo trước khi xuất viện. Nhưng thực tế không phải vậy. Gần như bất cứ việc gì, dù nhỏ nhất như vệ sinh cho sản phụ, tắm cho em bé, thay băng vết mổ… đều phải “lót tay” cho nhân viên, hộ lý, nếu không thì thái độ và hành động của người “đầy tớ nhân dân” sẽ khác hẳn.

“Tham nhũng vặt” còn là hiện tượng phổ biến mà báo chí trong thời gian qua đã phản ánh là “chạy trường, chạy lớp” cho con, nhất là những trẻ bắt đầu bước vào đầu cấp và khi đã có “cung” thì ắt có “cầu”.

Rồi tình trạng gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, làm gì muốn nhanh, muốn được việc cũng phải có phong bì, lót tay, bôi trơn…

Vì sao “tham nhũng vặt” lại đang phổ biến và dần trở thành chuyện bình thường, hiển nhiên trong xã hội?

Nguyên nhân quan trọng là do suy nghĩ lệch lạc của nhiều người dân cũng như đội ngũ “đầy tớ của dân” trong các cơ quan công quyền. Người “xin” thì có tâm lý muốn làm cho nhanh, muốn được việc mình và tìm mọi cách để đạt được mục đích, trong đó có việc phong bì, biếu xén cho người thực thi công vụ.

Cùng với đó là tâm lý ngại va chạm của nhiều người. Khi thấy có việc bất bình ở cơ quan công quyền, thì thường coi đó là chuyện nhỏ, chuyện vặt hoặc ảnh hưởng ít đến bản thân, nên tặc lưỡi cho qua. Hoặc nếu có bức xúc, thì cũng ít khi có đủ dũng khí để lên tiếng hoặc đấu tranh, bởi “chuyện nhỏ chắc gì đã ai giải quyết. Mà chờ được vạ, má sưng”.

Còn nếu một ai đó dám lên tiếng, dám đấu tranh với nạn “tham nhũng vặt” thì lại bị số đông coi là khác thường, dị biệt, vì chuyện nhỏ, chuyện vặt không nên “xăm soi” làm gì.

Còn với nhiều người được giao nhiệm vụ “đầy tớ của dân”, đã quá quen với tâm lý của người “xin” và dần dần chấp nhận chuyện phong bì, biếu xét, cắt lại… là một việc bình thường, lâu lâu trở thành nghĩa vụ của người “xin”. Ai muốn nhanh, không phải xếp hàng thì chuyện lo lót, phong bì là đương nhiên.

Thủ tục hành chính còn khá rườm rà cũng là môi trường thuận lợi để nạn “tham nhũng vặt” phát triển. Nhiều khi đi làm một thủ tục, người dân phải qua nhiều bước, nhiều tầng, nhiều nấc và đi cùng với đó là những hành động lo lót, “bôi trơn” để công việc được xử lý nhanh chóng, suôn sẻ.

Không phải tự nhiên mà người dân lại có tâm lý phong bì, bôi trơn nếu không có sự nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền của những người làm trong bộ máy công quyền. Và thật khó có thể hạn chế được nạn “tham nhũng vặt” khi cơ chế “xin-cho” vẫn còn tồn tại.

Suy cho cùng, mọi hành động đều do ý thức của con người dẫn dắt. Vì thế, để giải quyết tình trạng này, trên tất cả vẫn là giải quyết vấn đề về con người trong các cơ quan công quyền.  Nếu chỉ quan tâm tới chuyên môn nghiệp vụ mà bỏ qua đạo đức công vụ thì khó có thể hướng tới được một nền hành chính công trong sạch, vì dân phục vụ.

Trong năm 2018, một tín hiệu đáng mừng là cùng với sự quyết liệt của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong xử lý cán bộ vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra các quận/huyện, tỉnh/thành cũng bắt đầu có sự chuyển động mạnh mẽ, đã mạnh tay với cán bộ sai phạm. Nhiều vụ tham nhũng từ Trung ương xuống cấp xã, huyện đã được đưa ra xử lý, xét xử. Phần lớn các vụ vi phạm ở cấp địa phương đều liên quan đến “tham nhũng vặt”, như  cố tình làm sai chính sách về đất đai, “nâng đỡ” người thân, con em hoặc ăn chặn tiền đền bù, tiền ủng hộ của dân…

Thời gian vừa qua, hầu hết các vụ tham nhũng dù lớn, dù bé khi được đưa ra xử lý đều gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Và thực tế đã minh chứng, nơi nào người đứng đầu gương mẫu, sát sao với cán bộ, nhân viên thì hiếm khi xảy ra chuyện nhũng nhiễu, tham nhũng và ngược lại.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà sự nêu gương của người đứng đầu lại được nói đến nhiều như bây giờ. Tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tướng phải ra tướng, quân phải ra quân. “Trên chẳng chính ngôi thì dưới chúng tôi hỗn hào”. Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm".

Đảng ta cũng vừa ban hành Quy chế nêu gương của người đứng đầu và cũng đã có cả quy định về xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm…

Còn trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người đứng đầu Đảng ta cũng đã nhận thấy rõ những biến tướng của thói tham nhũng vặt và cũng đã nhiều lần khẳng định rõ quyết tâm dẹp bỏ nạn “tham nhũng vặt”. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cương quyết chỉ đạo “chọn một vài điểm tiêu biểu, xử một vài vụ “tham nhũng vặt”. Nó như "ghẻ ruồi" rất khó chịu, làm cho người ta mất lòng tin”.

Đã đến lúc, không thể để nạn “tham nhũng vặt” tiếp tục hoành hành. Những biến tướng của nó đang làm đảo lộn nhiều giá trị trong xã hội, làm cho người dân mất lòng tin vào cơ quan công quyền. Và “tham nhũng vặt” chính là mầm mống để phát triển lên thành tham nhũng lớn khi có cơ hội.

Vì thế, cùng với các quy định của pháp luật đã và đang được hoàn thiện để phòng chống nạn “tham nhũng vặt”, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng hành của người dân trong “tuyên chiến” với tệ nạn này, chúng ta có quyền hy vọng: Căn bệnh “ghẻ ruồi” trong thời gian tới chắc chắn sẽ thuyên giảm.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến quan trọng

Sáng 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến quan trọng
Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Return to top