ClockChủ Nhật, 09/04/2023 06:27

Đã nghèo thì… nhiều suy tính, đắn đo

TTH - Cách đây mấy tháng, nghe thông tin về gói cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng để thực hiện đề án nhà ở xã hội (NƠXH), giờ đã thành hiện thực. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ vừa ký phê duyệt đề án.

Phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hộiVốn nhà ở xã hội luôn được “săn đón”

leftcenterrightdel
Chung cư Xuân Phú là một trong những khu nhà ở xã hội của TP. Huế 

Gói hỗ trợ nói trên dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Đây là tin vui cho người thu nhập thấp mong muốn được sở hữu căn hộ, đồng thời cũng là tin vui của ngành bất động sản (BĐS) và nhiều ngành kinh tế. Đối với BĐS, có thể chương trình này sẽ “tái khởi động”, hâm nóng lại thị trường BĐS đang thời kỳ im lìm. Theo Bộ Xây dựng, chương trình này sẽ được thực hiện để đầu tư 2,4 triệu căn hộ. Giả sử như người thuộc đối tượng vay phải có vốn “đối ứng” 30% thì cũng có thêm vài chục ngàn tỷ đồng nữa từ người vay tham gia vào chương trình này. Tức là có thể vào tầm 150.000 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Ít ra nó cũng đóng một vài trò quan trọng kích thích nền kinh tế.

Giờ thì người thuộc diện được mua NƠXH có thể chuẩn bị tâm thế để tiếp cận những căn hộ thuộc đề án này. Rõ ràng, chương trình này có nhiều ý nghĩa nhưng với mặt bằng giá BĐS cao như hiện tại, không biết các chủ đầu tư có cách gì để hạ giá thành cho phù hợp với người thu nhập thấp. Và cũng không biết có bao nhiều người thu nhập thấp có thể tính toán trong tổng thu nhập và chi tiêu để có thể mua được căn hộ? Nếu các dự án được tính toán làm ngon lành cho nhu cầu đời sống ngày càng phát triển thì chưa chắc gì NƠXH đã rẻ, bởi không phải chỉ là những căn hộ để ở mà đi theo nó là các “thiết chế cần thiết” nữa, như: chợ búa, nhà xe, thậm chí là nhà trẻ. Rồi giao thông được thiết kế như thế nào để cùng lúc có thể cả hàng trăm hộ sinh sống…

Tất cả những yếu tố này cần được tính toán một cách kỹ lưỡng. Chỉ ưu tiên chỗ ở không thì sẽ không đáp ứng về nhu cầu, cũng như đòi hỏi của phát triển đô thị trong tương lai. Còn nếu tính dài hơi thì giá thành không còn rẻ nữa, mà đã không rẻ thì khó phù hợp với người thu nhập thấp. Chúng ta không lạ gì những dự án NƠXH trước đây giờ “thay tên đổi chủ” rất nhiều. Không ít chủ nhân bây giờ không phải là người thu nhập thấp hay trung bình mà thậm chí là thu nhập cao, xe ô tô đậu đầy đường.

Những dự án NƠXH trước đây để có giá thấp nhờ vào mấy yếu tố chủ yếu: Nhà nước hỗ trợ lãi suất, có chính sách ưu đãi về giá đất. Và còn một yếu tố nữa có thể có nhưng cũng không chắc chắn lắm đó là, nhà đầu tư thu hẹp lợi nhuận. Bây giờ thì những yếu tố này cũng được thực hiện, nhưng tính chất có thể khác với trước. Ví dụ như lãi suất. Hiện tại mặt bằng lãi suất dù có giảm, nhưng vẫn đang cao. So sánh với mức thu nhập của những người thu nhập thấp thì càng cao. Theo lãi suất ưu đãi được công bố, đối với người mua nhà, những món vay theo chương trình từ nay đến ngày 30/6/2023 là 8,2%/năm, một con số không hề dễ chịu, dù nó đã thấp hơn thị trường. Tức là sau đó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng lãi suất theo định kỳ 6 tháng, không biết là tăng hay giảm, nhưng chúng ta kỳ vọng là nó sẽ giảm vì trong mấy tháng qua, lãi suất đã có chiều hướng giảm. Nếu ai đó vay vốn để mua NƠXH thì lưu ý thêm một điều nữa: chương trình chỉ ưu đãi trong 5 năm, sau đó là thực hiện thỏa thuận giữa người cho vay và người vay, tức là ngân hàng và người thu nhập thấp. Khi không còn chương trình ưu đãi, có thể lãi suất sẽ tăng. Vì vậy, người thu nhập thấp cần tranh thủ thời gian trả nợ khi còn được hưởng ưu đãi về lãi suất.

Bộ Xây dựng cho biết, gói hỗ trợ này sẽ thực hiện 2,4 triệu căn hộ. Giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 1,24 triệu căn. Còn lại là giai đoạn 2026 - 2030. Ở Thừa Thiên Huế cũng đã hình thành nên nhiều khu và cụm công nghiệp, lượng công nhân cũng đông đảo không biết sẽ có chủ đầu tư nào tham gia chương trình 2,4 triệu căn hộ của Chính phủ. Xem ra, đã nghèo thì việc sở hữu được một căn hộ cũng là chuyện không dễ dàng, đòi hỏi quá nhiều suy tính, đắn đo.

NGUYÊN LÊ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025

Từ ngày 22 đến 31/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 tại các Phòng GD&ĐT, các trường trung học phổ thông trực thuộc, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025
Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã và đang thực hiện 5 giải pháp để góp phần thực hiện thành công Chiến lược này.

Triển khai các giải pháp góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

TIN MỚI

Return to top