ClockThứ Bảy, 04/03/2023 11:20

Vốn nhà ở xã hội luôn được “săn đón”

TTH - Trong tình hình lãi suất cho vay đang ở mức cao từ 10 đến 15%/năm như hiện nay, chương trình vay vốn nhà ở xã hội với mức lãi suất thấp, chỉ 4,8%/năm (0,4%/tháng), thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân, nguồn vốn vay nhà ở xã hội được nhiều người “săn đón” khi có nhu cầu về nhà ở.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để người dân đón tết trong những ngôi nhà mớiSức bật từ Nghị quyết 11

leftcenterrightdel
 Cán bộ Ngân hàng Chính sách (bìa phải) chia sẻ niềm vui nhà mới với khách hàng vay vốn

Nhiều điều kiện ràng buộc

Trong khi nhiều người phải vay vốn với lãi suất cao để đầu tư sửa chữa nhà ở, chị Nguyễn Thị Trà My, tổ 9, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy may mắn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình nhà ở xã hội mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai. Với số tiền 500 triệu đồng vay từ NHCSXH cùng với số tiền tích cóp, hai vợ chồng chị đã thỏa được ước mong xây dựng căn nhà của riêng mình. Hiện, căn nhà mơ ước của hai vợ chồng chị My đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Với ưu đãi nổi bật như mức lãi suất thấp chỉ có 4,8%/năm (0,4%/tháng), thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên đã tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng có thu nhập thấp tiếp cận vốn vay.  “So với tất cả các gói tín dụng mà tôi từng tiếp cận thì gói hỗ trợ từ chương trình cho vay nhà ở xã hội của NHCSXH là phù hợp nhất đối với những người có thu nhập thấp. Tôi mong rằng, chương trình này sẽ ngày càng được nhân rộng đến tất cả các đối tượng trong thời gian tới”, chị My bộc bạch. Tuy nhiên, để được vay vốn thì khách hàng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Để được tiếp cận với chương trình này, người vay cần có đầy đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập; gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Khách hàng có đủ vốn tự có tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với khoản vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và có 20% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội. Người vay cũng cần có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với ngân hàng; có giấy đề nghị vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, khách hàng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định.

Cần nâng hạn mức cho vay

Đại diện NHCSXH chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: mức cho vay tối đa đối với trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở được quy định không quá 500 triệu đồng, mức cho vay này không còn phù hợp với giá vật liệu xây dựng trên thị trường hiện nay. Nhiều hộ vay chưa đủ điều kiện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, hộ vay ở trên đất quy hoạch chưa đủ thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Ngoài ra, việc thay đổi địa giới hành chính phải điều chỉnh thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Để tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu vay vốn, chi nhánh thường xuyên chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội các cấp, thôn trưởng (tổ trưởng tổ dân phố), tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ dân có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị nắm bắt nhu cầu thực tế tại địa phương, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận vốn một cách nhanh nhất.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh còn chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu lãi, thu hồi nợ đến hạn phân kỳ đảm bảo không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Nhờ đó, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn.

Tính đến ngày 31/1/2023, dư nợ của chương trình cho vay nhà ở xã hội trên toàn tỉnh đạt 247.096 triệu đồng với 702 khách hàng vay vốn còn dư nợ. Doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình cho đến nay đạt 287.306 triệu đồng với 756 lượt khách hàng vay vốn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Thừa Thiên Huế, dự kiến năm 2023, chi nhánh sẽ thực hiện cho vay khoảng 100 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vay vốn xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhà để ở. Và để thực hiện tốt chương trình cho vay nhà ở xã hội, đồng thời, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, NHCSXH Việt Nam đã có đề nghị với Chính phủ nâng mức tối đa đối với trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở để phù hợp với mặt bằng giá vật liệu xây dựng trên thị trường hiện nay.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top