Đây còn thể hiện sự tự tin và hiệu quả ngăn chặn, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trong suốt thời gian qua của cả hệ thống chính trị và người dân.
Quả thật, khi ca bệnh đầu tiên tái xuất hiện ở Đà Nẵng (sau gần 100 ngày cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng) rồi bùng phát mạnh ở nhiều địa phương; trong đó có Quảng Trị khiến người dân hết sức lo lắng, bởi khoảng cách lây nhiễm quá mong manh.Song, nhờ quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn. Một số hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) vẫn được duy trì, cơ bản đảm bảo được an sinh xã hội cho một bộ phận người dân.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động SXKD ở nhiều quốc gia, nhiều địa phương. Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, nhờ thực hiện linh hoạt các biện pháp nên chúng ta vừa đảm bảo được yêu cầu chống dịch, vừa khắc phục những khó khăn để phát triển kinh tế, tạo ra nhiều điểm sáng. Một vài thống kê 7 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,07%; tổng vốn đầu tư ước đạt 13.528,2 tỷ đồng, bằng 50,10%, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước… Đây là những con số đáng khích lệ, để địa phương khôi phục và phát triển sản xuất khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên diện rộng.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọ Thọ nhấn mạnh, phòng chống dịch là quan trọng nhưng đảm bảo an sinh xã hội, thu nhập cho người lao động cũng quan trọng không kém. Các địa phương cần có phương án cụ thể để phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu hoạch vụ hè thu, làm tốt công tác chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Trong nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch lần này, UBND tỉnh yêu cầu người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung trên 50 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Việc cưới hỏi, lễ tang, liên hoan, tân gia… khuyến cáo người dân tổ chức đơn giản, văn minh, tiến bộ. Đồng thời, tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, quán game online…
Các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hy vọng sẽ tiếp tục được nới lỏng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nhất là không được chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm việc kiểm soát, ngăn chặn người từ vùng dịch ở khu vực giáp ranh, biên giới, không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn. Có như vậy, yêu cầu mục tiêu kép về phát triển KT-XH và phòng chống dịch mới đạt được kết quả.
Đặng Thành