Tham quan hiện vật Cách mạng tháng Tám trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử
Chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, từ ngày 15/8/1945, đêm đêm, bên ánh lửa hồng, người dân Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc…bí mật rèn gươm, giáo trang bị cho quân và dân giành chính quyền. Ống bệ lò rèn được làm bằng thân cây gỗ của ông Hà Thêm, ở phường Hương An (Hương Trà) dùng để rèn gươm, giáo, mác, mỏ xảy… cung cấp cho người dân trong làng đi cướp chính quyền năm 1945 vẫn còn đó, chỉ có chủ nhân của nó thì đã thành người thiên cổ.
Còn đó một lưỡi mác đơn giản, thô sơ được ông Trần Văn Ngô ở xã Vinh Giang (Phú Lộc) dùng làm vũ khí chiến đấu và giao lại cho con trai Trần Văn Lực tiếp tục sử dụng đánh địch ở cửa biển Tư Hiền.
Trong những ngày sục sôi khí thế Cách mạng tháng Tám, ông Nguyễn Công Du, xã Vinh Thanh (Phú Vang) đã sử dụng những đoạn ống tre bí mật cất giấu tài liệu, công văn chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Bà Nguyễn Thị Tâm, xã Phong Chương (Phong Điền) đã dùng chiếc nồi đồng để nấu cơm tiếp tế cho cán bộ hoạt động bí mật. Hay chiếc mâm cơm được làm bằng gỗ, nhưng đó là tình cảm của gia đình ông Lê Tư Minh dùng trong sinh hoạt hằng ngày cho các đồng chí trong Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời sử dụng trong thời kỳ 1939 – 1945…
Càng xúc động hơn khi được nhìn những chiếc áo măng tô, những bộ com lê cũ kỹ, sờn vai của các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời sử dụng trong thời kỳ hoạt động cách mạng 1939 – 1945; cả chiếc đèn dầu thô sơ mà các đồng chí sử dụng để họp bàn chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Những bức ảnh về đầm Cầu Hai – địa điểm diễn ra Hội nghị Việt Minh Nguyễn Tri Phương mở rộng từ ngày 23 đến 25/5/1945, đánh dấu bước chuyển biến có tính chất quyết định đối với phong trào cách mạng toàn tỉnh và TP. Huế cùng những gương mặt tiêu biểu của tổ chức Việt Minh Thuận Hóa như các đồng chí: Lê Tự Đồng, Hoàng Anh, Lê Minh... Hình ảnh về tờ quân lệnh số 1 của lệnh tổng khởi nghĩa, thư kêu gọi tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh... cổ vũ tinh thần vùng lên đấu tranh của quân và dân trong tỉnh trong những ngày hào khí mùa thu cách mạng càng giúp chúng tôi thấm thía về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử to lớn của dân tộc.
Một góc khác của phòng trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh là hình ảnh mô phỏng vua Bảo Đại thoái vị – sự kiện chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam. Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân, chấm dứt sự thống trị hàng trăm năm của chế độ phong kiến.
Tôi lặng người xúc động trước những hũ gạo tiết kiệm thắm tình quân dân của người dân Thừa Thiên Huế được trưng bày tại bảo tàng.
Những hũ gạo đã cũ kỹ, sứt mẻ nhưng ý nghĩa biết nhường nào. Sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước chung tay diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Ngày ấy, hầu như gia đình nào ở Thừa Thiên Huế cũng có hũ gạo tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, mỗi gia đình bớt lại nắm gạo cho vào hũ để nuôi quân, để chia sẻ cho người khó khăn hơn mình và đề phòng lúc thiếu đói. Hũ gạo tiết kiệm tiếp tục được người dân hưởng ứng trong kháng chiến chống Pháp và cả trong chống Mỹ.
Đã 72 năm kể từ ngày chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, giành chính quyền về tay Nhân dân, nhưng bao thế hệ vẫn không bao giờ quên những ngày sục sôi ấy. “Em quê Quảng Điền, hiện đang là sinh viên Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học Huế. Được tận mắt chứng kiến những hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh, em càng khâm phục ý chí đấu tranh của cha ông. Chỉ là những vũ khí hết sức thô sơ, nhưng đã làm nên một cuộc cách mạng to lớn, tạo bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những gì mà cha ông ta đã làm được thật đáng trân trọng”, em Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
“Trong những ngày mùa thu lịch sử, những tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh càng góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Thừa Thiên Huế”, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Anh Phong