ClockThứ Sáu, 19/07/2024 10:34
KỶ NIỆM 70 NĂM KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GENÈVE (21/7/1954 – 21/7/2024)

Dấu ấn của Đại sứ Hà Văn Lâu trên bàn đàm phán

TTH - Với kinh nghiệm quý báu từ Hội nghị Genève, cùng trí tuệ và bản lĩnh ngoại giao sắc bén, Đại sứ Hà Văn Lâu góp phần rất lớn đưa đến sự thắng lợi trên bàn đàm phán Paris, buộc Mỹ phải chấp nhận rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thời cơ thuận lợi kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ vào mùa Xuân 1975 lịch sử.

70 năm Hiệp định Geneva: Hiệp định mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới

Đại sứ Hà Văn Lâu với Chủ tịch Fidel Castro tại CuBa. Ảnh: Tư liệu 

Đại tá – Đại sứ Hà Văn Lâu (1918 – 2016) là người con ưu tú của làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (nay thuộc xã Phú Mậu, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông gia nhập Mặt trận Việt Minh vào năm 1944. Sau đó, được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia tích cực trên các mặt trận quân sự.

Đến năm 1951, Hà Văn Lâu được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Tác chiến – Bộ Quốc phòng với cấp hàm Đại tá.

Cơ duyên từ một Đại tá quân đội, Hà Văn Lâu (tức Sáu Lâu) chuyển sang làm Đại sứ trên mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng cam go, hồi ký “Hà Văn Lâu – Người đi từ bến làng Sình” (Trần Công Tấn chấp bút, Nxb Phụ nữ, 2004) cho biết: Giữa lúc cán bộ tham mưu tác chiến chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ, thì có lệnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng giữ Hà Văn Lâu ở lại tham gia Đoàn đại biểu chuẩn bị cho Hội nghị Genève. Sáu Lâu được phân công vào nhóm quân sự cùng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu để chuẩn bị các phương án đấu tranh về quân sự, đòi chấm dứt chiến tranh tại Hội nghị Genève với vai trò chuyên viên phụ trách vấn đề quân sự, giúp việc cho Thứ trưởng Tạ Quang Bửu...”.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới trên bàn đàm phán theo tinh thần tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo Expressen vào tháng 11/1953, Hà Văn Lâu tích cực thu thập tài liệu, các loại hồ sơ, kể cả tình hình chiến sự đang diễn ra để phục vụ cho đoàn.

Là chuyên viên quân sự của đoàn, Hà Văn Lâu cùng Tạ Quang Bửu đã nghiên cứu kỹ các phương án quân sự của hội nghị, đó là việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngừng bắn, chuyển quân, Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương... Trong các nội dung về đình chỉ chiến sự, chúng ta đề ra các phương án: Hoặc là ngừng bắn tại chỗ theo kiểu “da báo”, hoặc phân vùng tập kết quân đội của hai bên. Đặc biệt ta tính toán, nếu phân vùng từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 16 thì sẽ thuận lợi rất nhiều cho việc tổng tuyển cử sau này. Cho nên ta phán đoán, việc đấu tranh để lấn ra hay lấn vào trong chọn giới tuyến tạm thời sẽ diễn ra gay gắt tại hội nghị.

Đúng như dự đoán, khi đàm phán về quân sự tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cùng Đại tá Hà Văn Lâu đã gặp riêng nhiều lần với đoàn quân sự của Pháp, gồm Thiếu tướng Delteil và Đại tá Brebisson. Vấn đề quan trọng nhất là vĩ tuyến chia cắt đất nước cho quân đội hai bên tập kết phải theo đúng lập trường của ta mà Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã căn dặn: “Đình chiến có nghĩa là không đánh nhau lại, chấm dứt chiến tranh, đưa lại hòa bình cho đất nước. Nếu đối phương đề nghị phân tuyến để tập kết chuyển quân thì ta có thể đồng ý. Nếu họ né tránh, thì ta khéo léo đưa ra gợi ý thăm dò, nhưng không để họ lợi dụng, vu khống ta chủ trương chia cắt đất nước. Phải tìm mọi cách dồn lực lượng xuống vĩ tuyến 13”...

Vì vậy, trong quá trình đàm phán, chúng ta kiên trì với đối phương đòi vĩ tuyến càng về phía Nam càng tốt. Lúc đầu ta đòi vĩ tuyến 13 ngang Quy Nhơn vì ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là vùng tự do của Liên khu 5, trừ thành phố Đà Nẵng. Pháp đòi vĩ tuyến 18, tức sông Gianh trên Đồng Hới. Đến ngày 10/7/1954, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng gặp Mendès France chọn giải pháp vĩ tuyến 16, nhưng Pháp vẫn khăng khăng đòi vĩ tuyến 18. Mãi đến ngày 19/7, trước sức ép từ các cường quốc, ba đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhất trí vĩ tuyến 16, nhưng đối phương vẫn đòi vĩ tuyến 18. Cuối cùng Hội nghị thống nhất lấy vĩ tuyến 17, tức sông Bến Hải phía Bắc tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời để chuyển quân và thời hạn tổng tuyển cử kéo dài sau hai năm (đến 1956).

Sau thắng lợi từ Hội nghị Genève trở về, Đại sứ Hà Văn Lâu tiếp tục được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao nhiều trọng trách trên mặt trận ngoại giao. Năm 1962, ông được cử tham dự Hội nghị quốc tế về Lào. Năm 1968, dự Hội nghị quốc tế về Campuchia, cùng nhiều hội nghị về Phong trào không liên kết... Đặc biệt, từ 1968 - 1970, Hà Văn Lâu trên cương vị Phó Trưởng đoàn đàm phán Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với kinh nghiệm quý báu từ Hội nghị Genève, cùng trí tuệ và bản lĩnh ngoại giao sắc bén, Đại sứ Hà Văn Lâu góp phần rất lớn đưa đến sự thắng lợi trên bàn đàm phán Paris, buộc Mỹ phải chấp nhận rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thời cơ thuận lợi kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ vào mùa Xuân 1975 lịch sử.

Đến đầu năm 1974, Hà Văn Lâu được cử sang làm Đại sứ Việt Nam tại Cuba, kiêm Cộng hòa Argentina (từ 21/8/1974 đến 31/5/1975), kiêm nhiệm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Jamaica và Guyana, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc (1978 – 1982).

Từ 3/1982, Đại sứ Hà Văn Lâu được rút về nước, bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương. Đến năm 1984, giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Pháp kiêm Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Hà Lan và Luxemburg cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi ngoài 70.

Lịch sử đã chọn và đặt lên vai Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu nhiều trọng trách của đất nước và ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù là quân nhân trong quân đội hay Đại sứ ngoại giao, ông đều tạo được dấu ấn về một người chỉ huy lịch thiệp, uyên bác và tài năng.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chiều 18/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi tọa đàm gặp mặt cán bộ Mặt trận tỉnh qua các thời kỳ.

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân
Return to top