Quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch… là đánh giá của Tổng cục Thủy sản tại hội nghị quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 24/9, tại Khánh Hòa. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nghề cá ở nước ta nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, nhất là mỗi khi mùa mưa bão về.
Là quốc gia ven biển, đánh bắt thủy sản được xác định là một trong những mũi phát triển kinh tế của nước ta. Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh này, không chỉ cần tàu lớn vươn khơi xa mà còn liên quan đến nhiều hoạt động, nhất là hạ tầng như bến cảng, âu thuyền, hậu cần nghề cá, công nghệ bảo quản, chế biến thủy sản.
Với Thừa Thiên Huế, từ khi có Nghị định 67, đội tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) của tỉnh tăng nhanh,đến nay có khoảng 450 chiếc, 1.943 thuyền khai thác gần bờ và hơn 3.500 thuyền máy khai thác vùng sông, đầm phá. Sản lượng khai thác thủy, hải sản năm 2019 đạt gần 42 ngàn tấn, cao hơn khoảng 3 ngàn tấn so với năm 2015; năm 2020 ước đạt 43 ngàn tấn.
Trong khi đội tàu phát triển mạnh, việc đầu tư hạ tầng cảng cá lại không tương xứng. Cảng cá Thuận An là cảng cá lớn nhất của tỉnh cũng chỉ đón được tàu thuyền có công suất tối đa 300CV, trong khi số lượng tàu có công suất từ 450-1.100 CV của tỉnh đã chiếm hơn một nửa đội tàu ĐBXB. Các dịch vụ hậu cần nghề cá (thu mua, chế biến thủy sản, cung cấp đá, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền…) phát triển không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu khiến đội tàu ĐBXB của tỉnh thường phải cập bến các tỉnh khác để bán sản phẩm và tiếp nhiên liệu cho các chuyến vươn khơi tiếp theo.
Hiện nay, với việc nước ta hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc tuân thủ các quy định quốc tế về khai thác thủy sản là vấn đề bức thiết. Thực tế, nghề đánh bắt thủy sản nước ta đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng, nếu không tích cực khắc phục thì nguy cơ bị phạt thẻ đỏ vẫn luôn hiện hữu. Để gỡ được thẻ vàng, bên cạnh đẩy mạnh ý thức của ngư dân thì cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu quản lý, cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2019, cả nước mới chỉ có 47/83 cảng cá thuộc 18 tỉnh có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, nhưng lại không có Thừa Thiên Huế.
Ngày 20/6/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 156/KH-UBND về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá (xây dựng các tuyến đê chắn sóng và kè bảo vệ bờ, nâng cấp mở rộng khu vực cảng, xây dựng các tuyến kè bờ, cầu tàu và tuyến đường giao thông); xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá, đảm bảo phục vụ đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Phú Vang, Phú Lộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng sản phẩm thủy sản trong nước và các nước trong khu vực… Điều này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng ven biển, đầm phá nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Hoàng Minh