ClockThứ Sáu, 24/03/2023 14:02

Đề xuất cơ chế khuyến khích cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ để xảy ra thiệt hại mà được xác định triển khai các nội dung theo kế hoạch hoặc đề án đã được chấp thuận, có động cơ trong sáng, thì được miễn xử lý trách nhiệm.

Vượt khó để trưởng thànhCán bộ, công chức không tổ chức đám cưới xa hoa, lãng phí“Cần chính sách phù hợp cho cán bộ trẻ có năng lực nổi trội”

leftcenterrightdel
 Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về đối tượng áp dụng, Bộ Nội vụ đưa ra hai phương án. Phương án 1 là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Phương án 2 là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Điều 9 dự thảo Nghị định nêu rõ, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khoản 2 Điều này nêu rõ, trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp: Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.

Cán bộ thực hiện đề xuất cũng được miễn xử lý trách nhiệm khi phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất; hoặc chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt; cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định các nguyên nhân khách quan, chủ quan và có kết luận đầy đủ, toàn diện trong trường hợp kết quả thực hiện đề xuất thuộc quy định tại khoản 2 Điều 9.

Cán bộ nếu có hành vi lạm dụng đề xuất được phê duyệt để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cùng với quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, dự thảo cũng quy định về việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Khi cán bộ có đề xuất đổi mới, kế hoạch hoặc đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến, tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì được được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ. Được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp.

Theo Bộ Nội vụ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ. Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu rõ cần loại bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”.

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V xác định cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm, bảo vệ chân lý”, cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Nhiều quy định, kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đổi mới, sáng tạo luôn là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.

Thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót. Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.

Theo Bộ Nội vụ, việc ban hành Nghị định này là cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, đồng thời góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn công tác của Quân khu 4 kiểm tra các hoạt động tại Bộ Chỉ huy Quân sự

Ngày 9/9, Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 dẫn đầu đoàn công tác Quân khu đã đến kiểm tra kết quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị 9 tháng đầu năm 2024 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.

Đoàn công tác của Quân khu 4 kiểm tra các hoạt động tại Bộ Chỉ huy Quân sự
Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập

Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên làm trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về Giáo dục thường xuyên (GDTX) đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập
Return to top