ClockThứ Tư, 18/09/2019 05:45

Đến mùa bão, lại lo sạt lở

TTH - Tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra nhiều nơi trong khi dự kiến mưa, bão diễn biến phức tạp.

Vinh Hải lại lo sạt lở bờ biểnKè biển Quảng Công kịp hoàn thành trước mùa bão, lũSông Bạch Yến sạt lở nặng

 Bờ biển xã Vinh Hải sạt lở nghiêm trọng vào mùa lũ năm 2018

Phải di cư

Trại nuôi tôm và nhà ở của anh Phan Thanh Lộc (thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) nằm chênh vênh trên vùng sạt lở. Từ vị trí ngôi nhà anh Lộc, cách chỉ vài chục mét vùng sạt lở đã nuốt chửng gò đất là nơi định cư trước đây của nhiều hộ dân.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Lộc, tại nơi này có nhiều hộ gia đình, hàng quán bên “miệng vực”.

“Địa điểm chúng tôi đang sinh sống là vùng sạt lở nặng của xã Phú Thuận. Bây giờ, thời tiết vẫn còn tạnh ráo nên vẫn còn sinh sống và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nếu bão vào buộc phải di dời. Nhiều khi tôm đang trong giai đoạn thu hoạch cũng phải “bỏ của chạy lấy người”. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, đến bây giờ vẫn chưa khắc phục được”, anh Lộc chia sẻ.

Thực trạng sạt lở, xâm thực đang là nỗi lo của chính quyền xã Phú Thuận trong nhiều năm qua. Thông tin từ UBND địa phương này, tốc độ xói mòn chân đất, sạt lở hàng năm rất nhanh. Thời điểm bình thường tốc độ sạt lở gần 5m/năm, còn mùa mưa bão thì sạt lở càng trầm trọng.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Khu vực thôn Tân An, Xuân An là nơi sạt lở nghiêm trọng nhất. Cứ đến mùa mưa bão, người dân tại hai thôn này phải di dời. Mặc dù có sự đầu tư đê kè chống sạt lở nhưng hiện thực trạng rất đáng lo ngại, nguồn lực địa phương thì không kham nổi”.

Tình hình sạt lở bờ biển đang xảy ra hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của hàng ngàn hộ dân; đặc biệt là người dân sống trải dài bên bờ biển.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Thuận An) nói: “Tôi kinh doanh dịch vụ biển ở đây đã nhiều năm. Thời điểm này là lúc bắt đầu chuẩn bị để di dời. Nhiều năm trước, tình hình sạt lở không nghiêm trọng nhưng bây giờ nghe thông tin có bão phải chạy, chỉ mang theo những thứ cần thiết”.

Thống kê của của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, hiện bờ biển toàn tỉnh có hơn 30km sạt lở, trong đó có hơn 10km bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như: Phong Hải (Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); Hải Dương (Hương Trà); thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang); Vinh Hải và Vinh Hiền (Phú Lộc), đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực ven biển của tỉnh. Đặc biệt, lũ lụt hàng năm thường xuyên gây xói lở và bồi lắng hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền làm tăng nguy cơ mất ổn định tự nhiên khu vực này, ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ, ảnh hưởng giao thông thủy.

Bờ biển xã Phú Thuận sạt lở khiến người dân lo lắng khi bước vào mùa mưa lũ

Tăng nguồn lực đầu tư ở vùng xung yếu

Trong số chiều dài sạt lở bờ biển hiện nay, đoạn qua thôn An Dương, Hòa Duân thuộc xã Phú Thuận và đoạn qua xã Vinh Thanh cần xử lý khẩn cấp với chiều dài khoảng 3,2 km. Trong đó, giai đoạn 2 bờ kè xã Phú Thuận đang triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm.

“Dự án bờ kè chống sạt lở tại địa phương có chiều dài 889m, giai đoạn 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đơn vị thi công đang triển khai giai đoạn 2. Bờ biển Phú Thuận có chiều dài 5,2km, ngoài 2km sạt lở nặng còn lại hầu như các điểm đều có sạt lở ở các mức độ khác nhau. Khi bão khẩn cấp xảy ra, chúng tôi buộc phải di dời 21 hộ dân trong vòng bán kính 50m so với mực nước biển, còn theo bán kính 200m thì có trên 100 hộ phải di dời”, ông Đặng Tiến Tùy thông tin.

Trong các năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, các tuyến kè chống sạt lở bờ biển đã được triển khai như tuyến kè chống sạt lở biển xã Quảng Công dài gần 2,7km, với tổng vốn đầu tư trên 278 tỷ đồng. Ngoài chống sạt lở biển, tuyến kè còn bảo vệ khu dân cư, giúp dân ổn định đời sống.

“Tình hình sạt lở bờ biển ở các vùng xung yếu của địa phương đã cơ bản ổn định. Người dân nằm trên vùng sạt lở cũng đã được tái định cư, ổn định cuộc sống”, ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công thông tin.

Tuy nhiên, một số tuyến kè do đã đầu tư từ lâu nên đã xuống cấp , cần có kinh phí duy tu sửa chữa hàng năm.

"Hiện nay, để xử lý các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển và bồi lấp các cửa biển trên địa bàn toàn tỉnh cần kinh phí khoảng 2.663 tỷ đồng.Tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư khoảng 2.850 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách trung ương, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện dự án tiêu thoát lũ vùng hạ du và chống bồi lắp cửa biển”, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vơi bớt nỗi lo sạt lở

Nỗi lo sạt lở của các hộ dân sống dưới chân núi Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) thường trực nhiều năm nay như được vơi bớt khi HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (DA) Trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.

Vơi bớt nỗi lo sạt lở
Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình

Chiều 5/11, ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cho biết sóng lớn đã đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình, xã Lộc Bình (cửa biển Tư Hiền) chiều dài khoảng 100m, trong đó có đoạn khoảng 50m chiều dài lấn sâu vào đường dân sinh.

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình

TIN MỚI

Return to top