Điểm thi công chống sạt lở bị đánh sập
Ảnh hưởng Tỉnh lộ 21
Sạt lở bờ biển ở Vinh Hải đã kéo dài 10 năm qua. Hai năm trở lại đây, sạt lở có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, mỗi lần có bão, sóng biển lớn là Vinh Hải bị mất thêm vài mét đất và mở luôn cửa biển mới, nhỏ thì khoảng 10m, lớn hơn gần 50m. Hàng tỷ đồng được đầu tư để chống sạt lở, nhiều giải pháp khác cũng được triển khai nhưng không hiệu quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tính chất của dòng chảy và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ở Vinh Hải chỉ có phương án làm kè bằng bê tông kiên cố mới có thể chống được sạt lở lâu dài.
Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho hay, năm nay ít mưa bão nên tình trạng sạt lở bờ biển tại Vinh Hải cứ nghĩ sẽ giảm, nhưng chỉ 2 đợt mưa, giữa tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua, cộng với triều cường dâng cao, bờ biển tiếp tục bị xâm thực, sạt lở toàn tuyến với chiều dài 3,3km, một số đoạn bị xâm thực sâu vào bờ 5 - 10m.
Theo quan sát, không chỉ sạt lở trên dọc tuyến bờ biển qua xã Vinh Hải, tại đoạn đê kè bằng đá (thôn 4) được thi công trước đó nhằm chống sạt lở cũng bị đánh sập ở một số vị trí; các hàng quán dọc theo bờ biển cũng đã bị ăn sâu đến tận chân móng. Ông Huỳnh Thắng, một người dân ở Vinh Hải lo lắng, biển mỗi năm ăn sâu hơn, mỗi đêm nằm ngủ cứ sợ biển sạt lở vào nhà. Nước biển dâng cao, cát từ biển tràn vào làm lấp nhiều diện tích đất sản xuất, gây khó khăn cho người dân.
Ông Nguyễn Hữu cho biết, gân đây, khi triều cường dâng cao, nước biển đã tràn qua Tỉnh lộ 21. Cát vùi lấp tỉnh lộ nhiều vị trí từ 0,3- 0,5m. Nhiều điểm biển đã ăn sâu vào đến tỉnh lộ, chỉ còn cách 1- 2m. Thời gian qua, địa phương đã huy động các lực lượng để giải phóng cát, giúp xe cộ lưu thông bình thường trở lại. Ngoài ra, 700 hộ dân trong xã đều nằm trong diện ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở và triều cường.
Phương án trước mắt và lâu dài
Thông tin từ UBND huyện Phú Lộc, ngoài bờ biển Vinh Hải, ở hạ nguồn sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) sạt lở cũng đang diễn ra phức tạp, tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 0,5m, dài hơn 100m (đoạn chưa kịp gia cố thuộc dự án kè chống sạt lở sông Bù Lu).
|
Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết, sau đợt mưa đầu tháng 12, các cơ quan chức năng đã về kiểm tra thực tế. Trước mắt sẽ tăng cường triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân, nhất là chủ động di dời dân khi có mưa lũ; đồng thời sử dụng các bao cát để hạn chế tình trạng sạt lở; yêu cầu UBND xã Vinh Hải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố, tổ chức trực ban 24/24 giờ để chủ động đối phó với thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt phương án xây dựng mới tuyến kè qua xã Vinh Hải với chiều dài 2,52km. Điều này sẽ khắc phục sạt ở trong thời gian đến. Theo thiết kế, đê kè sẽ được xây dựng kiên cố bằng bê tông, trên đỉnh kè kết hợp đường giao thông, một số đoạn có tường chắn sóng; đồng thời trồng bổ sung rừng phi lao bị gãy đổ, khôi phục lại rừng phi lao phòng hộ phía sau đỉnh kè.
Thời gian thực hiện dự án chống sạt lở trong vòng 3 năm, kể từ ngày khởi công. Ông Nguyễn Văn Mạnh cho hay, khắc phục sạt lở ở Vinh Hải rất cấp thiết, UBND huyện sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và chủ đầu tư sớm triển khai dự án trong năm 2019, nhằm rút ngắn thời gian, giảm tối thiểu tình trạng sạt lở bờ biển, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án đê kè chống sạt lở được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ ưu tiên đầu tư các hạng mục xung yếu cấp bách. Bên cạnh đó, dự án cũng khắc phục tại bờ biển Vinh Thanh (Phú Vang). Sau khi hoàn thiện, tuyến đê kè còn kết hợp để phục vụ giao thông tại các địa phương; từng bước hình thành hệ thống công trình chống sạt lở bờ biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc trong chương trình mục tiêu giảm nhẹ phòng chống thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
Bài, ảnh: Đức Quang