Người dân phường Kim Long tự chèo thuyền vớt rác trên sông Hương. Ảnh: P. Thành
Tròn 100 ngày kể từ lúc phát động “Ngày Chủ nhật xanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có thư ngỏ gửi người dân Thừa Thiên Huế, ghi nhận, cảm ơn sự hưởng ứng của mọi người trong thời gian qua nhằm xây dựng một Thừa Thiên Huế xanh - sạch – sáng; đồng thời tiếp tục kêu gọi tất cả cùng chung tay để “Ngày Chủ nhật xanh” trở thành một nét văn hóa đẹp của vùng đất Cố đô.
Thư của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhắn gửi rất chí lý rằng: Ngày Chủ nhật xanh không chỉ đơn thuần là thu dọn rác, tạo cảnh quan môi trường; điều quan trọng mà phong trào hướng tới là thay đổi nhận thức của người dân, để người dân thật sự là chủ nhân hành động vì một Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng.
Bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, giữ vệ sinh chung là việc dễ hay khó? Có thể khẳng định ngay là quá dễ, bởi chẳng có gì là phức tạp cả. Nhà ai cũng vậy, rác lúc nào cũng được bỏ vào một nơi, sau đó đưa ra bãi tập kết. Chả tốn bao nhiêu công sức, chả nhọc tâm mệt não tư duy sáng tạo gì cả. Vậy nhưng, điều “rất vui” của dân ta là trong nhà thì giữ, đến khi mang rác ra khỏi ngõ thì vô tư. Đứng cạnh thùng rác chẳng buồn bỏ vào thùng, cứ ném bừa xuống cạnh.
Vẫn còn đỡ, có người còn vừa chạy xe, ngang qua chỗ thùng rác vung tay ném cái vèo, trúng đâu thì trúng. Kỳ dị hơn, có trường hợp trên đường đi làm đèo theo bịch rác, ngang cầu vượt sông thì “giải quyết” luôn, mặc sông tùy nghi xử lý (!) …
Đó là nói rác từ trong nhà đưa ra, chứ rác “phát sinh” ngoài đường thì còn vô vàn hình thái quái đản. Cứ bạ đâu xả đó, tiện đâu quăng đó, bất chấp cảnh quan, bất chấp ánh mắt bàn dân thiên hạ. Dân nghèo, ít học thì lấy lý do nhận thức hạn chế; dân lắm tiền nhiều của, đi xe sang, dùng hàng hiệu đôi lúc cũng chẳng khá hơn. Hẳn bạn từng đã phải chứng kiến, có những chiếc xe du lịch, sau khi rời đi thì chỗ nó vừa đỗ tha hồ là vỏ bánh trái…; Hoặc có những chiếc ô tô sang trọng đang chạy trên phố, điềm nhiên hạ cửa kính vứt rác xuống đường. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đường gỗ lim dọc sông Hương nối lên công viên Lý Tự Trọng sau đầu tư trở thành điểm thu hút người dân và du khách. Người đến đi dạo, ngồi ngắm cảnh hóng gió tấp nập…Không ít trong số đó là các bạn trẻ, sinh viên, học sinh, vậy mà sáng hôm sau, “chiến trường” để lại là rác. Cho dù báo chí, mạng xã hội phản ánh, góp ý, phê bình, nhưng rất ít thấy biến chuyển. Từ dưới nước cho đến trên bờ, các anh chị công nhân ngành công viên cây xanh, môi trường đô thị phải làm việc cật lực mỗi ngày mới có thể giữ được cảnh quang cho thành phố…
Cán bộ công nhân viên Báo Thừa Thiên Huế tham gia dọn rác, kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường. Ảnh: P. Thành
“Ngày Chủ nhật xanh” đã tạo được sức lan tỏa, làm chuyển biến nhận thức trong một bộ phận cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người tỏ ra thờ ơ, không biến chuyển. Và thế là cứ người dọn kẻ xả. Câu chuyện rác dù “dễ, không nhọc công mất sức” nhưng bởi vậy mà cứ như trò đuổi bắt không hồi kết. Bộ phận những người “thờ ơ” đã không chỉ tạo sức ì mà còn như một vật cản đối với phong trào!
Để chuyển đổi ý thức cần tuyên truyền vận động. Trên thực tế công tác này đã được làm rất mạnh, rất kiên trì trong thời gian qua. Thế nhưng, còn có người “không chuyển” là tại sao, phải làm thế nào? Không cách nào khác là phải áp dụng biện pháp chế tài. Tại sao dân ta, cũng những con người đó, khi ở trong nước thì rác vô tư xả, nhưng ra nước khác thì lập tức vào nề nếp, thậm chí cả cái vỏ kẹo bé xíu cũng lo nhét túi, về tới VN mới lôi ra. Đơn giản là vì sợ phạt. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mới đây đã dẫn: Singapore nếu không kiên trì đánh roi người xả rác, phạt nặng người nhả kẹo cao su thì đã không được như ngày nay.
Xây phải đi liền với chống, vận động phải đi liền với chế tài. Chính vì vậy, từ tháng 5/2019 này, Huế sẽ phạt người xả rác. Không chỉ phạt nóng mà còn trích xuất camera để phạt “nguội”. Thông tin này đưa ra lập tức được dư luận hào hứng đón nhận. Rõ ràng, được sống trong một môi trường xanh, sạch đang là mong muốn, đang là nhu cầu của cả cộng đồng.
Và muốn làm được điều đó thì ý thức của chục người phải như một, phải chuyển, phải thay đổi - Đó là căn cốt của vấn đề. Tạo lập được điều căn cốt này thì mục tiêu xanh-sạch-sáng mới đạt tới và bền vững, Huế mới “có thể tự hào sánh vai với bất cứ đô thị nào về những giá trị văn hóa, lịch sử, con người và sạch”, mới sẽ “mãi là nguồn cảm hứng, niềm tự hào của mỗi người dù chưa một lần đến” như mong ước, sẻ chia của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trong thư gửi người dân toàn tỉnh.
Diên Thống