Thừa Thiên Huế chưa phải đã vượt qua hết thách thức, rào cản trong việc cải thiện môi trường, giảm rác thải nhựa (RTN). Tuy nhiên, bằng các chương trình, dự án, phong trào thiết thực, sáng tạo song hành với tinh thần yêu Huế đã “ngấm” và “thấm” vào mỗi người dân, mối bận tâm về RTN sẽ không còn là vấn nạn đối với môi trường sống trong tương lai không xa.
Những năm qua, Huế đã lan tỏa tinh thần tích cực trong tuyên truyền, hành động để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giảm thiểu việc sử dụng bao bì, túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy. Tất cả những hoạt động này đã hạn chế, giảm thiểu lượng lớn RTN, góp phần đưa vùng đất Cố đô Huế xanh, sạch và sáng hơn từng ngày.
Theo số liệu khảo sát hiện trạng rác thải phát sinh trên địa bàn trong những năm gần đây từ Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), bình quân hơn 675 tấn rác thải ra mỗi ngày; trong đó RTN và kim loại chiếm từ 8-18%. Con số này không chỉ mang ý nghĩa thống kê, mà còn là hồi chuông cảnh báo khi môi trường sống - mẹ thiên nhiên, đang “kêu cứu” bởi RTN đang bủa vây. Trong khi đó, đáng lo ngại hơn khi cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý rác thải ở địa phương còn hạn chế, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác hằng ngày, chủ yếu được thu gom cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt sau đó được chôn lấp hoặc đốt.
|
Cộng đồng người dân ra quân vệ sinh làm giảm RTN trên địa bàn
|
Trước thực trạng đó, Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào nhằm ngăn chặn không để RTN phát sinh, bảo đảm môi trường sống trong lành, an toàn bền vững. Năm 2019, một phong trào được xem là “quyết sách” ra đời ở Huế, đó là “Ngày Chủ nhật xanh” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát động. Đến nay, “Ngày Chủ nhật xanh” trở thành hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao ý thức chung của cộng đồng chung tay giảm rác thải, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, có sức lan tỏa lớn. Phong trào này vinh dự được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi, là điển hình để các tỉnh, thành bạn học hỏi.
Thành quả đáng quý trên nếu đi ngược lại thời gian đầu sẽ thấy rất rõ. Hễ vào dịp cuối tuần, cán bộ hội đoàn, người dân lại gặp nhau vệ sinh thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, xử lý các “điểm đen” nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ở các góc phố, nẻo đường, khu vực dân cư, thôn xóm…
|
“Ngày Chủ nhật xanh” ra đời hạn chế dần RTN ở các địa phương
|
Cái hay của “Ngày Chủ nhật xanh” không chỉ dừng lại ở một thời điểm, phong trào mà đã trở thành một nếp sống đẹp, đã hình thành ý thức đẹp, thói quen tốt của người dân, là hoạt động thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Còn nhớ trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, phong trào vẫn duy trì thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức linh hoạt, quy mô phù hợp với tình hình, góp phần làm sạch môi trường gắn với công tác phòng chống dịch bệnh... Tại thời điểm này, lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” gắn với tiêu chí đánh giá việc xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Tổ dân phố không rác”, “Tuyến đường văn minh, sạch, đẹp”… tạo nên diện mạo sạch đẹp từ thành thị đến nông thôn.
|
Người dân ra quân gom nhặt rác thải nhựa ở sông, hồ, đầm phá
|
Khi quyết sách đúng thấm vào lòng dân, phong trào chống RTN lan tỏa, nhân rộng ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Việc sử dụng bình đựng nước thủy tinh thay thế chai nhựa dùng một lần trong phòng làm việc, tại các cuộc họp, hay khuyến khích, hỗ trợ khách hàng dùng túi sinh học, túi giấy dùng nhiều lần thay thế túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại là một trong những minh chứng điển hình.
|
Các hoạt động phong trào của hội đoàn thể, trường học hướng đến môi trường xanh, không rác thải nhựa
|
Dấu ấn rõ hơn là các cấp hội đoàn thể, như phụ nữ, thanh niên, nông dân... đã tiếp nhận và lan tỏa phong trào chống RTN một cách triệt để, gắn với các phong trào, hành động thiết thực, cụ thể. Tiên phong phải kể đến các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh triển khai nhiều mô hình, như “Phụ nữ sống xanh, đi chợ không túi ni lông”, “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Phân loại và xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO) và “Tiết kiệm và tận dụng”, “Biến rác thành tiền” để gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn từ nguồn phế liệu, RTN tái chế... đã đem lại hiệu quả và được đánh giá rất cao.
|
“Ngày Chủ nhật xanh” ở vùng cao huyện Nam Đông
|
Trong những chuyến công tác mới đây ở Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc..., chúng tôi đã thấy nhiều miền quê “đáng sống” với diện mạo sáng, sạch, đẹp. Những con đường nhựa và bê tông rộng mở ngang dọc chạy quanh làng sạch đẹp, không còn rác thải sinh hoạt, RTN bủa vây. Tại xã Quảng Thái, Quảng Thọ (Quảng Điền), nhiều điển hình đang lan tỏa những giá trị của phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cộng đồng. Nhiều sáng kiến, cách làm hiệu quả của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang chia sẻ, nhân rộng góp phần hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và giảm RTN ra môi trường. Các thôn trong xã đã hình thành mô hình “Phân loại và xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO)”. Mô hình này vừa hạn chế xả rác ra môi trường, nhất là RTN để giúp người dân có nguồn phân hữu cơ cho cây trồng vừa gom RTN, rác thải tái chế để bán gây quỹ hỗ trợ các trường hợp nghèo khó, trẻ em mồ côi…
|
Các mô hình “biến rác thành tiền” ra đời ở Huế
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Lan (thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái) cho hay, trước đây nguồn rác thải sinh hoạt, như bao túi ni lông, chai lọ… rất nhiều, người dân thường xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp trong vườn gây ô nhiễm môi trường. Từ khi có chi hội phụ nữ thôn, xã chia sẻ kiến thức rác thải là tài nguyên, là tiền nên giờ đây, thức ăn thừa, phế phẩm từ rau củ quả trong vườn… đều được ủ xử lý thành phân bón; bao túi ni lông, vỏ lon, chai nhựa… được các gia đình thu gom vào “Ngôi nhà xanh” tại thôn để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu ve chai hàng tháng, hàng quý để gây quỹ.
|
Cùng nâng cao ý thức hạn chế rác thải nhựa và biến rác thải sinh hoạt thành sản phẩm hữu dụng
|
Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái chia sẻ, vốn là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng từ khi phong trào phân loại rác, chống RTN được phát động, địa phương đã lồng ghép vào thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Nhờ đó, mọi thứ đã đổi mới hơn nhiều. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, từ thời điểm phát động phong trào, lãnh đạo địa phương tạo điều kiện cho hội phụ nữ xã lồng ghép vào các buổi tập huấn, sinh hoạt chi hội thôn tuyên truyền vận động, phân tích, chia sẻ cho hội viên hiểu tác hại của RTN đến sức khỏe, môi trường để hưởng ứng việc thu gom, xử lý, “biến rác thành tiền”. Hiện nay, hầu hết các thôn đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” với mục tiêu vận động cộng đồng phân loại, thu hồi vật liệu tái chế, không để thải ra môi trường. Số tiền thu được từ các “Ngôi nhà xanh” đã hỗ trợ cho các phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi được nhận hỗ trợ từ mô hình “Mẹ đỡ đầu”, với bình quân mỗi tháng 300 nghìn đồng/trường hợp.
|
|
Nội dung: MINH THƯƠNG
Ảnh: SONG MINH - CTV
Clip: MINH THƯƠNG (nguồn WWF-VIỆT NAM)
Thiết kế: QUANG THIỀU