ClockThứ Hai, 28/05/2018 17:05

Doanh nghiệp nhà nước phải là đầu tàu của nền kinh tế

TTH.VN - Đại biểu Nguyễn Chí Tài, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế khẳng định như vậy trong bài phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 28/5 về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Gắn tăng trưởng với đảm bảo an sinh xã hộiKỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hộiHôm nay Quốc hội thảo luận dự thảo sửa đổi Luật Tố cáo và Luật Cạnh tranhĐại biểu Quốc hội kỳ vọng vào phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIVĐưa nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội

Toàn cảnh phiên thảo luận ngày 28/5. Ảnh: Tấn Trọng

Xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách mạnh mẽ, đồng bộ hơn

Đại biểu Nguyễn Chí Tài đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc ban hành, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN. Việc quản lý, sử dụng tài sản tại nhiều DN về cơ bản được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Chất lượng tài sản của DN từng bước được nâng cao.

Nhiều DN chú trọng nâng cấp, đổi mới ứng dụng và làm chủ công nghệ, trang thiết bị đã tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm vật liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư cao nhất, góp phần không nhỏ vào kết quả SXKD của DN. Công tác điều hành và giám sát hoạt động SXKD của DN ngày càng minh bạch và đạt hiệu quả hơn, DN kịp thời chấn chỉnh những yếu kém nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, đồng tình với nhận định của báo cáo là trong giai đoạn vừa qua hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm, chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế, chưa làm tốt được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.

Với việc tìm ra những được nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; những vướng mắc và bất cập, những kiến nghị mà đoàn giám sát đã chỉ ra, ông Nguyễn Chí Tài mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách; trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện để DNNN thực sự là đầu tàu của nền kinh tế, là nguồn lực to lớn, chủ yếu góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội….

Công khai, minh bạch trong cổ phần hóa

Đại biểu Nguyễn Chí Tài phát biểu thảo luận chiều 28/8 tại hội trường. Ảnh: Tấn Trọng

Phân tích con số hiện có, đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, đối với đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, trong đó lớn nhất là tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6,687 tỷ USD chiếm tỷ trọng 53%, thứ 2 là tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel với 2,130 tỷ USD chiếm tỷ trọng 17%, thứ 3 là tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam với 1,412 chiếm tỷ trọng 11%.

Ông Nguyễn Chí Tài đề nghị, báo cáo giám sát cần phân tích sâu hơn, đánh giá kỹ hơn, cung cấp thông tin đầy đủ và cụ thể những kết quả đạt được; đặc biệt là những tồn tại, hạn chế việc đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, trong đó có các dự án làm ăn thua lỗ, không hiệu quả được rất nhiều cử tri quan tâm, theo dõi của tập đoàn Dầu khí, tổng công ty hàng hải Việt Nam, tổng công ty công nghiệp tàu thủy; từ đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian đến để việc đầu tư ra nước ngoài của các DNNN đạt hiệu quả cao nhất, đóng góp nhiều cho ngân sách của nhà nước.

Đề cập đến lao động có vai trò rất quan trọng đối với DN, là lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho DN, đại biểu Nguyễn Chí Tài nhấn mạnh đến việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DN. “Cá nhân tôi rất băn khoăn khi chính sách bán cổ phần cho người lao động trong DN cổ phần hóa chưa đảm bảo tính ưu đãi nên chưa thu hút người lao động; có trường hợp người lao động sau khi mua cổ phần ưu đãi đã bán lại cổ phần hoặc quyền mua cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư khác ở trong hoặc ngoài DN để hưởng chênh lệch khiến cho mục tiêu gắn bó người lao động với DN không đạt hiệu quả như mong đợi”- ông Nguyễn Chí Tài nói.

Từ thực trạng đó, ông Nguyễn Chí Tài kiến nghị với Chính phủ có những giải pháp để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động trong việc mua cổ phần ưu đãi, đồng thời có chế tài xử phạt đối với những lao động vi phạm trong việc mua bán cổ phần ưu đãi nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của người lao động trong việc tham gia quản lý, giám sát DN, tạo điều kiện thực hiện quy chế dân chủ trong DN một cách thực chất hơn, giúp cho hoạt động của công ty cổ phần được minh bạch và công khai.

Coi chất lượng lao động là vốn quý của DN

Đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế tại kỳ họp. Ảnh: Tấn Trọng

Đánh giá về vai trò của DNNN, ông Nguyễn Chí Tài nói, trong thời gian vừa qua DNNN thực hiện rất tốt nhiệm vụ chính trị trong một số lĩnh vực, làm đầu tàu, tạo động lực phát triển để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, góp phần vào việc ổn định an ninh, chính trị, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, một số DN thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội nhưng chưa có cơ chế hạch toán rõ ràng nên ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho DN.

Trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cần có lộ trình cắt giảm việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của DNNN.

Đánh giá cao tầm quan trọng của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ông Nguyễn Chí Tài cho rằng, cần đẩy mạnh công tác đổi mới quản trị DN, phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong bối cảnh tình hình mới; kiện toàn bộ máy quản lý, chú trọng công tác kiểm soát nội bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý DN đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường, lựa chọn những cán bộ đã trải qua các cương vị công tác quản lý được thử thách trong thực tiễn, thực sự có năng lực để lãnh đạo DNNN.

Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, coi chất lượng lao động là vốn quý của DN. Tập trung vào kinh doanh những ngành nghề kinh doanh chính. Xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các DN có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đi đầu trong đổi mới khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ.

Thái Bình- Quốc Vương (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với các doanh nghiệp nhà nước

Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với Doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với các doanh nghiệp nhà nước
Return to top