Chuyện “đội lốt” trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ hàng hóa có lẽ không mới. Trước đây, chúng ta thường nghe chuyện hàng Việt đội lốt hàng ngoại để tiêu thụ, nhưng nay chuyện đội lốt diễn biến ở cả hai chiều: Hàng Việt đội lốt hàng ngoại và hàng ngoại đội lốt hàng Việt để tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu.
Tại sao có chuyện đội lốt hàng Việt như vậy? Xét cho cùng đều hướng đến mục tiêu đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Nhưng ở một góc độ nào đó, rõ ràng hàng hóa Việt Nam sản xuất ngày càng có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn và giá cả cũng phù hợp, được người tiêu dùng đón nhận nên hàng nước ngoài mới phải đội lốt hàng Việt để tiêu thụ ngay tại nơi có xuất xứ hàng hóa. Tất nhiên hàng đội lốt thì không phải là hàng thật và phải có giá hấp dẫn hơn hàng thật thì mới có thể tiêu thụ được. Để làm được điều này, người sản xuất gian lận chỉ còn cách giảm chất lượng và trốn các nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước. Đó vừa đánh cắp niềm tin người tiêu dùng, vừa vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, không chỉ các loại máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng, dệt may mà ngay cả các loại nông đặc sản cũng bị đội lốt, đánh lừa người tiêu dùng. Chúng ta từng nhức nhối câu chuyện khoai tây, cà rốt Trung Quốc đưa về tiêu thụ tại Đà Lạt với danh nghĩa nông sản Đà Lạt… Ngay ở Huế, các lực lượng chức năng từng phát hiện, xử lý nhiều vụ gian lận thương mại. Điển hình, năm 2018, lực lượng công an phát hiện một kho hàng với hàng nghìn bộ áo quần jean, thun thể thao được nhân viên nơi đây tháo bỏ nhãn mác gốc, thay thế bằng nhãn YOFASO, sau đó gắn mã vạch tự in, giá tiền rồi bán ra thị trường.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, với nhiều ưu đãi về thuế quan cho các thành viên tham gia hiệp định thì việc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu sang nước thứ ba càng diễn biến phức tạp. Theo cảnh báo của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, các nước bị áp thuế cao càng lợi dụng điều này để xuất khẩu vào nước thứ ba.
Theo ngành Hải quan, hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Việt Nam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Việc gian lận này có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp Việt. Họ tìm cách lách luật, thậm chí bắt tay nhau để làm ăn gian dối dẫn đến một số quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hạn chế nhập khẩu hàng Việt Nam đối với một số ngành hàng như thép, nhôm, xe đạp…
Hiện Chính phủ đã có những động thái siết chặt quản lý để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, nếu chỉ một phía là chưa đủ, các DN Việt Nam cần đề cao lòng tự tôn dân tộc, tự hào hàng Việt, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ để bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng chính là bảo vệ chính mình.
Minh Giang