ClockThứ Bảy, 02/09/2023 12:48

Hàng Việt: Đa dạng mẫu mã, gia tăng thị phần tại các kênh phân phối

Tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Winmart, Hapro… hàng Việt chiếm tỷ lệ 80-95%, trong khi tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt cũng dần chiếm ưu thế.

Cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập chuỗi cung ứng thế giớiTăng tốc chuyển đổi số trong doanh nghiệpGiá hàng hóa tiếp tục suy yếu, chỉ số MXV-Index giảm liên tiếp 5 ngàyCơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương với Thái LanTìm hiểu về mã vận đơn và vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóaLo ngại thiếu hụt nguồn cung đẩy giá nông sản, năng lượng tăng mạnh

Hàng hóa của các doanh nghiệp ngày càng tạo được sức hút với các đối tác nước ngoài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) 

Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp… đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản chất lượng cao đang ngày được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng, điều này cũng khẳng định vị thế và chỗ đứng vững chắc của hàng Việt ngay trên sân nhà.

Đa dạng và hấp dẫn với người tiêu dùng

Thời gian qua, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại nhưng nhờ sự thích ứng linh hoạt bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường.

Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (doanh nghiệp quản lý, vận hành chuỗi siêu thị GO!/Big C) Nguyễn Thị Bích Vân cho biết Central Retail luôn đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị của đơn vị. Hiện hệ thống siêu thị Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.

Còn theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống Co.opmart.

Thực tế tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Winmart, Hapro… cho thấy hàng Việt chiếm tỷ lệ 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%, trong khi tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng dần chiếm ưu thế.

Là tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản nhưng các sản phẩm tại hệ thống siêu thị AEON Việt Nam chủ yếu là từ các nhà cung cấp nội địa, trong đó hàng Việt chiếm khoảng 80%. Hàng nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá thấp và chủ yếu nằm trong nhóm hàng thực phẩm. Đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau củ quả... đa phần đều là hàng Việt, chỉ có 5-10% là hàng nhập khẩu.

Đa dạng các sản phẩm Việt Nam tại các kênh phân phối. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) 

Tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.

Doanh số bán hàng tại các siêu thị cho thấy hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt được người dân trên địa bàn lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Mở rộng hệ thống bán lẻ hiện đại

Điều dễ nhận thấy trong thời gian qua là sự chuyển mình của các kênh phân phối, bán lẻ, các doanh nghiệp trong nước liên tục được đầu tư, mở rộng mạng lưới, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện thị trường trong nước đã tổ chức được những mạng lưới để cung ứng hàng hóa đến 100 triệu người dân Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt thì nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng thương mại ở thị trường trong nước đã rất được quan tâm.

"Nhiều doanh nghiệp nước ngoài liên tục đăng ký để đầu tư vào Việt Nam cũng như mở chuỗi cung ứng hàng hoá. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài rất quan tâm, đến việc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tại nước sở tại, đóng góp cho cộng đồng," bà Nga cho hay.

Theo ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành của Central Retail Corporation, lộ trình 5 năm tới đây, Central Retail Corporation sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, đáp ứng xu hướng tăng trưởng liên tục của nền kinh tế. Theo đó, công ty đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2027 có thể tăng gấp đôi số lượng cửa hàng và mở rộng mạng lưới nhiều hơn tại các địa phương của Việt Nam.

Tương tự, trong chiến lược dài hạn, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, để đẩy mạnh đầu tư. Tăng tốc mở rộng mô hình bán lẻ mới là 1 trong 3 trọng tâm phát triển của nhà bán lẻ Nhật Bản trong năm 2023. Nhằm tối đa tính tiện lợi là ưu tiên và thay đổi trong xu hướng mua sắm sau dịch của khách hàng, AEON Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng đa dạng mô hình bán lẻ, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết AEON sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng số lượng các trung tâm mua sắm lớn. Cùng đó, để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp sẽ thử nghiệm các mô hình mới, như: siêu thị quy mô vừa, các siêu thị quy mô nhỏ với thương hiệu MaxValu.

Ngoài ra, AEON Việt Nam còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn AEON, nhằm cung cấp cho khách hàng các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, góp phần ổn định chuỗi cung ứng và hỗ trợ nâng cao năng lực của nhà cung cấp.

“Hoạt động này không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa, mà còn hướng đến mục tiêu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước khác thông qua hệ thống AEON,” ông Furusawa Yasuyuki thông tin.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa đảm bảo nguồn gốc và chất lượng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) 

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhằm gia tăng thị phần, bà Lan cũng khuyến nghị các doanh nghiệp làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận..., từ đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước lẫn quốc tế./.

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức mua tăng, giá cả không biến động mạnh

Hiện, các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại, phục vụ người tiêu dùng cùng dự báo giá cả không có biến động lớn trong những ngày tiếp theo

Sức mua tăng, giá cả không biến động mạnh
Tiếp tục thúc đẩy đầu ra cho cam Nam Đông

Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Nam Đông và các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2023 diễn ra trưa 8/10 tại huyện Nam Đông, thu hút 7 hộ trồng cam VietGap, 2 siêu thị Go! Huế và Coopmart Huế, 20 doanh nghiệp cùng một số tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu tham dự.

Tiếp tục thúc đẩy đầu ra cho cam Nam Đông
Tin dùng và tự hào hàng Việt

Cuối tháng 4 vừa qua, Viện Nghiên cứu thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC) tổ chức trao giải cuộc thi ảnh “Người Việt tin dùng hàng Việt” lần thứ nhất (2022-2023).

Tin dùng và tự hào hàng Việt

TIN MỚI

Return to top