ClockThứ Sáu, 12/03/2021 06:45

Đối thoại, cùng gỡ khó

TTH - Sau hơn 1 năm dịch COVID-19 bùng phát, tình hình kinh tế- xã hội nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanhĐối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp làm du lịchTháo gỡ để vượt khó

“Phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới” là chủ đề cuộc đối thoại trực tuyến do UBND tỉnh tổ chức với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự kiến tổ chức vào cuối tuần sau. Điều này được kỳ vọng sẽ gỡ các nút thắt thực tế ở cơ sở, đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Sau hơn 1 năm dịch COVID-19 bùng phát, tình hình kinh tế- xã hội nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Dù là quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về thành công trong phòng chống dịch, sớm đưa nền kinh tế phục hồi trở lại nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước chỉ đạt 2,91%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn trước đó. Tác động rõ nhất của đại dịch là việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thị trường bị thu hẹp, xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ bị đình đốn, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, lao động bị mất việc.

Thực hiện nhiệm vụ kép trong “trạng thái bình thường mới” là vừa chống dịch hiệu quả vừa tiếp tục duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 3 đợt dịch bùng phát vừa qua, tỉnh có nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, ban hành các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; trên các phương tiện giao thông, tại các trường học, trụ sở làm việc, chung cư… Đây là sự linh hoạt của tỉnh nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh, hạn chế tác động xấu đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống người lao động.

Bên cạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thuế, bảo hiểm, vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề…, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…

Cùng với sự đồng hành của Nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất linh hoạt sáng tạo trong việc tổ chức sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, xác định lại thị trường, đối tượng khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh… nhằm thích ứng với tình hình mới.

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp và những tác động sâu rộng của dịch COVID-19 hiện nay, những nỗ lực của riêng doanh nghiệp, cá nhân là không đủ, cần sự đồng hành, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.

Để nắm bắt tình hình thực tế, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh thường xuyên xuống kiểm tra, động viên, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để kịp thời chỉ đạo các sở ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất. Đồng thời, khảo sát, đánh giá lại các tiềm năng để có giải pháp phù hợp nhằm kêu gọi đầu tư, khai thác các sản phẩm mới, nhất là việc xây dựng các sản phẩm mới trong lĩnh vực du lịch, tạo sức hút và điều kiện cho ngành kinh tế chủ lực của tỉnh sớm phục hồi.

Trong nỗ lực đó, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là một kênh mở, trên diện rộng hơn. Điều quan trọng, người tham gia đối thoại đến với tâm thế không phải để kêu khó mà cần chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ phù hợp. Những đề xuất phù hợp, trong phạm vi giải quyết cần được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện ngay để cuộc đối thoại thực sự có hiệu quả, mang lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Đó là khẳng định của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chiều 14/11.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung
Return to top