Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay,với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng. Nhiều doanh nhân đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Rõ nhất là các doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn trong giải quyết việc làm, nộp ngân sách, thay đổi bộ mặt các vùng đất.
Với Thừa Thiên Huế, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, các DN đã nộp ngân sách ước gần 2.800 tỷ, chiếm hơn một nửa trong tổng thu ngân sách của tỉnh (ước đạt 4.800 tỷ đồng). Rất nhiều sản phẩm đặc trưng của Huế vươn ra thị trường trong nước và thế giới là quá trình nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của các doanh nhân.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do nhiều nguyên nhân; trong đó yếu tố có gánh nặng về chi phí kinh doanh cao (gồm cả chi phí chính thức lẫn phi chính thức); thủ tục hành chính còn rườm rà, việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn… gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, độ mở nền kinh tế ngày càng lớn khi nước ta tham gia các hiệp định kinh tế quốc tế, khu vực đặt các doanh nghiệp trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Chưa nói chuyện “bơi ra biển lớn”, chỉ riêng việc “giữ sân nhà” đã là một thách thức không nhỏ khi đa phần các doanh nghiệp chỉ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế có rất nhiều giải pháp cụ thể, từ việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đến việc tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đất đai… Có thể thấy rõ khi thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế, thủ tục hải quan đều được rút ngắn đáng kể. Các doanh nghiệp vào đầu tư không chỉ được “trải thảm đỏ” đón chào mà tỉnh còn thành lập tổ giúp việc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, UBND tỉnh, các ngành như kế hoạch đầu tư, thuế, hải quan… cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc đề xuất những chính sách, giải pháp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi mới nhậm chức, tân Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã tổ chức hội nghị “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp” (ngày 13/8). Trên cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ cam kết quyết tâm đổi mới, tạo ra những đột phá trong tư duy quản lý và phát triển; tạo điều kiện thông thoáng, minh bạch; xây dựng đầy đủ các thiết chế pháp lý, quy hoạch; tập trung nguồn lực xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính để nhà đầu tư và cộng đồng DN có thể bỏ vốn đầu tư, khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vào mục đích tạo lợi nhuận cho DN, thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.
Song hành với sự quan tâm của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn đương đầu và biết vượt qua những thách thức thương trường để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân, doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Hoàng Minh